, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 13/12/2021, 08:58

Lưu luyến Ngân Thủy

BÙI XUÂN HOÀNG
Ngày nắng của tháng cuối năm không oi nồng như tiết trời mùa hè, nhân lúc đang muốn thả lỏng đầu óc sau quãng ngày dài mệt mỏi với công việc, nhận được lời mời của Trần Cương - Giám đốc Công ty lữ hành du lịch quốc tế Netin, tôi chẳng chút đắn đo, khoác balo lên vai và cất bước...
 

 

 
 

Quen nhau từ lâu và cũng biết qua về tour "Khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa người Bru - Vân Kiều" ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình hiện do Công ty Netin quản lý và khai thác, nhưng do công việc nên tôi chưa được đến đó bao giờ. Cương bảo sẽ ghép tôi với đoàn tour cho có bạn, đi vui hơn. Hôm đó đích thân Cương dẫn đoàn. 

 
 
 
 

Từ điểm tập kết, balo gọn gàng, dép rọ có quai, cả đoàn bắt đầu men theo con suối uốn lượn dưới tán cây rừng. Do cấu tạo địa chất của vùng núi đá nên lòng suối ở đây cũng lổm nhổm đá, đá xếp chồng lên nhau, một số điểm tạo thành những bể ngăn rất phù hợp để tắm suối. Nhiều đoạn suối chảy tràn rất rộng, vậy nhưng không hiểu sao nó có tên là Khe Nước Lạnh. 

Theo như lời giới thiệu của Cương, đi bộ khoảng 8km là đến điểm dừng chân, tắm suối và ăn trưa. Tuy là dân văn phòng nhưng tôi tham gia thể dục thường xuyên, quãng đường đó không làm tôi nao núng. Trong đoàn có khá nhiều bạn nữ nên tốc độ di chuyển cũng thoải mái, vừa đi mọi người vừa nói chuyện vui, ngắm nghía cảnh vật, có mấy chỗ tranh thủ dừng chân chụp hình...

 
 
 
 

Sau hơn hai giờ đi bộ đoàn cũng đến được điểm dừng chân đầu tiên. Chỉ kịp thả balo dồn vào một chỗ, mọi người hùa nhau nhảy ùm xuống suối. Nước mát lạnh và xanh ngắt hòa với màu xanh của cỏ cây, mây trời. Trong lúc cả đoàn đang thư giãn dưới suối thì các bạn nhân viên Netin đã tranh thủ chuẩn bị bữa trưa. Gà nướng, xôi, cá nướng và một số tôm cá suối trông bắt mắt. Bia với nước ngọt được thả ngâm xuống suối mát lạnh. Bữa trưa giữa rừng, ngồi bên bờ suối là trải nghiệm có lẽ dân văn phòng ở thành phố như tôi chẳng mấy khi có được.

Ăn trưa xong nghỉ khoảng 30 phút, cả đoàn tiếp tục hành trình đến điểm cắm trại, quãng đường đi bộ tiếp theo ngang qua bản dân tộc người Vân Kiều. Những ngôi nhà sàn, những ánh mắt trẻ thơ nhìn chúng tôi quen thuộc bởi hàng ngày cũng có những đoàn tour đi qua. Họ cười tươi vẫy tay chào chúng tôi như chào đón những người thân quen. 

 
 
 
 

Bãi cắm trại là một thảo nguyên xanh mướt, xen lẫn vài cây gỗ vươn thẳng cùng bãi đá phong hóa tạo thành một khung cảnh đẹp như trong phim ngôn tình. Ở thung lũng có 3 ngôi nhà sàn của người dân bản Còi Đá, họ sống vô ưu giữa thiên nhiên. Ba ngôi nhà sàn như ba nốt nhạc, tạo thành điểm nhấn cho cả thung lũng mộng mơ. Những chiếc lều vải đã được dựng sẵn, các bạn nữ sửa soạn thay những bộ cánh thướt tha tìm đến các điểm selfie, cánh nam giới thì kéo nhau ra suối. 

Màn đêm buông khá nhanh giữa thung lũng, ngồi quây quần bên mẹt thức ăn được bày biện khá công phu ai cũng ngại không dám lấy, điện thoại được sử dụng hết công suất để lưu lại những hình ảnh hấp dẫn của mẹt thức ăn. Tiếng cười nói, tiếng ghi ta hòa vang với tiếng gió cả núi rừng. Khuya, vạn vật chìm cả vào giấc ngủ, chỉ còn lũ côn trùng thức, rả rích gọi nhau râm ran.

 
 
 
 

Sáng hôm sau, tôi cố tình dậy thật sớm để đón bình minh, nhưng không phải mình tôi có dự tính đó, các bạn trong đoàn cũng dậy từ khá sớm và tranh thủ chụp hình khắp cả thung lũng. Sau bữa sáng và ly cà phê loại gói pha sẵn nóng hổi thơm nức mũi. Cả đoàn gói ghém hành lý để bắt đầu khám phá hang Chà Lòi. 

 
 
 
 

Hệ thống hang động Chà Lòi thuộc huyện Lệ Thủy nằm bên cạnh Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, cách trung tâm thành phố Đồng Hới tầm 40km theo hướng Tây Nam của Đồng Hới. Nơi đây đã từng in dấu chân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cho tới tận bây giờ, người dân ở hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh - nơi có hệ thống hang động này - vẫn luôn tự hào mỗi khi nhắc đến người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Không như các hệ thống hang động khác thường nằm sâu trong rừng nguyên sinh, hang Chà Lòi nằm ngay thung lũng xen giữa những ngôi nhà sàn của bà con dân bản nơi đây. Dẫn chúng tôi thẳng đến cửa hang là con đường mòn nằm xen giữa hai bên nương rẫy vào mùa, rợp trong bạt ngàn ngô, sắn của dân bản. 

Đi sâu chừng 100m qua khỏi cửa có khoảng nền hang được tôn cao bằng phẳng như một sân khấu, theo lời Cương thì trong thời kỳ chiến tranh, bộ đội đã sử dụng hang này làm nơi trú ẩn, thỉnh thoảng tổ chức các hoạt động văn nghệ và sân khấu đó được sử dụng để biểu diễn. 

 
 
 
 

Hang Chà Lòi có cấu tạo với 3 tầng bí hiểm, nếu không có Cương và các bạn hướng dẫn viên dẫn đường thì chúng tôi chẳng biết đâu mà đi. Tuy là ở trên núi cao nhưng trong hang luôn có dòng suối nhỏ, nước mát lạnh với nhiệt độ khoảng 20 – 22oC. Thạch nhủ tạo hình đa dạng, có những chỗ nhìn như tượng bán thân, có những khối nhũ đồ sộ. Vừa mò mẫm đi, vừa dừng chụp hình, vừa nghỉ cho đỡ mệt… cũng mất hai giờ đồng hồ. 

Điểm đặc biệt của hang Chà Lòi có lẽ là con đường hầm có hình trái tim, dài và khá bằng phẳng ở cuối gần cửa ra. Quá trình kiến tạo địa chất cùng với thời gian do nước bào mòn đã hình thành nên đoạn đường độc đáo này. Đây là nơi các bạn trẻ tha hồ sống ảo với những bức hình ấn tượng. Cả đoàn tranh thủ chụp với nhau vài bức hình kỷ niệm trước khi rời hang, quay lại điểm tập kết để xe đưa về thành phố. 

Hành trình tour 2 ngày 1 đêm tham quan hang Chà Lòi ở Ngân Thủy kết thúc trong lưu luyến. 

 
 

Bài viết: BÙI XUÂN HOÀNG (Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Bình)

Thiết kế: NGUYỆT ÁNH

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất