, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 17/05/2022, 06:25

Đi tìm hương bưởi

NGUYÊN AN
Đô thị hóa, vườn xanh hóa… nhà ở là điều tất nhiên! Chỉ tiếc là bóng cau, hàng dừa, hương bưởi… vườn xưa giờ chỉ còn tìm trong miền ký ức!

Ghé nhà quen ở huyện Củ Chi, dự đám giỗ, món đầu tiên bánh tráng cuốn rau với khoai mì luộc, cá con, tép rong... Khoai mì chắc là không cần bỏ thuốc kích thích tăng trưởng, cá con đủ loại và tép rong thì không thể nuôi và chỉ sống ở dòng nước không ô nhiễm. Cuốn một cuốn, ăn vào miệng chút bột của khoai mì, mùi vị cá tép non xanh và những thứ rau vườn... nghe như có tiếng hương đồng gió nội thanh bình. Nghĩ như vậy thôi mà bỗng dưng nghe ngon cực kỳ!

Người trong bàn nói: Ăn vậy chứ vài năm nữa không có ăn?

- Sao vậy?

- Cá, tép tự nhiên, có nuôi được đâu. Khu công nghiệp lấn hết, còn đồng bưng đâu mà có cá!

Người bên cạnh: Bây giờ ông ăn cá này ở miệt Long An, Tây Ninh chứ đây nay còn đâu. 

Nghe vậy chợt dừng tay, hỏi người bên cạnh:

- Ở đây giờ nông dân trồng cây gì “ngon” anh?

Người kế bên nhìn mình như người từ hành tinh khác xuống, rồi nói với vẻ buồn:

- Tui gác cuốc rồi chú! Khu công nghiệp đền tiền xong lấy đất, giờ hết ruộng nên ở không. Nhà còn ít đất cặp lộ, xây ki-ốt cho thuê. Con cái lớn lên, tự bươn mà sống. Chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về miếng ruộng hồi xưa, bây giờ là đất khu công nghiệp bỏ hoang, cỏ mọc... mà đau ruột.

- Còn ai không có đất cặp đường như anh, họ đi đâu?

- Ai siêng thì đi xa mua đất, làm nông tiếp. Còn không thì sống vất va, vất vưởng, con nuôi. 

- Có ai vô khu công nghiệp làm công nhân không anh?

- Mấy đứa trẻ, đứa nào muốn làm thì vô, còn tụi này già mà làm gì? Mà ăn đi chú. Tụi này không lo, chú lo làm gì. “Đói, đầu gối phải bò” tự nhiên mình phải lo cho gia đình, không đói đâu! Sống ở trên đời, nhứt là nông dân, sống giữa đồng đất, để đói là dở!

*

Nhớ xưa cách nay hơn 50 năm, vườn bưởi nhà ông ngoại tôi ở Hóc Môn toàn là bưởi dây. Có lẽ, thấy sao đặt tên vậy. Trái bưởi có cuống dài như sợi dây thả mình từ trên cao xuống từng chùm, từng chùm nên gọi bưởi dây. Bưởi to bằng cái thúng kêu bưởi thúng. Bưởi ngọt như đường kêu bưởi đường... Hồi đó chưa có bưởi 5 roi, bưởi da xanh như bây giờ…

Vườn bưởi nhà ông ngoại nhiều, gần như lúc nào cũng có bưởi trổ bông. Dù dầu thơm (nước hoa) có đầy chợ, nhưng con gái nhà vườn vẫn thích bỏ lá bưởi và một ít bông bưởi vào nồi nước sôi, để gội đầu. Ra bến sông, cô gái thả tóc thề bay bay mà nghe hương bưởi thơm... muốn nứt cái lỗ mũi. 

Nhớ hồi xưa tuy thời chiến tranh loạn lạc, nhưng nhà vườn như vườn ông ngoại vẫn tồn tại. Ai sợ tên bay đạn lạc chạy ra đô thành sống tạm bợ cũng có. Ai gan ở lại bám trụ, sống với ruộng vườn cũng có luôn. Chuối, cau, dừa, bưởi, cam, chanh, tắc... cứ đến lứa là thương lái đến bẻ, tự đếm trái, rồi trả tiền. Một lứa dừa bán cả thiên (ngàn trái), một lứa cau bán một muôn (mười ngàn trái) là chuyện thường. Dôi ra lẻ lẻ là cho luôn khỏi tính tiền. Không ke re, cắt rắt làm gì.

Mua bán cây trái, rau củ, thứ nào cũng có mối quen mua lâu năm, nên người mua, kẻ bán thân tình như ông bà, cô bác, con cháu trong nhà. 

Bán bưởi, bán dừa, bán cau… nhiều vậy nên khá. Nhớ khi xưa thời loạn lạc, đa số nông dân tiền một ít giấu trong tủ thờ, còn nhiều nữa thì bọc trong túi nilon, leo lên ngọn dừa giấu trong cái mo nang. Không sợ trộm, không sợ mưa nắng, nhưng chắc là sợ chuột, vì chuột trên cây dừa, trái dừa nó gặm còn lủng, mấy cái bao nilon ăn thua chi! Nói với ông ngoại, mua vàng rồi bỏ vô lon guigoz, giấu dưới đất là xong. Ông cười hấp háy mắt: Tao giấu cho mày lấy à?

Nói vậy chứ, thừa biết ông tôi và các nhà nông khác thời buổi loạn lạc thường mua vàng làm của, thường chôn giấu dưới nền nhà, góc vườn… Có chiến tranh, bom rơi đạn pháo, nhà có sập, hết chiến trận rồi về… đào lên.

*

Mấy chục năm sau, về thăm miếng vườn cũ của ông ngoại, đứa em họ con cậu, gọi ông ngoại tôi là ông nội nên được hưởng đất hương hỏa. Chỉ mới 50 năm chứ mấy mà đám vườn xanh mượt chuối, cau, bưởi nay đã thành khu nhà trọ san sát. Chắc cũng được gần 100 phòng. Đứa em hằng tháng thu tiền nhà trọ cũng được bạc trăm triệu đồng. Hắn bảo: Giờ này ai làm nông, làm vườn anh! Thu lợi bao nhiêu? Khu công nghiệp phát triển, công nhân thiếu nhà ở, xây phòng trọ cho thuê… Sống khoẻ hơn!

Đô thị hóa, vườn xanh hóa… nhà ở là điều tất nhiên! Chỉ tiếc là bóng cau, hàng dừa, hương bưởi… vườn xưa giờ chỉ còn tìm trong miền ký ức! 

Đang chan chán chuyện vườn cây đất ông ngoại giờ hóa… phố nhà trọ, chợt xịch xuống một chút còn một ốc đảo xanh rì. 

Một đứa cháu khác tuổi 40, đang làm kỹ sư xí nghiệp bỗng bỏ phố về vườn, nghỉ hưu sớm. Hắn có vườn nhà, lâu nay cha già, mẹ yếu không làm để vườn đất cỏ mọc, dế kêu. Thế là, kỹ sư cởi áo thành nông dân. Hắn lại trồng dừa, trồng cau, trồng bưởi, trồng mai… Một loại vườn tạp như ông bà hồi xưa trồng. Nói về chuyên canh thì thời buổi hiện nay, khó có loại cây trồng nào đem lại lợi nhuận cao nên chuyện nông dân trồng vườn tạp, bán sản phẩm theo thị trường trồi sụt cũng là chuyện thường tình.

Năm nay, cau được mùa được giá. 500 gốc cau tơ đã trổ liên tục, khiến chủ vườn cau lượm bộn tiền. Cau bây giờ không phải đếm trái mà là cân ký cả quày. Nghe đâu xuất qua Trung Quốc, Đài Loan… ngoài chuyện ăn trầu như thường lệ, còn làm kẹo cau, thuốc chữa bệnh… 

Đứa cháu nhẩm tính, nếu cau ổn định giá là hắn sống khoẻ. Hiện chủ nhân đã tính chuyện trồng dưới gốc cau là các dây tiêu lốp. 500 gốc cau, 500 gốc dây tiêu lốp. Một ký tiêu lốp tươi hiện bán gần trăm ngàn đồng. Siêng năng phơi khô, giã bán tiêu khô giá gấp đôi, gấp ba… 

Cũng miếng đất đó, người trồng cây, kẻ làm nhà trọ… Chuyện gì cũng có lợi nhuận, có chuyện hao công tốn sức khác nhau, ai tính hay, người ấy hưởng, đều tốt cả. Chứ đừng bán đất xong, ôm mớ tiền sống hoang đàng, ăn chơi phung phí… cuối cùng đất hết, nhà tan, tiền đội nón ra đi… là không được thôi! 

Ra vườn thấy ngoài cau trồng ven mỗi giồng đất, chen ở giữa là bưởi, là mai… Bưởi đang ra bông trắng muốt, hương thơm nhè nhẹ như muốn nói: Đất không hề phụ người!

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.


Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.
Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất