, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 12/06/2023, 14:00

Để ngành tôm thoát khỏi viễn cảnh ảm đạm: Phải nhanh thoát kiểu tôm ai mạnh nấy bơi

NGỌC PHƯƠNG
(ghi)
Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, chiếm 40 - 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Thế nhưng hiện nay xem chừng mục tiêu 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu thủy sản là rất khó để đạt được khi trong 4 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản chỉ mới đạt trên 2,6 tỷ USD và tổng giá trị xuất khẩu tôm mới đạt 887 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.

Vậy “đám mây đen” từ đâu đưa lại? Tọa đàm “Vì một ngành tôm phát triển bền vững” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận tổ chức cuối tháng 5 vừa qua đã ghi nhận ý kiến của một số nhà quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội nuôi và chế biến tôm, thử tìm lối thoát tươi sáng hơn cho ngành tôm trong bối cảnh dự báo sắp tới tình hình xuất khẩu tôm không mấy sáng sủa.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia và các doanh nghiệp tên tuổi trong ngành.

Thắt nút cổ chai là chất lượng tôm giống

Đầu vào quyết định sống còn của ngành tôm, chính là con giống. Nhìn trên bản đồ nuôi tôm hiện nay giống hệt mảnh da beo chỗ đen chỗ trắng, mà cụ thể là mù mờ nguồn gốc tôm giống nhưng chẳng ai chịu mình lý lịch không rõ ràng. Minh bạch dữ liệu tiêu chuẩn tôm giống, hệt như chuyện trên bờ nói mò dưới nước…

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP):

Ngành tôm đang đứng trước rất nhiều vấn đề khó khăn, đặc biệt là sự suy giảm sức mua từ thị trường chủ lực là Mỹ, cùng với sự cạnh tranh gay gắt về giá cả từ các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador. Người nuôi đang không muốn nuôi và không có nhu cầu thả nuôi trong điều kiện giá cả hiện nay. Nếu chúng ta muốn giữ vững được vị trí top đầu trong xuất khẩu tôm trên thế giới thì phải hỗ trợ được khâu nuôi tôm, trong đó vấn đề tôm giống trở nên hết sức quan trọng vì là yếu tố đầu vào mang tính quyết định sự thành công bên cạnh các vấn đề liên quan khác.

Chúng ta hiện có sản lượng tôm giống lớn và các cơ sở sản xuất giống tập trung. Tuy nhiên trong hơn 2.000 trại giống nuôi, sản xuất, ươn dưỡng tôm giống, chỉ mới có hơn 1.200 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Còn một cơ số lớn các cơ sở đang lưu hành các sản phẩm tôm giống có thể gây ảnh hưởng đến mức độ sản xuất của người nuôi. Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa có được thông tin đầy đủ về số liệu xuất bán tôm giống.

Tôi cho rằng trước mắt chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh và minh bạch về thông tin các cơ sở đủ điều kiện nuôi tôm, thông tin truy xuất nguồn gốc, số lượng con giống… từ đó đưa ra khuyến cáo cho người nuôi, giúp họ tiếp cận được các nguồn tôm giống đủ điều kiện, đảm bảo chất lượng và để các doanh nghiệp dựa vào đó quyết định điều phối về mặt sản xuất cũng như chế biến xuất khẩu.

VASEP xin nhận trách nhiệm trong việc thu thập các thông tin này và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu cho ngành tôm, từ đó mở những chuyên trang, những đợt thông tin đến người nuôi 1 cách chính xác, đầy đủ. Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác từ các bên liên quan. Hiện nay chúng tôi chỉ mới tìm được thông tin của tỉnh Ninh Thuận. VASEP cũng sẽ đề xuất với bộ NN&PTNT cùng bàn bạc để có được những quy định cấp giấy chứng nhận cụ thể, tiếp cận tiêu chuẩn thế giới.

Các nhà sản xuất tôm giống nên ngồi lại đưa ra hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chất lượng con tôm giống. Nhà máy, xí nghiệp nuôi có thể dựa vào đó để đánh giá “sao” xếp hạng cho các đơn vị sản xuất tôm giống, sản xuất thức ăn… và gửi về cho VASEP để đưa vào bộ dữ liệu chung.

Dưới cương vị của lĩnh vực chế biến, chúng tôi nhận thấy ngành nuôi gắn liền với quyền lợi của mình, nếu ngành nuôi không tốt thì chế biến cũng không sống được. Do vậy theo tôi đã đến lúc suy nghĩ về một liên minh bao gồm tất cả các mắt xích trong ngành tôm để phát triển ngành tôm một cách bền vững.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, Nguyên Chủ tịch VASEP:

Theo báo cáo thì Sóc Trăng có 40.000ha nuôi tôm và có tới 40.000 hộ nuôi. Tính ra trung bình mỗi hộ chỉ có 1ha diện tích nuôi. Nhưng riêng Sao Ta đã có diện tích 500ha, chứng tỏ còn rất nhiều hộ nuôi dưới 1ha. Trong diện tích nhỏ như vậy không thể đạt đủ tiêu chuẩn về nguồn nước, tạo ra nhiều rủi ro. Đối mặt với nhiều rủi ro như thế, nhưng người nuôi nhỏ lẻ lại đóng góp trên 90% sản lượng tôm nuôi cho các nhà máy chế biến, thành quả tạo ra cho xã hội là không hề nhỏ, đây là nghịch lý.

Thế giới đang có xu hướng ưa chuộng sản phẩm tôm đạt chuẩn ASC. Diện tích ASC của Việt Nam theo số liệu tôi cố gắng cập nhật được vì nước ta hiện nay có nhiều tổ chức cấp chứng nhận ASC, là chưa tới 6.000ha trên tổng số 700.000ha nuôi. Trong khi đó Ecuador có 220.000ha nuôi thì đã có 40.000ha đạt chuẩn ASC, đó là lý do hàng Ecuador xuất đi dưới dạng chế biến rất thấp nhưng lại chiếm thị phần cao nhất tại EU. Bất lợi của ngành tôm nước ta là chuẩn ASC thấp, nên tuy con đường siêu xa lộ Việt Nam - EU đã mở ra, nhưng chiếc xe của ngành tôm đã quá cũ kỹ. Chắc chắn phải có thay đổi về mặt chính sách để làm sao có thể hạn chế tình trạng nuôi nhỏ lẻ, áp dụng được chuẩn ASC.

Còn vấn đề giá thành, thì đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến giá tôm cao, mà chính là ở tỷ lệ nuôi thành công quá thấp, chỉ bằng 1 nửa Ecuador, đây là thắt nút cổ chai của ngành tôm Việt.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận:

Trên cơ sở khoa học, các chỉ số về môi trường, thổ nhưỡng, dinh dưỡng… thì miền Trung là nơi làm ra giống cá, tôm chất lượng cao. Tôm của chúng tôi sản xuất ở cơ sở miền Trung đem đi nuôi thì tỉ lệ thành công khoảng khoảng 40 - 50%, nhưng ở cơ sở Bạc Liêu hiện nay toàn bị “mắng vốn” nên tôi không dám sản xuất ở đó nữa.

Trong một vụ nuôi thành công, tỷ lệ giá trị con giống chỉ chiếm từ 5 - 7%. Nhưng 5 - 7% này lại quyết định nhiều chục phần trăm khả năng thành công của một vụ nuôi (nhiều người nói khoảng độ 60 - 80%). Qua đó chúng ta thấy được tầm quan trọng của chất lượng con giống. Tôm Việt Nam nổi tiếng là có giá thành cao hơn so với thế giới, vì sản lượng thấp. Nếu tỉ lệ nuôi thành công tăng lên thì giá thành con tôm Việt Nam sẽ ở mức có thể chấp nhận được.

Liên quan lĩnh vực tôm giống, tôi mong muốn chúng ta cùng đặt ra tiêu chuẩn chung cho tôm giống Việt Nam và hướng đến một liên minh để đánh giá và công bố tất cả các tiêu chuẩn cho các bên cùng nắm.

Ông Trương Đình Hòe
Ông Hồ Quốc Lực
Ông Nguyễn Hoàng Anh

Quản lý chồng chéo, phát triển tràn lan thiếu đặc sắc

Thực trạng quản lý ngành tôm bây giờ giống y miếng thịt heo ở chợ, lỡ xảy ra ngộ độc thì chẳng biết ngành nào chịu trách nhiệm chính. Con giống này chất lượng ra sao? Không ai biết. Một kiểu trách nhiệm… tập thể… Mạnh ai nấy nuôi, nên “nhạc và lời như nhau”, vẫn kiểu đánh bạc với trời, nên khó thoát nạn… chết chùm.

Ông Trương Đình Hòe: Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận, đó là sự rời rạc về mặt quản lý. Hiện nay đơn vị cấp giấy đủ điều kiện sản xuất tôm giống là chi cục thủy sản. Nhưng đơn vị kiểm tra chất lượng tôm giống để xuất bến thì lại là chi cục chăn nuôi và thú y. Chi cục thủy sản các địa phương đề nghị UBND tỉnh hoặc sở nông nghiệp chỉ đạo cho chi cục thú y và chăn nuôi chỉ cấp giấy kiểm dịch cho những cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Trong khi cả 2 danh sách này chúng tôi tìm mãi mà không thể có được bản cập nhật. Do đó, khi đối chiếu với danh sách xuất bán đi thì chúng tôi cũng không biết cơ sở xuất bán có đủ tiêu chuẩn hay không, như vậy không thể hạn chế được tình trạng con giống trôi nổi.

Có thể thấy thông tin chưa được cập nhật và liên thông với nhau, cơ quan này cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, cơ quan khác cấp giấy đủ điều kiện sản xuất và nhiều loại giấy chứng nhận khác. Chưa kể, ngay cả tiêu chí xem xét đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cũng rất mơ hồ.

Ông Nguyễn Hoàng Anh: Năm 2008 sang Thái Lan, tôi thấy thực trạng nuôi tôm của họ giống y như Việt Nam bây giờ. Họ thấy ngành tôm dễ kiếm tiền nên làm nhưng không chú tâm vấn đề quản lý, ai cũng có thể nhảy vào ngành tôm mà không nhận ra kiểu phát triển này là nguy hiểm trong tương lai. Lúc đó sản lượng của họ đạt 600.000 - 700.000 tấn/ năm. Sau dịch Covid-19, đầu năm 2023, tôi quay lại Thái Lan và thấy tình hình rất bi đát, sản lượng chỉ còn hơn 100.000 tấn. Nhà máy chế biến, thức ăn, trại giống đóng đồng loạt đóng cửa. Tại sao Thái Lan thất bại khi trước đây đã từng rất thuận lợi? Chúng ta nên mổ xẻ trường hợp này và rút kinh nghiệm để làm sao không vướng vào con đường đó.

Ở đâu cũng nói sản xuất giống tốt nhưng tại sao ngành tôm không tốt? Đó là chúng ta đã sai từ số lượng tôm giống tới nhận định việc sản xuất khiến quy hoạch tôm giống tràn lan mà bỏ qua khái niệm “đặc sắc”, “đặc sản”. Khoa học công nghệ có thể thay đổi về sản lượng và một phần giá trị, nhưng tính đặc sắc đặc sản là không thể thay đổi. Bởi đặc sắc đặc sản này được cấu thành từ tự nhiên, thiên nhiên, ở những yếu tố mang tính nhất định mà không phải chỗ nào cũng có được.

Riêng về câu chuyện thức ăn, chúng ta đang sử dụng loại thức ăn có độ đạm quá cao cho tôm, lên tới hơn 40 độ đạm trong khi trên thực tế chỉ cần hơn 30 độ. Con tôm có cấu tạo ruột thẳng, lượng đạm không hấp thu kịp sẽ thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, từ đó tăng nguy cơ dịch bệnh và lãng phí trong giá thành khi chủ yếu giá thức ăn cao là do độ đạm cao. Đây là góc khuất của ngành khi mà các nhà sản xuất thức ăn từ nước ngoài vào Việt Nam muốn tăng lợi nhuận đã truyền thông mạnh cho những loại thức ăn này, khiến người nuôi lầm tưởng.

Trong khi đó, hệ số chuyển đổi thức ăn trong nuôi tôm đang là hơn 4.0 (tốn hơn 4kg thức ăn để nuôi được 1kg tôm). Như vậy, sử dụng thức ăn có độ đạm cao vừa gây tốn kém chi phí, vừa gây ô nhiễm môi trường nuôi, hệ lụy là làm giảm tỉ lệ nuôi thành công.

Theo tôi, VASEP cần có kiến nghị lên Chính phủ và các nhà khoa học tổ chức nghiên cứu để có luận cứ khoa học chứng minh nên sử dụng thức ăn có độ đạm trên 30 độ là đủ, để từ đó thông tin tới người nuôi tôm được chính xác và minh bạch.

Ông Hồ Quốc Lực: Chúng ta đang rất cần sự phối hợp, chia sẻ thông tin, chia sẻ lợi ích giữa các mắt xích một cách hài hòa để tình trạng cải thiện sớm nhất. Nếu không nhanh chóng, sản lượng tôm thương phẩm của chúng ta chắc chắn sẽ sụt giảm, không phải giảm bình thường mà sẽ là một bước giảm lớn như tình hình của Thái Lan.

Tôi thấy có những mô hình rất hay, là những chuỗi hình thành một cách tự phát trong quá trình người ta suy nghĩ làm sao có được lợi ích nhất, trước hết cho mình và cho bản thân những người trong chuỗi. Gần như các hãng tôm lớn, thức ăn lớn đều có chuỗi của mình, có liên kết từ ngân hàng, đại lý và các mắt xích như thức ăn, giống, chế phẩm nuôi… những chuỗi này giúp người nuôi có nguồn lực để tiếp tục thả nuôi với quy trình mới được cập nhật tiên tiến.

Bà Quách Thị Thanh Bình - Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng: Chúng ta đang có sự phân khúc khi giao nhiệm vụ quản lý vấn đề nuôi tôm, trong đó chi cục thủy sản chịu trách nhiệm hướng dẫn nuôi, theo sát người nuôi, nhưng tới khi có bệnh lại để chi cục thú y – đơn vị chưa nắm tình hình chịu trách nhiệm trị bệnh. Như tôi thường hay nói vui là chúng tôi xúi dân nuôi mà tới khi có bệnh thì bỏ chạy, để thú y vào, thú y vào cuộc không xong thì chúng tôi quay trở lại. Tôi thấy chỉ riêng chuyện quản lý dịch bệnh về phân cấp đã có bất cập.

Thứ 2 là về quản lý giống, chi cục thủy sản giống như “tay không bắt giặc”, vì cấp trên phân nhiệm vụ cho chi cục thú y quản lý kiểm dịch, đối với chi cục thủy sản thì quản lý chất lượng giống, mà trong khi đó chất lượng giống quan trọng hơn kiểm dịch. Thật sự nếu hiểu đúng thì kiểm dịch là một phần trong quản lý chất lượng, nhưng chi cục thủy sản không được đầu tư về con người cũng như thiết bị nên nói thật cũng không biết quản thế nào. Đây cũng là nỗi trăn trở của người quản lý.

Hiện nay chúng ta đang sửa đổi chức năng nhiệm vụ của các chi cục và đang có những kiến nghị. Riêng Sở Nông nghiệp Sóc Trăng cũng đã mạnh dạn kiến nghị về vấn đề quy định phân cấp, chúng tôi nghĩ nên có phân cấp rõ ràng và khi trao nhiệm vụ phải trao quyền và có các thiết bị đi kèm đề phục vụ cho đơn vị.

Bà Quách Thị Thanh Bình
Ông Lê Văn Quang.

Gói hỗ trợ 10 ngàn tỷ, chỉ là… mơ

Như nhiều gói hỗ trợ khác, câu chuyện từ chủ trương đến thực tế, lắm nỗi đoạn trường, bởi phải qua ngân hàng, mà ngân hàng cho vay đâu có nhắm mắt ban ơn. Con tôm cũng được nhà quản lý đề xuất chính phủ cho vay để vực dậy, nhưng bản thân lúc nhảy lúc nằm đơ, liệu có được liều thuốc kích thích?…

Ông Nguyễn Hoàng Anh: Gần đây VASEP đề xuất gói 10.000 tỷ để hỗ trợ ngành tôm. Theo tôi nghĩ nếu chính phủ có hỗ trợ gói này, thì chúng ta nên sử dụng đúng nguồn vốn cho tất cả các mắt xích trong ngành tôm Việt. Bởi vì người nông dân còn, người nuôi tôm còn thì ngành tôm còn. Chúng ta không được nghĩ vay gói 10.000 tỷ này rồi dùng tiền đó để nhập tôm thì xem như tiền Việt Nam đang đi nuôi tôm cho các nước khác. Chúng ta nên cùng nhau chia sẻ.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú: Nói về gói 10.000 tỷ, nếu đứng ở cương vị là doanh nghiệp chế biến, chúng tôi không cần gói này, vì lãi suất rất cao. Chúng tôi đang vay ngoại tệ tại ngân hàng thương mại với lãi suất từ 3,6 – 4% trong khi đó 10.000 tỷ lãi suất tới 9 - 10%.

Còn đứng ở cương vị người nuôi hay người sản xuất giống, tôi cho rằng nhà nước có cho vay 10.000 hay 50.000 tỷ, thì chúng tôi cũng không bao giờ vay được. Lý do là ngân hàng đảm bảo an toàn của họ, ngay trong chuỗi giá trị của Minh Phú, có Minh Phú bảo lãnh nhưng 2 lĩnh vực là giống và nuôi tôm cũng không được vay. Vấn đề quan trọng là hiện nay các ngân hàng không dám cho người nuôi tôm và trại giống vay tiền, vì toàn lỗ. Nên bây giờ để giải quyết được vấn đề thì chỉ còn cách tăng tỷ lệ nuôi thành công.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Người nói sáp nhập là chuyện phải làm. Kẻ nói việc đổi tên, xóa tên làng, tên xã cũ là đụng chạm gốc rễ tâm tưởng của cư dân. Chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: "Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân"…





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất