, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 18/11/2022, 10:00

Israel thúc đẩy bảo vệ hệ sinh thái biển để duy trì đa dạng sinh học

MINH TRÍ
(theo AP)
Israel đang thúc đẩy kế hoạch bảo vệ các đoạn bờ biển dài 189 km, một biện pháp mà các chuyên gia cho rằng rất quan trọng để duy trì đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái khỏi loài người.

Khu bảo tồn biển Rosh Hanikra ở miền nam Israel là trung tâm của nỗ lực này, các nhà khoa học tin rằng đó có thể là một kế hoạch chi tiết bảo vệ các vùng biển bị tàn phá bởi ô nhiễm, đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu.

Cá bơi trong một khu bảo tồn Gador ở Israel- Ảnh: AP

Nỗ lực bảo tồn biển đang có kết quả

Biến đổi khí hậu, các loài xâm lấn và hoạt động bùng nổ của con người đang đe dọa những gì còn sót lại của các hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở phía đông Địa Trung Hải. Các nhà khoa học cảnh báo nếu không được bảo vệ, các hệ sinh thái biển còn lại sẽ bị tàn phá.

Nhưng có một tia hy vọng. Trong những năm gần đây, Israel đã thực hiện các bước để bảo vệ tốt hơn các môi trường sống quan trọng dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, như Khu bảo tồn biển Rosh Hanikra và các nhà nghiên cứu cho biết các loài quan trọng đã phục hồi trở lại ngay cả sau vài năm bảo vệ. 

Giữa những vách đá lởm chởm của bờ biển thời tiền sử ngập nước của Israel, một hệ sinh thái Địa Trung Hải đang hồi sinh trở lại. Dẫn chứng là những con cá mú khổng lồ sinh sôi nảy nở giữa những tảng đá.

Các nhà bảo tồn cho biết cách bảo tồn tốt nhất là tạo ra các khu vực giảm tác động của con người. Ruth Yahel, nhà sinh thái học biển tại Cơ quan Công viên và Thiên nhiên Israel, cho biết: “Nếu chúng ta không duy trì khả năng phục hồi và chức năng của đại dương, nó sẽ sụp đổ”. 

Bà gọi Khu bảo tồn biển Rosh Hanikra là “viên ngọc quý trên vương miện” của các khu bảo tồn biển của Israel, nơi cấm đánh bắt cá thương mại, khoan dầu và xả nước thải.

Vùng nước ven biển của Israel là nơi sinh sống của hàng chục loài xâm lấn, từ cá mao tiên có nọc độc và cá dìa ăn tảo cho đến những đàn sứa khổng lồ, nhiều loài có nguồn gốc từ vùng biển nhiệt đới và di cư đến Địa Trung Hải qua Kênh đào Suez.

Bà Yahel và các đồng nghiệp đã tiến hành khảo sát sinh khối hai năm/lần kể từ năm 2015, để đánh giá mức độ hiệu quả của các khu bảo tồn. Bà nói các khu đã cho thấy hiệu quả của chúng. 

Tảo, bọt biển và các động vật không xương sống khác đều đang sinh sôi nảy nở trong khu bảo tồn, các loài cá thương mại như cá mú có sinh khối gấp ba lần so với những loài ở vùng nước không được bảo vệ. 

“Cá mú lớn hơn, có nhiều hơn và là loài săn mồi ở gần đầu chuỗi thức ăn, đó là dấu hiệu của một hệ sinh thái lành mạnh”, bà Yahel cho biết.

Khách hàng chọn cá đánh bắt dưới biển- Ảnh: AP

Ngư dân tàn phá biển chỉ là “giọt nước trong đại dương”

Nhưng không phải ai cũng hài lòng với việc Israel ngày càng mở rộng các khu bảo tồn biển, đặc biệt là số lượng ngư dân thương mại ngày càng giảm. 

Israel đã thắt chặt nghiêm ngặt các quy định đối với ngành đánh bắt cá vào năm 2016, gồm lệnh cấm đánh bắt cá trong mùa sinh sản mùa xuân, cấm sử dụng các tàu đánh cá dùng lưới quét vốn phá hủy môi trường sống dưới đáy biển.

Nir Froyman, một quan chức Bộ Nông nghiệp Israel, giải thích các biện pháp này nhằm bảo đảm sự bền vững dài hạn. 

Một nhà máy điện biên bờ biển ở Israel- Ảnh: AP

Nhưng nhiều ngư dân lại xem đấy là một cách để chính phủ “chặt” đường sống của họ. Người phát ngôn Sami của Công đoàn Đánh cá Israel nói: “Họ cấm đánh cá nhưng cho phép lập cơ sở hạ tầng cho giàn khoan và tàu chở dầu vào các khu bảo tồn biển. Đó là sự mâu thuẫn hoàn toàn”. 

Công đoàn này có 900 ngư dân đánh cá thương mại, gồm người của làng Jisr al-Zarka vốn có một giàn khoan dầu khổng lồ ở ngoài khơi. Ali vừa chỉ tay vào giàn khoan vừa nói: tổn hại môi trường do ngư dân gây ra “chỉ là một giọt nước trong đại dương khi so với những quái vật gây ô nhiễm này”. 

Tuy nhiên, bà Yahel khẳng định: “Sự thật là chúng tôi đã khai thác biển quá mức. Nếu chúng tôi không lập các vùng bảo tồn để bảo vệ sinh thái biển, chúng tôi sẽ mất toàn bộ hệ sinh thái biển”. 

Cá chết trong khu bảo tồn Gador- Ảnh: AP 

Israel chưa đạt 10% diện tích bảo tồn biển 

Từ năm 2019, Israel đã tăng các khu vực bảo tồn từ khoảng 0,3% diện tích vùng nước ven biển lên khoảng 4%. Khoảng 4,5% khác được đánh dấu để bảo vệ. 

Dù các biện pháp đó không đạt được mục tiêu quốc tế là đạt 10% diện tích bảo tồn vào năm 2020 và những nỗ lực toàn cầu để bảo vệ sinh vật biển đã thất bại, nhưng chúng cũng cho thấy Israel đã bắt đầu xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc hơn.

Năm 2021, Israel ký tham gia sáng kiến “bảo tồn 30% đất và nước của chúng ta từ năm 2030” do Tổng thống Mỹ Joe Biden phát động. Hiện nay, khoảng 24% diện tích đất của Israel được xếp vào danh mục các khu bảo tồn tự nhiên, cùng 2% trong tổng lãnh hải gồm Khu Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý. 

Mùa hè 2022, Israel lại tuyên bố một khu bảo tồn hình lưỡi câu 450 km vuông vốn là “nhà” của một hệ sinh thái biển sâu ở ven biển thủ đô Tel Aviv. 

Các khu bảo tồn này không chỉ là những nét kẻ trên một bản đồ, mà được nhân viên kiểm ngư tuần tra dọc theo vùng biển của Israel ở Địa Trung Hải. Họ bảo vệ “một hệ sinh thái được cho là không bị loài người tác động”. 

“Đây là một hệ sinh thái rất nhạy cảm, rất dễ chuyển đổi từ một giải pháp thành một vấn nạn nếu chúng tôi không bảo tồn nó”, bà Tamar Zandberg, Bộ trưởng Bảo vệ môi trường sắp mãn cho biết và lo ngại các vấn đề môi trường sẽ có thể bị chính phủ mới ở Israel bỏ qua một bên.

Ngoài ra, theo AP, chính phủ Israel từng bị chỉ trích là không hành động gì để đối phó tình trạng biến đổi khí hậu. Dov Khenin, lãnh đạo Diễn đàn Khí hậu Israel, gần đây tóm tắt báo cáo chính sách khí hậu của Israel là “đặt ra các mục tiêu thấp và không thực hiện chúng”. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất