Chuyện xung quanh tượng gà
Đến thăm làng gà Đarahoa những ngày cuối tháng 8, ngôi làng giờ đã thay da đổi thịt, đường vào làng được nâng cấp để trải bê tông, nhìn xung quanh không còn những ngôi nhà sập xệ được làm bằng tre, nứa thay vào đó là những căn nhà khang trang, đẹp đẽ, người dân nơi đây chất phát, thật thà, mến khách...
Theo như người dân chia sẻ, công việc chủ yếu của họ là lên nương, làm rẫy, họ theo chế độ mẫu hệ, còn bức tượng gà trống được làm bằng bê tông, cao 3,2m, nặng khoảng 8 tấn, gà có đôi chân to khỏe đặc biệt với 9 chiếc cựa, đặt trên một mô đất cao 1,5m ở giữa làng, bức tượng gà còn gắn liền với câu chuyện tình cảm đầy đau thương.
Những già làng tại đây vẫn thường kể lại câu chuyện này, để nhắc nhở con cháu xóa bỏ hủ tục thách cưới, ép duyên thời lạc hậu. Chuyện kể rằng, ngày xưa làng gà dưới chân núi Voi bấy giờ, tên gọi là Đarahoa, thổ ngữ Cơ ho có nghĩa là suối trên ngàn. Trong cộng đồng có đôi trai gái yêu nhau thắm thiết, là nàng Hơ Bia (người Chill) và chàng K’Tiên (người Cơ Ho), nhà Hơ Bia lại quá nghèo, không xứng với gia đình K’Tiên giàu có quyền thế.
Để cưới được nhau, theo tục lệ, nhà gái phải chuẩn bị 5 con trâu, 20 xà rông (váy) và 5 con gà để bắt chồng. Thế nhưng, bố của K’Tiên vì không muốn con trai mình về làm rể nhà nghèo, nên đã thách cưới rất cao, đòi gia đình Hơ Bia phải có 100 chiếc xà rông. Ngoài ra, còn phải có trâu, bò, chiêng, chóe để làm của hồi môn.
Vì tình yêu với chàng K’Tiên, nàng Hơ Bia lặn lội khắp nơi để tìm kiếm những lễ vật đó. Thế nhưng, khi gia đình Hơ Bia đem sính lễ tới nhà, gia đình của K’Tiên đòi Hơ Bia phải có thêm một con gà 9 cựa, giống như trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”.
Không quản ngại khó khăn, nàng Hơ Bia tiếp tục lên rừng để tìm gà 9 cựa. Nàng đi, đi mãi và không thấy trở về với buôn làng. Vì quá yêu thương Hơ Bia, chàng K’Tiên cũng lên rừng đi tìm người yêu. Chàng đi, đi mãi và cũng không quay trở về. Sau này dân làng mới biết cả hai đều đã chết trong rừng. Cảm động tình yêu của hai người, những đàn voi rừng kéo về khóc và gục chết, hình thành dãy núi Voi hùng vĩ ngày nay.
Cũng từ đó, câu chuyện tình của nàng Hơ Bia và chàng K’Tiên là nguồn cảm hứng cho kiến trúc sư Lữ Trúc Phương - người thiết kế con gà trống khổng lồ đặt ngay bên hồ chứa nước sạch để phục vụ người dân tái định cư làng Đarahoa, dưới chân núi Voi vào năm 1978.
Phát triển du lịch
Tượng gà không chỉ là biểu tượng của dân làng, mà còn là nơi tụ họp sau những mùa vụ bội thu, vào những ngày này, quanh tượng gà những nhịp điệu cồng chiêng vang lên, mọi người múa hát vui vẻ, cầu mong cho cuộc sống bình yên, đôi lứa yêu nhau hạnh phúc; đồng thời, nhắc nhở người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, cùng nhau xây dựng đời sống và phát triển kinh tế xã hội.
Nhiều năm qua, làng Gà đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Tận dụng lợi thế này, nhiều phụ nữ Cơ Ho đã phục hồi lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc. Các sản phẩm thổ cẩm được dệt bằng phương pháp thủ công hoa văn sinh động, đa dạng được bán cho du khách làm vật kỷ niệm.
Theo thông tin từ UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), núi Voi là khu căn cứ hoạt động cách mạng quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến Pháp và Mỹ, khu căn cứ núi Voi vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích như; hầm chiến đấu, hầm hoạt động bí mật, nơi huấn luyện tân binh của cách mạng đã sống và hoạt động tại đây.
Năm 2013, khu căn cứ kháng chiến núi Voi đã được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp tỉnh. Bên cạnh đó, khu vực này, cùng với rừng già, nhiều năm qua đã hình thành tuyến du lịch leo núi, đi bộ xuyên rừng hấp dẫn du khách. Núi Voi còn có hàng trăm cây thông đỏ đặc biệt quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam mà tuổi đời của cây đã lên tới hàng trăm năm.
Thời gian tới, huyện Đức Trọng sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh khảo sát, khôi phục, tôn tạo một số di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược tại căn cứ địa cách mạng Núi Voi.
Đồng thời, phát huy giá trị văn hóa bản địa tại Làng gà Đarahoa với việc phục dựng nhà rông, nhà sàn của đồng bào Cơ Ho, Chill tôn tạo cảnh quan khu vực tượng gà trống, nhằm phát huy nét văn hóa nghệ thuật, cồng chiêng để phục vụ du khách, phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây.