, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 18/10/2021, 16:13

Đất thuốc

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG
Không ai rõ tổ nghề thuốc làng Pabblap là ai. Ông Tài Rài, 68 tuổi, người thôn Phước Nhơn 1, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận và là Chủ tịch Hội Đông y xã Xuân Hải nghe ông nội mình là Tài Năng Thổ kể rằng ngày xưa, đầu thế kỷ 19, có bà già tên là Đơ tự lên núi chặt, hái cây thuốc về phơi khô rồi mang đi bán ở Phan Rang, Phan Thiết, Sài Gòn. Thấy bà bán được nên dân làng học theo.
Đến làng Phước Nhơn, ta sẽ gặp hình ảnh thân thuộc. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Trong kho tàng truyện cổ dân gian Chăm có chuyện Jayoa và cây thuốc thần. Jayoa là cậu bé mồ côi, nghèo, tính tình hiền lành đến mức hơi đần, kiến cắn cũng chỉ lấy tay phủi chứ không đành giết. Một hôm chàng được người làng cho theo đoàn xe trâu lên núi lấy củi. Trong rừng, nhờ thấy vợ chồng chim bìm bịp lấy lá cây quấn cho cái chân bị gãy của bìm bịp con, Yayoa chợt hiểu đó là cây thuốc chữa vết thương, chàng liền bám theo bìm bịp đực thì gặp một cây thuốc sống bám vào một thân cây to đã chết khô. Chàng hái một nhúm lá nhét vào túi áo và tách một cây con cho vào bị. Trở về nhà, Yayoa mang cây thuốc con trồng ở mảnh đất sau nhà. Rồi chàng dùng lá thuốc chữa bệnh cho người và vật…

Khắc nghiệt nên quý

Ông Kiều Tìm, 57 tuổi, ở thôn Phước Nhơn 3, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, bôn ba khắp nơi bán thuốc đã 25 năm nay. Theo ông “Thuốc tốt thì thầy có kém một chút cũng được. Thế nên chúng tôi đều lấy thuốc ở quê đi bán, không vì tiện lợi mà gặp đâu lấy thuốc ở đấy dẫn đến chất lượng không ổn định, lại mất bản sắc.” Vậy thuốc Nam của người Chăm ở đây có gì đặc biệt?

Ninh Thuận là vùng có khí hậu độc đáo của Việt Nam, khô hạn quanh năm. Lượng mưa trung bình hằng năm ở Ninh Thuận chỉ có 695mm, có năm chỉ có 413mm, số ngày mưa mỗi năm là 49 ngày, tập trung từ tháng 9 đến tháng 11. Khắp nơi chỉ thấy trắng lóa một màu của cát và đá vôi. Nhưng chính trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt đó, những cây thuốc Nam lại có sức sống mạnh mẽ, kháng thể tốt và nhiều tinh chất. Hơn thế, nơi đây còn có nhiều cây thuốc Nam mà nơi khác không có. Ở đây có rất nhiều cây cà độc dược, dừa cạn, ngũ sắc (người Chăm gọi là hoa tứ quý), tật lê (yết hầu) mọc hoang. Trong khi đó ở miền Bắc, Tổng Công ty Dược Việt Nam hằng năm lại phải nhập 25 tấn quả tật lê để sử dụng cho nhu cầu chữa bệnh. Ở các trảng cát nóng bỏng lại có nhiều củ bình vôi lá đốm trắng, một dược liệu đặc sản của vùng này, có tác dụng tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể, an thần, chữa các bệnh về tâm hồi hộp mất ngủ...

Để chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, người dân nơi đây buộc phải trang bị cho mình những kiến thức y học dân gian để phòng và chữa bệnh. Trong bữa cơm ở nhà chị Kiều Maily, thôn Phước Nhơn 3, tôi lại càng thêm thú vị. Khai vị là món rau trộn với hàng chục loại lá: lá nêm (xoan) - ăn đắng nhưng trị được bệnh đau lưng), lá da đá (trị bệnh đường ruột), lá mãng cầu (ăn mát), lá keo (chữa táo bón, tan máu bầm), lá dông, lá me, lá dẹp, lá khổ qua, lá é, lá chùm ruột, lá húng chanh… Món canh thanh nhiệt (canh đắng) nấu bằng quả hoặc lá khổ qua rừng, rau đắng, quả cà bát, quả đu đủ xanh, cá cơm… ăn rất đắng, ai mới ăn một lần thì không thể nuốt được. Nhưng ai ăn quen thì lại rất ngon, lại là bài thuốc thanh nhiệt, giải độc. Món nước lèo thịt dê ăn kèm với thân non của cây chuối hột, lá lốt, lá chùm ruột, đọt xoài, đọt lim… thái mỏng trộn đều. Khi ăn chấm thịt dê và rau với mắm nêm. Nước luộc dê đun sôi, cho gạo rang giã nhỏ, cà chua cắt miếng, đun chừng năm phút bắc xuống nêm ớt, muối, hành, mắm nêm, lá me non băm nhỏ. Món cơm trộn được làm từ cơm nguội, cá nục chiên xé nhỏ, lá dông, lá xoài, lá dẹp, mắm nêm… trộn đều. Tráng miệng là món chè hạt é, chè hạt sen, quả xoài, nho, đu đủ… Tất cả đều là cây nhà lá vườn, sạch, ngon, bổ, đủ vị mặn, ngọt, bùi, cay, đắng, chát, chua.

Bữa ăn của người làng thuốc thật khoa học và đẹp đẽ! Khổ nên phải tốt. Nhiều người dân làng Pabblap đã cắt nghĩa cho tôi cái ý ấy.

Một điều thú vị là hầu hết những người Phước Nhơn đi cùng quê khắp chợ bán thuốc nam, đều đi cả hai vợ chồng. Trong ảnh: Vợ chồng bà Đạo Thị Tuyết, 50 tuổi, ông Kiều Tìm, 52 tuổi, một năm ở nhà “quá lắm được bốn tháng”. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

679 cây thuốc, 677 bài thuốc, chữa 90 bệnh

Trong 2 năm 2006, 2007, Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện đề tài “Điều tra thực trạng cây thuốc, bài thuốc của người Chăm tại tỉnh Ninh Thuận” tại các xã: Xuân Hải (huyện Ninh Hải), Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc), Phước Hải, Phước Nam, Phước Hữu, Phước Thái (huyện Ninh Phước). Đây là các xã có đông người Chăm sinh sống lâu đời và có nhiều gia đình làm thuốc Nam chữa bệnh.

Các nhà nghiên cứu đã đến từng hộ gia đình người Chăm làm thuốc, ghi nhận thông tin về các bài thuốc, các cây thuốc mà người dân vẫn sử dụng chữa bệnh. Trong số 7.572 hộ gia đình trên địa bàn điều tra thì có 1.175 hộ có người làm nghề thuốc nam gia truyền, chiếm tỉ lệ 15,51%. Cá biệt xã Xuân Hải có thôn An Nhơn và thôn Phước Nhơn, số hộ gia đình làm thuốc chiếm tỉ lệ 54,77%. Ở xã Bắc Sơn, số hộ gia đình làm thuốc chiếm tỉ lệ 18,14%, xã Phước Hải: 15,02%, xã Phước Nam: 4,81%.

Nhóm điều tra đã phỏng vấn, lấy mẫu, thu thập được 677 bài thuốc Nam thường được người Chăm sử dụng để chữa bệnh. Nhìn chung, thành phần loài cây thuốc rất phong phú. Bộ phận dùng đa dạng: hoa, lá, thân, vỏ, rễ, củ. Cách dùng linh hoạt. Sau khi phân tích 677 bài thuốc, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp được 679 cây thuốc và vị thuốc của 324 loài thuộc 78 họ thực vật. Họ chia ra theo mười nhóm bệnh là: các thuốc an thần, gây ngủ; các thuốc chống viêm giảm đau, trị thấp khớp; các thuốc trị cảm sốt, thanh nhiệt và trị sốt rét; các thuốc chữa ho, trị hen suyễn; các thuốc trị cao huyết áp và các bệnh về máu; các thuốc trị lị, ỉa chảy, táo bón; các thuốc trị các bệnh ở gan mật; các thuốc điều hòa kinh nguyệt; các thuốc bổ tăng sinh lực, tăng khả năng miễn dịch; các thuốc khác.

Theo thống kê của Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận, người Chăm ở đây chữa được ít nhất 90 bệnh. Trong ảnh: Phương thuốc chữa suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể của ông Kiều Tìm, 52 tuổi, thôn Phước Nhơn 3. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Hầu hết các vị thuốc người Chăm sử dụng là các vị thuốc Nam, tuy nhiên họ có sử dụng một số vị thuốc Bắc như: bạch truật, bạch thược, cam thảo bắc, đỗ trọng, độc hoạt, đương quy, liên kiều, phòng phong, tế tân nhưng tần số xuất hiện trong các bài rất ít. Sự khác biệt của của người Chăm với các dân tộc khác biểu hiện ở nhiều cây thuốc mới như nho rừng, thần xạ, đa đa, thương vàng dùng chữa đau nhức xương khớp có tác dụng tốt. Cây cối xay, người các dân tộc khác chủ yếu dùng chữa cảm sốt nhưng người Chăm đã dùng trong 105/677 bài chữa nhiều chứng bệnh như đau đầu, sốt, các bệnh về khớp, các bệnh về tiết niệu... Khi tổng hợp 677 bài thuốc sưu tầm, các nhà nghiên cứu đã thống kê các bệnh người Chăm đã chữa qua các bài là 90 bệnh, trong đó có rất nhiều chứng bệnh thông thường trong cộng đồng, nhưng nổi trội tập trung ở một số bệnh về khớp, đau nhức cơ thể, đau thần kinh tọa, các bệnh về phụ nữ, đau dạ dày…

Ông Nguyễn Xuân Tuyển, dược sĩ - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Số bài thuốc điều tra được tuy nhiều nhưng chưa phải là những bài thuốc độc đáo nhất của họ, bởi lẽ những bài thuốc đặc hiệu là bảo bối nên thuộc dạng “thuốc giấu”.

Xã Xuân Hải có khoảng 1.200 hộ gia đình làm thuốc Nam, tập trung đông nhất ở hai thôn người Chăm là An Nhơn và Phước Nhơn. Đây là xã có số người làm thuốc cao nhất, chiếm tỉ lệ 54,77% trên tổng số hộ người Chăm trong xã. Đây cũng là một xã đặc biệt khi có số gia đình làm nghề thuốc dân tộc chiếm tỉ lệ cao so với các địa phương trong toàn quốc. Tổng số hội viên của các Hội Đông y trong tỉnh Ninh Thuận là 2.148 người, trong đó hội viên người Chăm chiếm tỉ lệ 57%.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất