, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 20/10/2021, 08:35

Mật ngọt từ vùng đất mặn

ANH KHÔI
Tốt nghiệp ngành Công nghệ hóa học trường Đại học Bách Khoa TP.HCM năm 2014, có 5 năm làm việc ở Công ty xi măng Holcim (Kiên Giang) rồi Công ty Khí Cà Mau với mức lương 1.500 đô-la Mỹ, nhưng Phan Minh Tiến (sinh năm 1991) vẫn quyết định… bỏ việc.
Nhân vật Phan Minh Tiến.

Mật dừa nước là sản phẩm từ cây dừa nước, nhưng ít ai biết nó được lấy từ cuống dừa chứ không phải từ hoa hay trái”. Phan Minh Tiến chia sẻ: “Tôi đọc được thông tin này từ một tài liệu nước ngoài, trong đó miêu tả cách thức người Philippines chiết xuất mật từ cuống dừa để sản xuất rượu”. Đây là thông tin vô cùng quý giá giữa lúc Tiến đang loay hoay tìm cách giải bài toán nâng cao giá trị sản phẩm khai thác từ cây dừa nước ngoài việc chỉ chặt lá làm nguyên liệu lợp nhà, thân dừa làm củi khô hay bán quả dừa để làm món ăn vặt.

Kỹ sư đi… mát-xa cuống dừa

Ý nghĩ làm cách nào để nâng cao giá trị của cây dừa nước, loại cây mọc nhiều ở vùng quê quanh năm ngập mặn, cứ trở đi trở lại trong suy nghĩ của Tiến mỗi lần về nhà, khi thấy những quày dừa nước được người dân quê anh chất bán cao có ngọn bên đường với giá rẻ mạt. Và dĩ nhiên, những đồng tiền ít ỏi đó không đủ sức giúp họ có cuộc sống ổn định hơn!

Hỏi thăm khắp nơi và không ngừng tìm kiếm thông tin, tư liệu trên mạng về cây dừa nước, cuối cùng, Tiến cũng “nhặt” được dòng thông tin quý báu trên.

“Thông thường, khi thu hoạch, người ta chặt quày dừa ra xong là thôi, không quan tâm đến cuống dừa còn nằm trên cây. Đã từng thấy nước ngọt ứa ra trên cuống sau khi chặt trái, chúng tôi biết ở đó có mật dừa nhưng một thời gian dài tôi không biết làm cách nào để có thể khai thác nguồn mật đó”, Tiến nói. Sau khi đọc được tài liệu trên, Tiến đã thử làm nhiều cách, kể cả việc nắn hoặc thử mát-xa cuống dừa bằng cách lấy thanh gỗ quấn vải gõ nhẹ để khơi thông nguồn mạch, mà anh và đồng sự hay gọi đùa là mát-xa cho cuống dừa. Cuối cùng thì việc gõ gõ, nắn nắn này của Tiến tỏ ra khá hiệu quả khi từ cuống dừa, những dòng mật tiết ra khá lớn.

Minh Tiến đang giới thiệu sản phẩm Mật dừa nước tại một hội chợ triển lãm

Việc tìm thấy mật dừa nước và cách thức khai thác nó đã mở ra cho Tiến hướng đi mới. Sau gần 5 năm bền bỉ nghiên cứu, thử nghiệm rồi quảng bá và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm đầu tay, năm 2019, Minh Tiến quyết định nghỉ việc, từ bỏ công việc với mức lương đáng mơ ước để trở về nhà, thành lập Công ty TNHH Mật dừa nước Việt Nam. Sản phẩm chủ lực Mật dừa nước Ông Sáu của anh nhanh chóng được thị trường đón nhận bởi chất lượng và sự độc đáo của nó.

Hiện nay, cơ sở sản xuất mật dừa nước của Tiến có công suất 300 lít/ngày với 2 sản phẩm chính là mật dừa tinh chất và mật dừa cô đặc.

Sinh kế bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Ngoài các sản phẩm từ mật dừa nước, Tiến đang có kế hoạch làm thêm các sản phẩm khác từ cơm dừa và sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ trái dừa, bẹ dừa nước. Anh còn có kế hoạch phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại Cần Giờ dựa trên thế mạnh của Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ để gia tăng giá trị cho tài nguyên bản địa, giúp người dân ở đây có nguồn thu nhập ổn định từ sản vật của quê hương mình.

Anh Trần Hiếu Nhân, một người dân địa phương đang làm công nhân tại Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam, cho biết từ khi vào làm việc ở công ty, anh đã có thu nhập ổn định với khoảng 7 triệu đồng/tháng. Vấn đề quan trọng hơn, theo anh Nhân, là nhờ những sản phẩm của công ty mà người dân Cần Giờ bắt đầu hiểu rõ hơn về giá trị của cây dừa nước, bắt đầu quan tâm giữ gìn, chăm sóc và phát triển rừng dừa nước - một trong những loài cây quan trọng tạo nên rừng ngập mặn Cần Giờ - và cũng hiểu thêm rằng chẳng cần đi đâu xa, nếu biết cách vẫn có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương tưởng chừng nghèo khó của mình!

Minh Tiến nhận giải nhì Cuộc Thi Đổi mới Sáng tạo của Trung ương Đoàn

Minh Tiến tâm sự: “Bán sản phẩm thô không mang lại giá trị kinh tế cao, chỉ có chế biến thông qua công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm; cải tiến mẫu mã bao bì, biết cách quảng bá, phân phối mới làm cho sản phẩm tăng thêm giá trị. Mật dừa nước có nhiều cách để sử dụng. Nó có thể thay thế đường hoặc mật ong, có thể làm nước giải khát với nhiều chất khoáng, chất dinh dưỡng tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Việc ứng dụng công nghệ để bảo quản, vận chuyển, lưu trữ dễ dàng cũng góp phần giúp sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn”.

Theo tính toán của Minh Tiến, bình quân một cây dừa nước có thể thu được khoảng 1 lít mật thô mỗi ngày. Cây sau khi cho trái có khả năng cho mật liên tục 30 ngày. Theo tính toán, một hecta dừa nước có thể cung cấp từ 15 đến 20 tấn mật dừa/năm và dừa nước có thể cho sản phẩm liên tục 50 năm trong suốt vòng đời của cây. Với lợi thế này, nguồn cung nguyên liệu sẽ được đảm bảo.

“Điều quan trọng hơn, khi lợi ích kinh tế được đảm bảo, người dân sẽ có ý thức rõ hơn trong việc duy trì, bảo vệ cây dừa nước, qua đó góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven sông, chống xói mòn đất ở khu ngập nước Cần Giờ. Với trên 900ha dừa nước mọc tự nhiên ở vùng ngập mặn Cần Giờ, nếu bảo vệ tốt, nó sẽ giúp người dân Cần Giờ có sinh kế ổn định và bảo vệ môi trường sinh thái một cách bền vững.

Dự án Mật dừa nước của Phan Minh Tiến đã đạt Giải nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc 2019 do Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức. Cuộc thi thu hút 225 dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ nông thôn đến từ 48 tỉnh thành trên cả nước. Chủ dự án Mật dừa nước Phan Minh Tiến cũng được Thành Đoàn TP.HCM bầu chọn là 1 trong 12 Công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM năm 2020. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất