, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 22/09/2023, 15:00

Mùa gọi về tháng Chín

TỐNG PHƯỚC BẢO
(phunuonline.com.vn)
Rất nhiều lần Phùng nói chà nhớ chẳng bao giờ nở hoa đâu. Dây thì khô quéo, lá thì nhỏ xíu quấn quanh thân, màu nhờn nhợt. Những chiếc lá chưa đủ xanh đã sớm vàng và rụng li ti xuống nền gạch.

Mỗi lần mùa thu gõ nhịp đều lên thành phố này, An lại nhìn đám dây leo quấn quanh trên ban công rồi đợi. Mòn mỏi cho đến khi mùa thu rời gót, chẳng một tín hiệu, cái dây leo vẫn cứng đầu chưa một lần nở hoa. Đã 4 năm tròn, nếu tính đến tháng Chín này.

***

Hồi Gia đem cái dây leo này về từ đỉnh thác Dray Sap, tự tay quấn quanh ban công, Thiện nhấp ngụm trà móc câu cười khì: “Suốt nửa năm trời mày đi rừng chỉ đem về cọng dây này sao? Đúng là thằng ngáo ngơ”. Gia cười lặng lẽ. Thứ khiến Gia tiếc nuối nhất khi rời Đắk Nông là chưa kịp xem chà nhớ nở hoa. Bởi tiếc quá nên bứng 1 dây, gói kỹ đất và rễ trong cái bọc xốp rồi máng lên xe chạy về. Đường xa, thỉnh thoảng Gia sợ dây thiếu nước nên hễ ngang qua mấy tiệp tạp hóa ven đường lại mua chai nước suối đục lỗ ngay nắp rồi xịt. Người đồng bào nói chà nhớ đẹp lắm, mỗi mùa thu sẽ nở những bông hoa tím nhỏ xíu có hương thơm nồng nàn. Hoa nở dọc theo dây leo. Hương thơm quyện cả vùng trời rộng lớn. Có mấy bức hình già làng đưa cho Gia xem, đúng là chà nhớ đẹp một cách mê mẩn.

Căn chung cư cũ kỹ nằm trong lòng con chợ dọc ngang phân lô như cái bàn cờ. Hôm chủ căn hộ muốn bán gấp để đi định cư, may sao Phùng biết tin. Đêm, Phùng về bàn hay 4 đứa hùn tiền lại mua, đứng tên đồng sở hữu. Chứ không mua thì tiếc, rẻ quá chừng mà! Dù gì cả 4 đứa cũng ở với nhau từ thời sinh viên đến khi ra trường. Mỗi đứa làm một công ty nhưng quen nết biết ý nên vẫn cứ đùm túm nhau trọ chung. 4 đứa nhẩm tính, thể nào cũng phải vay thêm ngân hàng, rồi mượn người nhà một ít. Ở Sài Gòn có an cư mới lạc nghiệp. Nay cơ hội đến không liều sao có nhà. Căn chung cư cũ nhưng khá rộng. 2 phòng ngủ, có phòng khách, bếp. Chủ nhà ký gửi ngay công ty bất động sản Phùng đang làm. Ông trưởng nhóm chỉ Phùng tiếp nhận. Phùng nhẩm tính từ chỗ này tỏa ra 4 nơi đi làm của 4 đứa là quá tiện. Phùng ém riêng căn nhà đó lại, không đưa lên sàn. 

Chạy vạy suôn sẻ, sau 1 tuần, cả 4 đứa đều gom đủ số tiền của mình. 4 gã 30 tuổi lần đầu tiên có căn nhà mới ở Sài Gòn nên háo hức vô cùng. Mỗi đứa một tay sơn sửa, mua cái này trang trí, chọn cái kia làm đẹp. Đêm đầu tiên dọn vào nhà mới, An mắt đỏ hoe lẩm bẩm: “Có mơ tao cũng không nghĩ mình có căn nhà. Ổn định giữa cái đất Sài Gòn này với đám tỉnh lẻ như tụi mình là cả một ước mơ…”. An cứ nói mặc cho 3 đứa bạn cứ cười. An người miền Tây, nhỏ nhắn, nước da trắng, nấu ăn ngon, hiền nhất trong đám. An hay cười mà hễ cười thì có lúm đồng tiền rất duyên. 4 đứa gặp nhau hồi mới vào năm nhất trường kinh tế.

Học là một lẽ nhưng vào đời thì mỗi đứa bươn chải một nghề. An làm nhân sự cho một công ty xuất nhập khẩu, Phùng về một công ty bất động sản còn Gia và Thiện làm truyền thông nên đi suốt. Có khi thấy tụi nó đâu đó ở Cần Thơ, về chưa ấm hơi căn nhà là lại lên Tây Nguyên cho chuỗi ngày đem sữa về bản. Cũng trong những ngày ở đại ngàn xanh thẳm đó, Gia chọn ở lại một xã vùng biên để hỗ trợ dạy học. Thiện một mình lủi thủi về. Trong cơn cáu gắt, Thiện bảo Gia khùng. Đang yên ổn ở Sài Gòn, lương mười mấy triệu đồng 1 tháng thì bỏ lên núi dạy không công. An và Phùng ngơ ngác. Căn nhà đêm đầu tiên không có Gia, giấc ngủ hình như bị khuyết.

***

Phùng bảo có hợp ắt có tan, đời này đâu có thứ gì vĩnh cửu, kể cả tình yêu. Vậy nhưng căn nhà này như một vùng ký ức khó thể bỏ đi, nên nếu đứa nào sau này lập gia đình rời đi thì cứ để căn nhà như thế. Đôi khi sẽ có đứa tìm về hay chí ít cũng là để cho Gia có một chốn đi về. Đó là lúc cả đám hay tin Gia lọt vào khe núi sâu sau đợt về thăm Sài Gòn rồi trở lại Đắk Nông. Thiện chạy lên đại ngàn đón Gia về. Gia trầy xước khắp thân thể, nằm im lìm tím tái. Cả 3 đứa theo chuyến xe lặng lẽ đưa Gia về quê. Mẹ Gia khóc ngất. 3 đêm liền Thiện chẳng ngủ, cặp mắt đỏ hoe sưng húp. Trong những lần trò chuyện cùng Thiện, thằng con trai bỏ phố lên rừng vẫn cứ đau đáu về một miền đất nghèo cạn cùng của người Ê Đê. Họ cứ thế mà làm nương rẫy, sống nhờ vào rừng và suối. Họ nghèo nhưng thanh bình. Gia lập lớp học tình thương, Gia lên nương trồng ngô, Gia lội suối bắt cá. Gia sống đời xanh như đại ngàn thăm thẳm. Gia giờ cũng hóa những áng mây xanh trôi trên trời cao vời vợi. Chắc là Gia mãn nguyện. Thiện gục đầu bên cái ban công có dây chà nhớ vẫn khẳng khiu và khô cằn. Trên bàn thờ, Gia vẫn tươi cười trong khung ảnh.

Thiện rời căn nhà trong sự ngỡ ngàng của Phùng và An. Thiện chọn Thái Lan cho cuộc rong ruổi. Một tập đoàn nông nghiệp vừa nhận Thiện vào làm việc tại hội sở của họ bên đó. Thiện cười buồn: “Tao đi một thời gian cho nguôi ngoai. Nếu thích hợp thì sau hợp đồng 4 năm, tao sẽ ở lại”.

Đêm cuối cùng, 3 đứa ra ngoài phòng khách ngủ, trải nệm nằm trước bàn thờ Gia. Thiện say và gọi tên Gia. Phùng thở dài mong Gia ở một nơi nào đó trên cao sẽ phù hộ cho Thiện mọi điều suôn sẻ. Ai cũng có một quãng đời để đi và một đích đến. Có khác chăng là quãng đời ấy ngắn hay dài. Đích đến ấy là chốn nào? 

Thiện đi rồi, căn nhà chỉ còn 2 bóng hình. Những bữa cơm chiều, An bắt đầu ngồi ngóng thằng bạn thân. Phùng đu theo những căn hộ cao cấp phía đông thành phố. Phùng hay trầm trồ nơi đó đáng sống. Từ một bãi hoang đầm lầy cỏ mọc cao lút đầu, người ta quy hoạch thành một khu đô thị với những tòa nhà cao chọc trời. Mỗi căn nhà trị giá vài chục tỉ đồng. Từ các căn nhà nơi khu đô thị phía đông đó, người ta ngó được bờ sông Sài Gòn, ngó được những chùm pháo hoa lộng lẫy, nhìn thấy những chuyến bay đến và đi ngang qua thành phố này. Biết bao giờ mình mới là cư dân của khu đô thị đó? Câu hỏi của Phùng lọt thỏm giữa màn đêm. Phía dưới khu chung cư cũ, đám con nít rước đèn Trung thu chạy dọc ngang, hát vang mấy bài đồng dao…

***

Phùng chưa kịp đổi đời để dời vào các căn hộ chung cư cao cấp thì một ngày trời Sài Gòn nóng bức, vài chiếc áo xanh ập vào căn nhà kiểm tra, lấy đi nhiều thứ giấy tờ của Phùng. An ngơ ngác nhìn theo. Phùng chỉ kịp ngoái đầu lại lí nhí lời xin lỗi. An gọi ngay cho Thiện. Đêm đầu tiên chỉ mình An trong căn nhà bốn bức tường kín bưng mà lòng trống hoác. An phải làm gì? Ngay lúc này, 4 gã trai, 4 ngã rẽ… cứ như cuốn phim quay ngược lại trong đầu An. 

Mảnh đất này không phải lúc nào cũng thắp sáng mọi ước mơ nhưng chí ít với cả nhóm, đó là một chặng dài của hành trình tìm kiếm tương lai. Cuộc đời luôn có những cơ duyên gặp gỡ. Nhưng đâu phải cuộc gặp gỡ nào cũng mang đến niềm vui. Mãi cho đến bây giờ, quá nửa cuộc đời, An mới thấy, xòe bàn tay ra, thứ mình có được chỉ là những đường ngoằn ngoèo. Cũng chính bàn tay này nắm níu, kéo những con người xa lạ xích lại gần nhau. Cũng chính bàn tay này ủ ấm nhau những hôm thành phố mưa lạnh quất vào lòng những kẻ xa xứ niềm nhớ quê nhà bời bời tấc dạ. Cũng chính bàn tay này chuyền nhau những đồng tiền cuối cùng của tháng lương bèo bọt.

Nhưng rồi cũng chính bàn tay này chẳng thể níu Gia lại cõi đời, chẳng thể giữ Phùng ở lại. Trong tin nhắn cuối cùng trước khi gặp nạn, Gia vẫn còn hỏi chà nhớ nở hoa chưa. Trong tin nhắn cuối cùng trưa nay, Phùng bảo vừa tìm được loại phân bón nghe nói là tốt lắm. Bón nó, chắc chắn chà nhớ sẽ nở hoa. 

Mùi nhang trầm trên bàn thờ tỏa ngát vào đêm. Lúc nào lòng bất trắc, cảm thấy mỏi mệt và bế tắc, An lại trò chuyện cùng Gia. An hỏi dù mãi Gia chẳng trả lời. Chỉ có nụ cười của Gia vẫn xanh. Nụ cười hiền ấy vẫn luôn khiến An nhìn vào liền cảm thấy mọi ưu phiền như tan biến. Như tính của Gia vẫn vậy. Gia luôn nói với mọi người rằng trong đời này, chẳng cánh cửa nào đóng cả. Mở được hay không là do chính mình. Khoảnh khắc này, cánh cửa nào sẽ mở ra lối thoát cho Phùng? An chẳng biết. Nén nhang thắp lên cho Gia như nhắc An rằng ít ra vẫn còn có Gia bên cạnh An lúc này. 

Gió mênh mông thổi qua ban công có dây chà nhớ vẫn xanh lá nhưng mãi khẳng khiu. Đêm đô thị lấp lánh ánh đèn màu. Những sắc màu cuộc sống luôn hút người ta về nẻo xa hoa. Tàn một đêm thâu, khi bình mình bắt đầu ló dạng, ngày mới lại cuốn người ta vào guồng quay vội vã. 

***

Thiện về ngay chiều hôm sau, vẻ phong trần bụi bặm với mái tóc lòa xòa quá vai, râu ria rậm rạp. Thiện thả phịch người xuống ghế nhìn An. Không gian im ắng đến lạ thường. Bữa cơm 2 người, Thiện vẫn để 4 cái chén: “Nhà này luôn có 4 đứa. Chỉ là 2 đứa đi vắng thôi An à. Đừng nặng nề lòng dạ làm chi. Ai cũng cần có một bài học để trả giá với cuộc đời này. Mình còn trẻ và đời còn dài. Cứ đi, rồi cũng sẽ đến đích, khác chăng đích đến của chúng ta chẳng giống nhau. Nhưng, hãy tin mình luôn có nhau trong căn nhà nhỏ này. Như chính Gia tin vào những bông hoa chà nhớ. Như chính Thiện tin mình sẽ đi qua nỗi đau. Như chính Phùng, như chính An luôn tin vào sự bao dung của đô thị này. Rồi Phùng sẽ về. Rồi chà nhớ sẽ nở hoa…” - lần đầu tiên sau chừng đó năm quen nhau, An thấy Thiện nói nhiều đến vậy.

Mãi tuần sau người ta mới cho Thiện làm thủ tục gửi đồ thăm Phùng. Đêm về bên ban công, An rụt rè đưa cuốn sổ tiết kiệm. Thiện gật đầu, cộng dồn cả sổ của Thiện chắc cũng đỡ. Đợi mẹ Phùng chuyển thêm ít nữa là đủ. May ra sẽ thuyết phục được người ta bãi nại cho Phùng. Thiện thắp nén nhang cho Gia: “Cánh cửa này liệu Phùng có vượt qua hay không, Gia ơi?”. 
Khói nhang trầm bay vướng vít vào căn nhà ướp đêm bình yên đến lạ. 

***

Hơn tháng sau, Phùng được ra. Bữa cơm 3 người vẫn 4 cái chén. Căn nhà rộn ràng tiếng nói cười. Lâu lắm rồi An mới thấy căn nhà ấm áp. Thiện sẽ thôi rong ruổi trên đất Thái. Thiện quyết định mở một công ty du lịch. Khoảng thời gian về lại thành phố, Thiện bảo đất này giờ phát triển quá, chẳng thua xứ người, nếu biết kích cầu vẫn làm du lịch tốt. Đó sẽ là một khởi đầu mới của 3 đứa. Cánh cửa của mình phải do chính mình mở ra. Thành phố trẻ dành cho những người trẻ. 

Từ ban công nhìn về phía đông thành phố, những tòa nhà sừng sững nhô lên. Bầu trời đêm chi chít sao. Gió lộng ùa vào nhà những cơn mát dịu. Tháng Chín gõ nhịp lên phố mùa thu dịu dàng. An pha ấm trà, cả ba ngồi quây quần bên nhau. Phùng chợt mang ra 1 chiếc bánh. Dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật” nổi bật trên bề mặt chiếc bánh kem bắp thơm phức. Thiện ngớ người. Hóa ra mải quay cuồng dồn dập bao thứ, Thiện quên mất hôm nay là sinh nhật An. Chỉ có Phùng bao năm vẫn luôn là đứa nhớ đến ngày đặc biệt này. Bài hát thầm thì, chiếc bánh nho nhỏ, lời ước nguyện râm ran. Tất thảy như lắng lại sau chuỗi ngày sóng gió vừa qua. 

Nơi ban công, hàng dây leo vẫn khẳng khiu mà xanh mướt. Chợt Thiện reo lên. Chà nhớ đơm bông rồi. Phía những nhành rủ xuống bắt đầu có những búp non chớm hé màu tím biếc. Cả 3 đứa đều chụm đầu vào. Đúng rồi, y hệt tấm hình Gia đem về khi xưa. Một lúc nào đó trong cuộc đời này sẽ có những thứ khiến mình ngỡ ngàng. Chờ đợi cũng là một hành trình. Vạn sự khởi nguồn âu cũng do thời khắc đúng lúc mà thôi. Tỉ như dây chà nhớ này. Từ trong khắc khoải cạn cùng, mùa gọi về những đóa hoa xinh. 

Phùng nắm tay An, đặt vào đó đóa hoa đầu tiên. Đóa hoa này dành cho An - người luôn ở đây và chờ đợi bằng niềm tin chân thành nhất. 

Tiếng cười của 3 gã đàn ông trôi bảng lảng vào tháng Chín.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất