, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 13/02/2024, 08:00

Làng nghề ép chuối khô ở Cà Mau vào xuân

Cà Mau là tỉnh có diện tích trồng chuối lớn đứng hàng thứ 2 khu vực ĐBSCL với hơn 5.400ha, sản lượng đạt gần 60.000 tấn/năm. Cây chuối gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân Cà Mau. Và món chuối khô cũng vậy, nó đã gắn liền với tuổi thơ, ký ức của biết bao thế hệ mỗi khi mùa xuân về.

Khi những cơn mưa cuối mùa dứt hạt, đó cũng chính là thời điểm làng nghề ép chuối khô ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau rộn ràng hơn cả.

Hàng nghìn hộ dân làm nghề ép chuối khô trong tỉnh Cà Mau cung cấp ra thị trường mỗi năm hơn 500 tấn chuối khô thành phẩm các loại. Chỉ tính riêng ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã có hơn 40 hộ chuyên làm nghề ép chuối khô với truyền thống tồn tại gần trăm năm.

Gia đình của ông Bảy Hoàng, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời có gần 30 năm gắn bó với nghề ép chuối khô. Anh Trần Thanh Duy, con ông Bảy cho biết: Ép chuối khô là nghề truyền thống của gia đình và đã được truyền qua 3 thế hệ.

Trước đây, người dân sản xuất chuối khô bằng thủ công nên rất vất vả và phụ thuộc hoàn toàn vào nắng trời. Những năm gần đây, nhờ có lò sấy mà lúc nào gia đình cũng có sản phẩm chuối khô để bán cho thương lái. Đặc biệt là cung cấp đủ sản phẩm chuối khô cho các cơ sở sản xuất mứt, kẹo chuối trong và ngoài tỉnh dịp Tết. Trung bình mỗi tháng cơ sở xuất được  khoảng 7 tấn sản phẩm. Riêng 3 tháng cận Tết cơ sở bảy Hoàng làm ra khoảng 50 tấn.

Về công đoạn ép chuối, anh Trần Thanh Duy chia sẻ: “Chuối được bóc vỏ, sấy khoảng 12 tiếng rồi ép định hình, sấy thêm khoảng 18 tiếng nữa là ra thành phẩm, có thể đóng gói giao cho khách hàng… Trong 3 tháng Tết, mình làm khoảng 50 đến 60 tấn chuối”.

Ép chuối khô là công việc dễ, ai cũng có thể làm được. Nhưng để ép ra những mẻ chuối khô ngon, tròn trịa, màu vàng bắt mắt thì đòi hỏi người ép, người phơi phải có những kỹ thuật nhất định. Chuối tươi được để cho chín, sau đó lột vỏ đem phơi một nắng rồi mới đem vào ép. Sau khi ép thành hình, chuối được đem phơi ngay để đặng nắng, chuối mới có màu vàng óng, vị ngọt, thơm ngon.

Theo nghề ép chuối gần chục năm nay, sau những lúc nông nhàn, chị Nguyễn Kiều Tiên lại đến cơ sở ép chuối để làm thêm kiếm thu nhập ngày Tết. Bắt đầu đi làm từ lúc 2 giờ sáng, đến khoảng 8h sáng thì công việc của chị Tiên sẽ hoàn thành. Nếu làm nhanh, đạt sản lượng, mỗi ngày chị Tiên cũng được khoảng 150 ngàn đồng.

“Tôi làm nghề ép chuối tới nay là khoảng 10 năm rồi, làm nghề này thì cực, đi làm từ nửa đêm, nhưng được cái thu nhập đủ nuôi sống gia đình. Ban ngày mình làm ruộng, ban đêm mình đi làm chuối” - chị Nguyễn Kiều Tiên bộc bạch.

Những ai gắn bó với vùng đất Cà Mau mới thấy hết được giá trị mà cây chuối mang lại. Một thời cây chuối được ví như cây “xoá đói giảm nghèo” ở vùng đất trũng phèn nặng xứ rừng U Minh - nơi không trồng được lúa.

Từ năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối khô xã Trần Hợi. Đây là niềm vui và động lực để người dân làm nghề ép chuối khô ở địa phương an tâm mua thêm thêm máy móc, phương tiện để phục vụ sản xuất. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm của làng nghề.

Nghề ép chuối khô cũng đã giúp cho nhiều lao động tại địa phương có việc làm ổn định, có tiền trang trải, sắm sửa trong những ngày Tết đến, xuân về.

Ông Lê Chiến Luỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau: Hiện có khoảng 40 hộ làm nghề ép chuối khô, một số hộ có đầu tư trang thiết bị máy móc thì có thể làm quanh năm, một số thì chỉ làm vào mùa Tết. Nhận định đây là nghề giúp nhiều lao động tại chỗ nên địa phương cũng rất quan tâm, hỗ trợ các cơ sở này.

Một mùa xuân nữa lại về, người trồng chuối vui mừng vì vừa có thể bán được bắp chuối, lá chuối và trái chuối. Còn người làm nghề ép chuối khô cũng khấp khởi mừng vì chuối khô ép ra, đóng gói, hút chân không cẩn thận có thể bán được từ 20.000 đến 45.000 đồng/kg.

(Bài do Tạp chí điện tử Nông thôn Việt phối hợp với Truyền hình Báo Tuổi Trẻ thực hiện)

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất