, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 13/03/2024, 07:00

Điểm tin ngày 13/3: Giá cà phê tăng có thể do đầu cơ; Đặc sản Cơ Tu vào resort 5 sao

DIỄM QUỲNH
(Tổng hợp)
Điểm tin ngày 13/3: Giá cà phê tăng có thể do đầu cơ; Đặc sản Cơ Tu vào resort 5 sao; Diêm dân Nghệ An sẵn sàng vào vụ mới...

Giá cà phê tăng có thể do đầu cơ tài chính

Ngày 12/3, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên được ghi nhận ở mức 90.500 – 91.500 đồng/kg, tiếp tục duy trì giá trên 90.000 đồng/kg hơn 1 tuần nay.

Ở mức giá này, so với 1 năm trước, giá cà phê đã tăng gấp 2 lần và so với cuối năm 2023, giá cà phê đã tăng 50%.

Giá cà phê liên tục lập kỷ lục mới. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Về lý do cà phê tăng giá phi mã, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), nói rằng do nhiều lý do tác động nhưng có 3 lý do chính:

Thứ nhất, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu. Có thể vụ vừa qua, cà phê không bị mất mùa nhiều nhưng các nhà mua hàng lo lắng cho những vụ cà phê tới. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023 - 2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), sản lượng hụt mất khoảng 10%.

Thứ hai, các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, căng thẳng trên Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, đẩy giá cà phê lên cao.

Thứ ba, hiện nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ cũng khiến giá cà phê tăng nóng.

Nông dân hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi khép kín

Từ đầu năm 2024 đến nay, nắng nóng kéo dài ở nhiều tỉnh thành khu vực Nam bộ, Tây Nguyên khiến nhiều nơi rơi vào tình trạng khô hạn. Thế nhưng, tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, nhờ sớm đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, khép kín mà nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp khá dồi dào.

Đường ống thép đưa nước từ hồ Dầu Tiếng tới địa bàn các huyện Châu Thành, Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Trước đây, tỉnh Tây Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới cho cây trồng, nhất là các loại cây ngắn ngày, khiến tình trạng mất mùa, năng suất sụt giảm xảy ra thường xuyên. Nhưng kể từ đầu năm 2023, dự án thủy lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (giai đoạn 1) hoàn thành, đưa nước từ hồ Dầu Tiếng về các huyện Châu Thành và Bến Cầu đã giúp tình trạng khô hạn cơ bản được khắc phục.

Theo Sở NN&PTNT Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh có 4 hồ chứa nước là Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong 1, Nước Trong 2 và 10 trạm bơm điện, 1.759 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu, 24 tuyến đê bao, cơ bản khép kín khu vực sản xuất nông nghiệp, giải quyết nước tưới cho khoảng 75% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Kể từ năm 2023, người dân thuộc vùng thụ hưởng của dự án hoàn toàn sử dụng nước canh tác bằng biện pháp tưới tự chảy, giúp tăng số vụ, lợi nhuận canh tác (giảm chi phí bơm nước), đồng thời phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống nhân dân...

Tại tỉnh Bình Dương, các huyện có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn như Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, hệ thống thủy lợi cũng đã đầu tư tương đối hoàn chỉnh, giúp nông dân trong khu vực tăng thêm mùa vụ và năng suất cây trồng. Trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, nông dân đang được hưởng lợi rõ rệt từ hệ thống 8 công trình thủy lợi, bao gồm 2 hồ chứa (Đá Bàn - Suối Sâu, Dốc Nhàn), 6 trạm bơm cùng hệ thống kênh mương tưới tiêu có chiều dài gần 71km, với tổng năng lực thiết kế tưới cho khoảng 789ha.

Đặc sản Cơ Tu vào resort 5 sao

Nhiều ngày qua, những chuyến xe chở các loại nông sản như chè xanh, bí, rau dớn, ớt núi... do bà con Cơ Tu (huyện Tây Giang, Quảng Nam) hái từ rừng, trồng ở bìa rẫy đã được đưa về khu nghỉ dưỡng Furama Resort Đà Nẵng để phục vụ khách lưu trú.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty CP khu du lịch Bắc Mỹ An (Furama Resort Đà Nẵng), cho biết những sản phẩm này đã được khách lưu trú ở đây thưởng thức và đánh giá cao.

Nông sản, rau quả từ núi rừng Tây Giang được đưa vào chế biến phục vụ khách ở Furama Resort Đà Nẵng - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ TP.HCM.

"Mới nhất là trong chuyến thăm Đà Nẵng, Hội An của bà Abe Akie, phu nhân cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, cùng đoàn, chúng tôi đã dùng những món đặc sản rừng núi của bà con Cơ Tu để phục vụ bữa tiệc. Mọi người đều khen rất ngon", ông Quỳnh cho biết.

Trước đó, từ đầu năm 2024, một nhóm doanh nghiệp trong đó có đại diện khu nghỉ dưỡng này đã lên vùng núi cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) - nơi đa số người dân là đồng bào Cơ Tu, để khảo sát và thông qua chính quyền "đặt hàng" nông sản sạch.

Theo đó, toàn bộ nông sản của bà con Tây Giang được trồng theo quy trình nông nghiệp sạch sẽ được các doanh nghiệp mua toàn bộ.

Những sản phẩm đủ tiêu chuẩn sẽ được đưa vào phục vụ khách trong các khu lưu trú. Loại rau củ xấu hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sẽ được doanh nghiệp phục vụ suất ăn công nghiệp tiêu thụ.

Diêm dân Nghệ An sẵn sàng vào vụ sản xuất mới

Trên cánh đồng muối ở xã Quỳnh Thuận (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), ông Đào Văn Hoàng đang tất bật với công việc cải tạo ô nề, gia cố khu vực sản xuất muối của gia đình. Ông Hoàng cho biết: “Gia đình có 5 dát muối với diện tích hơn 250m2. Sau khi ăn Tết xong, tranh thủ thời tiết nắng ráo, chúng tôi huy động cả nhà ra đồng sửa chữa và làm mới ô kết tinh, làm mới khu vực chạt lọc nhằm đảm bảo đồng muối được sử dụng hiệu quả. Chi phí cho mỗi lần tu sửa ô nại khoảng 3 – 4 triệu đồng”. 

Thông thường, trước khi bước vào vụ sản xuất muối, bà con diêm dân các xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Nghĩa, An Hòa... đều phải tu sửa, cải tạo cánh đồng muối của gia đình. Do bà con sử dụng chất liệu vôi, than xỉ xay nhuyễn để tạo thành hồ làm mặt bằng ô kết tinh nên chất lượng và độ bền không lâu như sử dụng xi măng, cát, đá để làm mặt nền. Tuy nhiên, theo bà con, cách này sẽ giúp cho quá trình kết tinh muối nhanh hơn so với trên bề mặt xi măng, dù chỉ sau 2 – 3 năm sẽ cần cải tạo lại.

Vụ muối năm 2023, theo đánh giá của bà con diêm dân huyện Quỳnh Lưu là năm ổn định về giá cả nhất từ trước đến nay. Thương lái thu mua muối tại ruộng dao động từ 2.000 – 2.500 đồng/kg (cao hơn các năm từ 800 – 1.200 đồng/kg). Với giá thu mua ổn định như vậy, bình quân 1 dát muối, bà con sản xuất ra 90 – 100kg muối tinh, cho thu nhập từ 180.000 - 250.000 đồng/ngày. Diện tích dát muối càng nhiều, thu nhập của từng hộ dân càng tăng.

Hạt tiêu bước vào thập kỷ hoàng kim?

Giá hạt tiêu tăng từng ngày cũng là thời điểm bà con nông dân ở vựa hồ tiêu Xuân Lộc (Đồng Nai) tất bật thu hoạch. Tuy năm nay năng suất giảm nhưng đổi lại, giá tiêu tăng cao chót vót, đem lại thu nhập cao cho người nông dân gắn bó với loại hạt được ví như “vàng đen” của Việt Nam.

Hiện, hạt tiêu được thu mua với giá 92.000 -  95.000 đồng/kg. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá mặt hàng này tăng 25 - 30%.

Ông Trần Cao Thắng ở xã Suối Cao (Xuân Lộc) phấn khởi chia sẻ vụ này ông thu hoạch được khoảng 3,5 tấn.

Các hộ dân thu hoạch hạt tiêu. Ảnh: Vietnamnet.

Theo ông, giá hạt tiêu phụ thuộc vào tùy loại, hàng đạt chất lượng còn được công ty thu mua cộng thêm điểm thưởng. Như hạt tiêu khô hàng đẹp, giá có thể lên tới 100.000 - 102.000 đồng/kg.

Trồng 2,5ha tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Hùng dự kiến vụ tiêu cho thu hoạch khoảng gần 8 tấn. Với mức giá hiện tại, gia đình ông thu lãi khoảng 600 triệu đồng.

Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2030 trồng khoảng 800 ha sâm Ngọc Linh

UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 545/KH-UBND triển khai thực hiện chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Gia Lai hình thành 2 trung tâm trồng khảo nghiệm, sản xuất giống cây sâm để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng sâm; diện tích sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng sản xuất khoảng 800ha, 100% diện tích trồng sâm Ngọc Linh được cấp mã vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Hình thành thêm mới ít nhất 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại các địa phương trọng điểm phát triển dược liệu của tỉnh và ít nhất 1 nhà máy sản xuất thuốc từ sâm Ngọc Linh đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt). Mục tiêu đến năm 2045, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh.

Tỉnh Gia Lai khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác sâm Ngọc Linh gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị. Ảnh: Báo Gia Lai.

Để triển khai thực hiện, UBND tỉnh đề ra một số nhóm nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Trong đó, huyện Kbang sẽ rà soát, xác định cụ thể các khu vực; quy mô trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện canh tác, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đa dạng sinh học, đất đai và các quy định liên quan khác; xây dựng và triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, áp dụng quy trình nuôi trồng và thu hái sâm Ngọc Linh theo VietGAP, GlobalGAP; hướng dẫn thực hiện nuôi trồng và thu hái sâm Ngọc Linh theo nguyên tắc GACP-WHO và thực hành sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh theo tiêu chuẩn GMP-WHO nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).



Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm



Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất