, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 07/01/2018, 07:40

Hôn lễ "Gái đưa" Làng Bình Cách

Thông lệ gia đình nội, hằng năm tảo mộ ông bà trước ngày 25 tháng Chạp mươi ngày, hoặc có khi nửa tháng. Tôi thường theo cô Năm về làng Bình Cách (1), nơi yên giấc ngàn thu hơn hai phần ba dòng họ nội ở ‘’tha ma mộ địa’’ của làng. Chả biết từ bao giờ, người làng chẳng những tảo mộ người thân, luôn thể tảo mộ và cúng bái những nấm mồ vô chủ, họ không quan tâm kẻ nằm dưới nắm mồ vô chủ kia, lúc sống hiền lương hay gian ác. Với họ, ‘’nghĩa tử là nghĩa tận’’!

Một góc làng quê ở Tiền Giang
Một góc làng quê ở Tiền Giang

Tháng Chạp quê, đồng lúa mùa ươm vàng cong trái me. Làng Bình Cách như ốc đảo nhô lên giữa bốn bề vườn tược xum xuê bông trái. Người đi tảo mộ nói cười rôm rả, hú hì giúp nhau công việc bồi đất đắp mộ khang trang. Xong việc, họ xúm lại cùng nhậu hoặc ăn miếng ăn ‘’ân tình’’ làng xóm. Tôi lân la chào hỏi cô bác cao tuổi và ngồi hóng chuyện.

- Nấm mộ có bia khắc tên Trần Thị Vàng (2) là ai, mà sao có nhiều người chung tay tảo mộ, thưa cụ!

Tôi rụt rè hỏi.

Cụ Sáu im lặng, rót nhanh ly rượu và đổ rượu đều lên mặt đất mời thổ công. Hồi lâu, cụ quay lại ngó tôi bằng ánh mắt buồn xa xăm...

- Mộ ‘’gái đưa’’ đó, cháu!

Tôi trố mắt, ngạc nhiên:

- ‘’Gái đưa”!?

- Phải! ‘’Gái đưa’’ đó, cháu! Cụ lặp lại với vẻ trân quý.

Khói nhang un nắng chiều tà.

Cụ chậm rãi nói:

- Dân gian làng Bình Cách kể chuyện, rằng: ‘’Ông Năm Linh (3) người miền Trung, võ nghệ cao cường, tánh tình cương trực hay làm việc nghĩa, giao du rộng...Ông vào Nam lập nghiệp. Lúc Tây xâm lược Nam Kỳ, ông đứng ra chiêu mộ nghĩa dõng, quyên góp lúa gạo mua súng đạn đánh Tây, được nhiều người hưởng ứng.

Bá hộ Học (4) là điền chủ giàu có nhất nhì trong vùng, chẳng những ủng hộ lúa gạo mà còn bán ruộng lấy tiền bạc, mua súng ủng hộ nghĩa quân. Để khích lệ người anh hùng có chí lớn, bá hộ Học đem “đưa” cô con gái duy nhứt là Bảy Vàng cho ông Năm Linh.

Từ khi về với ông Năm, dù là “gái đưa” chứ không phải vợ chính thức cưới hỏi, nhưng bà Bảy Vàng chẳng những một lòng chung thủy thờ chồng mà còn giúp chồng nhiều việc trong công cuộc quốc sự.

Khi ông Năm Linh cùng nghĩa quân rút vào Đồng Tháp Mười, bà cũng theo chồng để lo việc tiếp tế lương thực nuôi quân. Đến khi đại đồn Tháp Mười thất thủ, ông Năm Linh theo ghe bầu về Huế cầu viện, bà Bảy Vàng ở lại nuôi con chờ chồng. Khi nghe tin ông bị chết ngoài biển, bà buồn rầu mà mất’’.

Chuyện bà Bảy Vàng khiến lòng tôi bùi ngùi, buồn vô kể nhưng, bụng vẫn thắc mắc, đầu loáng thoáng nghĩ xấu về cái tên gọi ‘’gái đưa’’:

- ‘’Gái đưa’’ là gái sao, hả cụ?

Cụ chưa kịp trả lời, cô Năm réo giựt ngược át tiếng gió:

- Tư ơi! Bây, đâuTư?

- Dạ! Con đây nè!

- Lại đây, phụ cô sắp hương hoa cúng hương linh người ‘’mồ xiêu mả lạc’’.

Dùng dằng nửa đi nửa ở vì, tôi muốn nghe cụ Sáu giải thích ‘’gái đưa’’.

- Lẹ lên! Chiều hôm, sương nặng hạt rồi, nha con!

*

Đêm Bình Cách.

Hai cô cháu ngồi hong lửa, xua cái lạnh se sắt cuối năm. Buồn miệng, tôi hỏi cô Năm chuyện ‘’gái đưa’’; cô nghẹn lời khi nói: ‘’Đó là, tục xưa ở làng’’. Rồi, cô cắt nghĩa:

- ‘’Gái đưa’’ là gái lấy chồng không thông qua cưới hỏi...

- Vậy, gái đi theo trai, à?

- Con nói tầm bậy!

Cô Năm nạt.

Và, có lẽ, cô hiểu tính tôi thường nghĩ sao nói vậy, nên liền dịu giọng:

- ‘’Gái đưa’’ là gái được cha mẹ thuận gả cho người đàn ông đã có vợ chánh thức...

- Trời đất!

Tôi ngỡ ngàng thốt lên, cắt đứt lời cô nói.

- Thường thì, ‘’gái đưa’’ trước đó, chẳng có tình ý gì với người làm chồng của mình, và thậm chí, cũng chẳng hề quen biết.

Đêm tối đen, trầm lắng. Tôi thêm củi vô đống lửa, gió thổi than, lửa táp mặt nóng rang. Cô Năm mải mê kể, hình như cô coi đó là tục hay nơi cô đã sanh ra.

- Thân ‘’gái đưa’’ nhằm trả hiếu đấng sanh thành. Phận ‘’gái đưa’’ nhằm giúp đấng sanh thành trả nghĩa. Cho nên, xóm giềng không chê trách, người đời chẳng rẻ khinh.

Càng nghe, tôi càng ngớ. Cô Năm nói đều đều:

- Thân phận ‘’gái đưa’’ không được nhà trai, chàng rể rước dâu. Tự cha mẹ, họ hàng hoặc người đại diện nhà gái đưa cô dâu sang nhà trai, hay trực tiếp đưa cô dâu tới tận tay chàng rể.

Tôi bức xúc:

- Thiếu tôn trọng, tương kính nhau thì mần sao hạnh phúc?

- Vợ chồng hạnh phúc đâu hẳn từ tôn trọng, tương kính nhau!

Cô Năm đáp trả điều tôi bức xúc, và cô nói thêm:

- Tôn trọng, tương kính là yếu tố cần nhưng chưa đủ cho vợ chồng hạnh phúc. Người xưa ở làng nội, chú trọng nghĩa trước, tình sau. Vì, nghĩa sanh tình thì tình bền vững; tình sanh nghĩa, nghĩa chưa kịp tới thì tình tan.

Tiếng chày quết bánh phồng râm ran trong xóm. Cô khều than, từng hạt lửa vụt bay và tắt ngúm.

- Chưa có ‘’gái đưa’’ nào, vì không hạnh phúc mà bỏ chồng quay về!

Cô Năm nói chắc như ‘’ba bó một giạ’’.

*

- Năm Lành và cháu gái, lát nữa qua nhà qua ăn cơm, rồi mới về, nha!

Cụ Sáu chống gậy đứng ngoài sân, nhắc tới lui.

- Dạ! Lát nữa tui con sẽ qua.

Ban mai mồi nắng tan bông sương trên những nụ mai vàng.

- Nầy, cháu gái! Chiều qua, ông còn nợ cháu một lời đáp.

Tôi đang nút đầu cá lóc nấu canh chua, không thể trả lời với cụ.

Cụ cười, nụ cười móm sọm khi phát hiện tình thế của tôi.

- Hồi đêm, con đã cắt nghĩa cho cháu nó hiểu tục ‘’gái đưa’’ của làng mình rồi, thưa chú!

Cô Năm nói đỡ lời.

Cụ bập bập mấy hơi thuốc. Nắng nhảy múa, hình dạng bóng nắng thay đổi liên tục trên thềm nhà.

- Con không rành chuyện ‘’hôn lễ’’, nên chưa nói cho cháu nó nghe.

Rồi, cô Năm vừa bới cơm vừa đồ đậm:

- Cũng cần nói để cháu hiểu cái căn cơ ‘’tục hay nếp cũ’’ nơi quê nội.

Tôi dừng ăn, đũa chống cằm ngồi nghe.

Bước chầm chậm quanh bàn tròn, đột ngột cụ Sáu dừng lại, nói:

- Chữ ‘’hôn’’ không có thêm bộ ‘’nữ’’ bên cạnh thì có nghĩa là buổi chiều tối. Nếu, ngược lại, thì có nghĩa là lấy vợ. Do vậy, hôn lễ làng mình được cử hành vào lúc chiều tối.

Tay vịn mép bàn, cụ trầm ngâm.

- Có kẻ cho rằng: ‘Hôn lễ ‘’gái đưa’’ ngày trước là hủ tục’. Hãy để thời gian cùng người làng phán xét. Nếu, là hủ tục, thì tất nhiên nó sẽ bị xóa đi.

Cô Năm phụ họa:

- Dù là hủ tục, thì cái hủ tục đó, cũng có mặt tích cực góp phần giữ giềng mối gia đình, chòm xóm của một thời xã hội lầm than và xứ sở trở thành thuộc địa Pháp.

Tôi tần ngần ráp nối thành chuỗi chuyện, một chuỗi chuyện Âm-Dương giao hoán, thuận lẽ tuần hoàn trời đất.

Cụ nói rành rọt, khẳng khái.

- ‘’Nghĩa trọng tợ thiên kim’’, từ lâu người làng mình đã sống và tâm niệm như vậy. Kẻ nào hành xử khác đi, thì kẻ đó sẽ bị người làng từ chối là con dân trong làng.

Tự dưng, lòng tôi trào dâng niềm thương cảm ‘’gái đưa’’ Trần Thị Vàng ở quê nội yêu dấu! Người xưa quên mình vì trượng nghĩa. Và, có lẽ nhờ vậy, đất nước tôi mới chống chọi nổi bao phong ba bão táp, bền vững tới ngày hôm nay!

Cao Thị Hoàng

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất