, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 04/04/2024, 17:37

Doanh nghiệp cần làm gì trước sự bùng nổ của xu hướng du lịch tự túc?

THÙY DUNG
Tại hội thảo “Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch cập nhật xu hướng thế giới” diễn ra tại TP.HCM vào sáng ngày 4/4, nhiều giải pháp đã được đề xuất để doanh nghiệp du lịch có thể theo kịp sự thay đổi của thị trường.

Từ góc nhìn của mình, ông Đặng Mạnh Phước, CEO Outbox Consulting (công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu du khách) nhận định thị trường du lịch Việt Nam đã gần như phục hồi. Cập nhật những thay đổi quan trọng của thị trường và du khách, ông Đặng Mạnh Phước cho biết thị trường du lịch nội khối đang giữ vai trò chủ đạo ở hầu hết các điểm đến trên toàn cầu. Tại Việt Nam, năm 2023, thị trường nội khối chiếm đến 81% lượng khách quốc tế.

Bên cạnh đó, thị trường châu Á được xác định là thị trường du lịch lớn nhất thế giới theo chi tiêu. Sự bùng nổ của thị trường châu Á sẽ tiếp tục kéo dài nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu mới.

Ông Đặng Mạnh Phước cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự bùng nổ của xu hướng du lịch tự túc. Theo đó, hiện nay, khách du lịch ưu tiên tự tìm kiếm thông tin cho chuyến đi và kỳ nghỉ trên các nền tảng trực tuyến. Đồng thời, có xu hướng sử dụng các nền tảng trực tuyến để đặt dịch vụ cho chuyến đi.

Xu hướng tìm kiếm khách sạn của khách châu Á.

Du lịch tự túc đang trở thành xu hướng chủ đạo, theo đó, hệ thống phân phối du lịch trong tương lai cũng sẽ dần “cắt bớt” các khâu trung gian. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, nếu muốn tồn tại và phát triển cần chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp.

Thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường, nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam chú trọng phát triển mô hình kinh doanh B2C (tiếp cận trực tiếp với khách hàng) thay vì đi theo hướng B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp).

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình kinh doanh B2C, ông Nguyễn Châu Á - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Oxalis Adventure lưu ý các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu, bảo đảm thương hiệu của doanh nghiệp được nhận diện. “Đối với loại hình B2C, việc nhận diện thương hiệu doanh nghiệp là rất quan trọng, vì khách du lịch sẽ tương tác trực tiếp với doanh nghiệp và họ cần biết doanh nghiệp này có uy tín, có tên tuổi hay không” - ông Nguyễn Châu Á phân tích.

Khách trải nghiệm tour thực tế ảo thám hiểm Sơn Đoòng của Công ty Oxalis Adventure.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng các nền tảng website, hệ thống booking… để tạo điều kiện cho khách có thể mua hàng một cách nhanh chóng, thuận lợi. Mặt khác, xây dựng chiến lược marketing bài bản; sử dụng các kênh mạng xã hội để khách “tìm thấy mình trên không gian internet”; xây dựng lực lượng bán hàng và chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Song song đó, xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường mình nhắm đến và đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cùng cho rằng sự chuyển đổi số đóng vai trò sống còn khi doanh nghiệp dịch chuyển sang mô hình kinh doanh B2C. Theo ông Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chuyển đổi số chính là chìa khóa, là động lực để ngành du lịch chuyển đổi. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp có thêm công cụ để tiếp cận thị trường, thu hút khách hàng, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.

Ông Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại sự kiện.

Ông Hồ An Phong cho biết trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đẩy mạnh các hoạt động, chiến dịch xúc tiến, truyền thông thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam; nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ, đầu tư xây dựng các nền tảng hội chợ, triển lãm B2C, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm dịch vụ, quảng bá thương hiệu, tiếp cận khách hàng…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất