, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 06/12/2017, 15:14

Chuyện tu thiếp

1.Trước kia, dì Bảy chê lên chê xuống dượng Bảy chỉ vì, dượng là người Khmer ‘’chánh hiệu Sóc Trăng’’. Nhưng rồi, do sức ép của mấy cậu và nhứt là, do sức thuyết phục của ngoại; dì ‘’gạt nước mắt’’ bước xuống thuyền hoa theo chồng về miền Tây sông Hậu. Tui là đứa cháu gái được dì tin và thương hơn mấy đứa cháu khác, nên tui hiểu lý do thầm kín vì sao dì trù trừ, nấn ná đi lấy chồng. Dì chê Thạch Sum, chỉ là cái cớ; bởi trong lòng dì đang đợi...Nói cho đúng, thì dì cố đợi một người đã từng cùng dì thề thốt lúc chia tay nhau ở ngã ba sông Nhà Bè.

Lễ hội Thăk Kôông.
Lễ hội Thăk Kôông.

Dì đi lấy chồng được một mùa trăng.

Hôm giỗ ông ngoại, vợ chồng dì về. Rồi, tình cờ người xưa lỗi hẹn của dì cũng trở về dù người đó không dám tới gặp dì; chỉ chống sào đậu ghe nơi vàm nước, buông câu hò đong đầy trách móc:

‘’Anh tới tìm hoa thì hoa đã nở/ Anh tới tìm đò thì đò đã sang sông

Anh tới tìm em thì em đã có chồng/ Em thương anh như vậy, hỏi có mặn nồng gì đâu?’’ (Ca dao, dị bản)

Dì im lặng, không đáp lời. Dường như, dì nghĩ ra điều chi đó, dì nhờ tui đáp lời:

‘’Hoa tới kỳ thì hoa phải nở/ Đò đã đầy thì đò phải sang sông

Tới duyên thì em phải lấy chồng/ Em thương anh vậy đó, còn mặn nồng tùy anh!’’ (Ca dao, dị bản).

Sự thể xảy ra, không qua khỏi mắt ngoại. Xong đám giỗ, ngoại kêu dì Bảy, ngoại rầy và bắt tui phải ngồi nghe. Ngoại nói:

- Gái đã có chồng, không được lả lơi hò trả treo. Mọi việc trên thế gian không có việc gì là ngẫu nhiên, mà nó đều có căn kiếp, nhơn quả!

Ngoại kể: ‘’Hồi về với ông ngoại, bà theo ghe mua bán ở Cù lao Phố; cái cù lao có nhiều tên gọi khác nhau tùy từng thời: Nông Nại Đại phố, Đông Phố, Giản Phố, Cù Châu, Bãi Rồng...Gọi gì thì gọi, dân bổn địa và dân thương hồ thảy đều thích gọi Cù lao Phố. Ngày đó, ông ngoại thường ví sông Đồng Nai giang hai tay ôm cục đất đầy ắp phù sa nổi lớn giữa dòng sông như hòn đảo; phía Bắc là cầu Rạch Cát, phía Nam là cầu Gành. Chuyến đi mua bán nào, ông ngoại cũng dẫn bà lên chùa Thủ Huồng lễ Phật...’’

Tắt ngang, tui hỏi ngoại:

- Chùa Thủ Huồng ở chỗ nào trên Cù lao Phố, hả ngoại?

- Chùa nằm cách cầu Gành ước khoảng hai cây số, đó con!

- Sao lại gọi là Thủ Huồng, hả ngoại?

Ngoại chậm rãi kể tiếp: ‘’Tương truyền, khoảng ba trăm năm trước, ở xứ Đồng Nai có viên nha lại tên Võ Thủ Hoằng tự Thủ Huồng, giàu ‘’Nứt vách đổ tường’’, là nhờ dựa thế lực ‘’chiếm cứ đất đai, cho vay cắt cổ’’ lớp người lương thiện, thế cô! Sau đó, đùng một phát, vợ con ngã lăn ra chết...dù lão ta đang thịnh thời, mạnh thế cũng đành bó tay thúc thủ. Tức mình, lão ta đi thiếp xuống Âm phủ tìm gặp Diêm vương để hỏi cho ra lẽ. Trên đường đi, bất chợt lão ngó thấy cái gông to tướng, cứ nhằm lão mà dí dí vô mặt. Khi gặp đám Tiểu ngạ quỷ thừa lịnh Bạch vô thường lên cõi trần gian câu hồn kẻ sắp tắt thở giải xuống địa ngục, chờ Diêm vương phán xét; lão bèn chặn lại hỏi.

Đám Tiểu ngạ quỷ nhe răng cười ngất: “Cái gông đó dành cho tên Thủ Huồng”. Lão hỏi gấp: “Sao dành cho Thủ Huồng?”. Đám Tiểu ngạ quỷ nghiêm sắc mặt: “Vì, tên Thủ Huồng cậy quyền ỷ thế cướp đoạt của người làm của mình, ăn ráo nạo không chừa ai ăn...Sống chẳng những thất đức mà còn ác đức, thì cái gông kia Diêm vương dành sẵn cho là phải lắm rồi!”. Hoảng quá, lão mếu máo: “Vậy, phải làm sao để tránh khỏi mang gông?”. Tên Tiểu ngạ quỷ đầu bự chảng, mặt dữ dằn, kề tai lão nói nhỏ...Lão giựt mình tỉnh dậy, mồ hôi ướt cả lưng áo’’.

Ngoại bỏm bẻm nhai trầu, nói rõ mồn một: ‘’Thời xa xưa, cửa ba sông chỗ Nhà Bè bây giờ chỉ là rừng rậm, bất cứ ghe nào tới đó cũng phải chèo theo sông Sài Gòn vô Bến Nghé đất Gia Định để mua gạo, muối... thức ăn, nước uống...Rồi chèo ghe quay lộn lại đi tiếp về Đồng Nai. Thấy dân tình đi lại trở ngại, vất vả; lão Thủ Huồng nhớ lời dạy biểu của Tiểu ngạ quỷ, bèn bỏ tiền làm một cái bè neo giữa ngã ba sông, trên bè lão cho cất cái nhà chứa gạo muối, nước ngọt, củi... Tất cả các vật dụng dành cho kẻ thương hồ sống trên sông nước đều có đầy đủ trong cái nhà bè đó. Và, lâu ngày, cái nhà bè đó biến thành địa danh Nhà Bè...’’

Dì Bảy ồ lên tiếng ồ khiến tui trố mắt quá đỗi ngạc nhiên vì cái địa danh Nhà Bè ngày nay. Đúng hay sai chẳng biết, chỉ biết cái địa danh đó nó mang cả tình lẫn lý của con người. Riêng ngoại, cứ thẳng mạch kể: ‘’Mấy năm sau, lão tiếp tục đi thiếp để coi việc làm của lão có kết quả gì không? Quả nhiên, cái gông to bự chảng giờ đã teo tóp, nhỏ dần...Nhưng, vẫn còn là cái gông. Lão ngẫm nghĩ: “Gông lớn, gông nhỏ thì cũng là gông”. Trở về trần thế, lão quyết tâm phải làm cho mất hẳn cái gông. Từ đó, những của cải cướp giựt mà có, lão trả lại những người bị cướp giựt bằng cách thành khẩn và chơn tình cứu giúp, bố thí bá tánh. Phần tiền bạc chắt chiu dành dụm do chính mồ hôi nước mắt của lão đổ ra mà có, thì lão dùng nó dựng lên ngôi chùa trên đất Cù lao Phố.’’

Ngoại ngưng kể. Nắng trưa lọt qua khe lá vườn cây, rớt hàng hàng đốm trắng vàng trên mặt sân, chẳng khác gì bông mù u trổ bông lớp lớp trên vòm cây một màu xanh biếc! Tui chợt có cảm giác như ngửi một mùi hương vừa thoáng qua rất nhẹ...

- Má! Ngôi chùa đó, có phải là chùa Thủ Huồng không, má?

Dì Bảy đột ngột hỏi.

- Phải rồi đó, con!

Tiếng của ngoại lan xa theo gió lay lắt vòm cây mù u trổ bông.

2.Dì dượng Bảy sống mặn nồng bên nhau bốn mùa gặt lúa Nanh Chồn, nhưng chẳng thể nào có được một mụn con. Tới sau lễ hội cúng dừa (*), trời tháng ba chuyển tiết mưa sa giông, dượng Bảy chẳng may bị sét đánh chết tức tưởi giữa đồng; dì lăn lộn khóc chồng và kêu Trời, không biết Trời có thấu? Mãn tang khó chồng theo tập tục người Khmer, dì trở về quê thăm ngoại.

Tình cờ một hôm, tui đi cắt bẹ chuối khô để ngoại tướt làm dây lạt. Hình như là...có tiếng người ở bụi chuối sau hè:

- Đừng! Đ...ừ...n...g...a...n...h...!Tui giờ, đã là người của nhà họ Thạch!

Bóng người vụt chạy băng qua mấy liếp vườn.

Xong bữa cơm chiều, tui lui cui dọn dẹp đũa muỗng, chén dĩa...vô rổ và dợm bưng xuống cầu ao để rửa. Ngoại nói: ‘’Để đó!”. Rồi, ngoại hỏi: “Hồi xế, lúc đi cắt bẹ chuối khô, con nghe thấy động tĩnh gì?’’. Tui đứng chết trân, miệng ấp úng, chưa biết phải trả lời câu hỏi của ngoại ra sao cho phải lẽ.

- Là con đó, má!

Tiếng dì Bảy buồn buồn, giọng rung rung...

*

Tui theo ngoại chèo ghe xuống Sóc Trăng thăm dì Bảy đang thọ giới tu thiếp: ‘’Sống vào chùa gởi thân, chết vào chùa gởi cốt’’. Tự dưng, tui liên tưởng tới chuyện Thủ Huồng mà ngoại từng kể. Đi thiếp sao bì được tu thiếp. Nhưng, tu thiếp là tu làm sao? Mấy lần tui gợi chuyện hỏi ngoại, ngoại lắc đầu. Ngoại chỉ nói: ‘’Dì xin phép ngoại cho dì gởi thân vào chùa tu thiếp’’.

Suốt đoạn đường sông xa vời vợi, tui trải thắc mắc trôi theo dòng nước gợn sóng mái chèo!

Dì Bảy mặc áo cà sa cũ, có mấy miếng vá quàng xiên ngang lưng. Thức ăn do bá tánh dâng cúng, dì ăn trong cái bình bát. Cũng có lúc không có người cúng dường, dì uống nước lã đổ vô cái bình bát. Mắt ngoại ngân ngấn, nhà sư cười hiền: ‘’Những người tu thiếp như dì được gọi Neak Sakmathik, mọi người tôn kính’’. Rồi, nhà sư giải thích: ‘’Tu thiếp hoàn toàn khác với đi thiếp. Tu thiếp chính là tu thiền (sama dhi). Đức Phật Thích Ca đã theo phương pháp nầy lúc ngồi dưới gốc bồ đề để đắc đạo’’.

Tui nhìn từng cánh dơi chấp chới nắng mai, bay về chùa giữa bầu trời trong xanh sau một đêm mưu sinh. Tai tui vẫn còn nghe những lời sư chỉ dạy: ‘’Người tu sẽ tin rằng mình hiểu được tiền kiếp và người tu, cũng hiểu được cái vô ngã để tìm đường giải thoát’’. Lát sau, chừng như đợi cho người nghe thấm lời, sư thong thả nói tiếp: ‘’Tùy hoàn cảnh mà chọn cách tu thiếp, có thể tu một hai tuần hoặc một hai tháng, tu theo định kỳ nhứt định và tu nguyện suốt đời nương cửa Phật’’.

Mấy ngày lưu lại chùa, tui thấy người đi tu dù nam hay nữ đều xuống tóc, mặc đồ trắng và họ gọi nhau: lục day (đàn bà), lục tà (đàn ông). Họ nhập thiếp và đọc kinh Pali thỉnh thiếp do thầy chỉ dẫn trước lúc ngồi tịnh.

Cảnh giới trầm mặc, chỉ một chiếc lá rơi hay một cánh bông sao rụng, cũng đủ gây chấn động chao nghiêng bước chưn thiền. Tưởng dì tu thiếp là tự nhốt mình chốn tịch liêu, nào dè dì thích thú bởi đang đối diện với chính mình trong tiền kiếp. Và, niềm hạnh phúc nhứt, là dì từng bước trục cái ác ra khỏi tâm mình, liệng cái tham lam bá đạo ra khỏi hồn mình...Biết xót thương đồng loại: ‘’Bầu ơi! thương lấy bí cùng...’’, biết yêu mến cây cỏ quê nhà, biết lo cái lo tan rã tình người...

Trên đường về, ngoại nói: ‘’Ngoại yên lòng và vui, khi nhìn thấy dì tu thiếp ở quê chồng’’. Khi ghe neo đậu chờ con nước nơi vàm Kỳ Hôn, tui bâng khuâng ngắm buổi chiều đẹp lạ kỳ, rớt chầm chậm mặt sông.

- Nếu ai cũng có ý niệm ‘’đi thiếp’’ như Thủ Huồng, hoặc ‘’tu thiếp’’ như dì Bảy, thì nhân gian nầy làm gì có chỗ để cho cái dối trá, cái ác lên ngôi! n

..................................................................................

(*) Tức là lễ hội Thăk Kôông, hằng năm vào các ngày 14-16 tháng 3 âm lịch, được tổ chức tại chùa Mahasal Thalmon (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng). Lễ hội bắt nguồn từ truyền thuyết ‘’Sự tích về tiếng cồng vang lên từ đất’’, Thăk Kôông cũng có nghĩa ‘’đạp cồng’’, biểu tượng lễ hội cầu an (mong được trúng mùa, người được bình an).

CAO THỊ HOÀNG

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất