, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 18/09/2023, 06:00

“Nết đất” xứ dừa

LÊ QUANG TRẠNG
Ở miền Tây, khi những dòng sông chảy đi, đến đâu thì đất sẽ bồi tụ lại đến đó. Và bao giờ trong quá trình “đẻ” đất ấy, trí khôn của tạo hoá cũng ban cho “con cái” những đặc điểm riêng biệt, vừa định vị mà cũng vừa định danh nên hình vóc xứ sở.

Nếu ở đầu nguồn Cửu Long, nhìn sen nhớ đến Tháp Mười, thốt nốt gợi nhắc An Giang thì nơi cuối dòng sông hùng vĩ, cây dừa đã làm nên tên tuổi cho miền đất Bến Tre. Để cho ca dao Nam Bộ mãi ngân nga, “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre. Thấy bông lúa đẹp thương về Hậu Giang”.

Có lẽ vì nỗi niềm ca dao ấy, nên mỗi lần qua cầu Rạch Miễu, nhìn về hướng rừng dừa bạt ngàn xanh mướt mát ven sông, lòng tôi lại dâng lên những cảm xúc bồi hồi rất lạ. Khi đứng trước màu sắc nguyên thuỷ của thiên nhiên, dường như con người thấy mình rung động. Để rồi trước khi đặt chân chính thức lên mảnh đất Bến Tre, tôi thường tự hỏi, dừa đã đến đây trước hay chính con người đã mang dừa đến nơi đây?

Thật khó mà lý giải những suy nghĩ mông lung ấy, nhưng chẳng hiểu sao nó cứ chập chờn trong tôi mỗi khi thấy bóng dừa và nhớ đến Bến Tre. Có lẽ bởi, không chỉ có dừa làm nên một Bến Tre trù phú, mà con người nơi đây, với tính cách như cây dừa mạnh mẽ, dẻo dai và bền bỉ đã tạo nên những ấn tượng hết sức hào sảng mà cũng rất đỗi thân tình.

Ảnh: Trần Ngọc Lâm.

Những người cao tuổi ở xứ dừa mà tôi gặp, cũng chẳng lý giải được rằng dừa đã có ở nơi đây từ lúc nào. Chỉ biết từ rất lâu, ít nhất là đời cụ cố của các cụ kể lại, thì khi lớn lên đã thấy bóng dừa, đụng đâu cũng có. Tuy nhiên, tôi luôn có cảm giác những cây dừa ở Bến Tre luôn có nét đặc biệt nào đó rất đậm đà, khác với dừa trồng nơi khác, hay trồng ở quê tôi.

Ghé Bến Tre, được anh bạn nhà thơ thoăn thoắt leo dừa bẻ những trái “vừa cơm” nhất, uống ngay trong mảnh vườn bóng nắng nở như hoa, tiếng lá dừa xào xạc xen lẫn tiếng ai đó hát ru “ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió” ngân nga… Quả thật, cảm giác ấy, cái ngọt của trái dừa năm ấy tôi không thể nào tìm được ở bất cứ nơi nào khác sau này… Nó trong veo, đậm đà, ngọt ngào đến nao lòng người lữ khách. Sau này nhiều lần nghĩ ngợi, tôi mới hiểu rằng, chính mảnh đất và con người Bến Tre đã làm cho trái dừa trở nên ngọt ngào đến như vậy!

Thích thú và tò mò, tôi ngó xem cách người Bến Tre trồng dừa và cách cây dừa sinh trưởng. Để nhận ra rằng, cả cái quá trình dài ấy, biết bao bài học từ dừa đã nuôi lớn tâm hồn những đứa trẻ quê lớn lên, trở thành những người con Đồng Khởi.

Trên mảnh đất quê hương năm nào bom đạn, dừa chưa bao giờ bỏ cuộc. Không ít rừng dừa bị bom cày đạn xới tơi bời, nhưng chẳng thể nào tận diệt được loài cây mạnh mẽ và mãnh liệt luôn vươn lên tìm ánh sáng. Hễ trên cây còn trái, dừa còn rụng xuống đất thì ắt sẽ có lớp thế hệ mới sinh sôi. Bất kể người ta quăng quật cho mầm dừa nằm nghiêng ngã cách mấy, chúng vẫn sẽ cố hết sức để vươn lên. Và bao giờ cũng thế, đọt dừa luôn thẳng hướng vút lên! Có lẽ vậy mà khi nhìn những tấm ảnh chụp rừng dừa từ trên cao, tôi luôn hình dung đấy là một đội quân xanh tươi đang “đồng khởi” về ánh sáng.

Ở xứ sở cây cũng mang trong mình sự mạnh mẽ, ngay thẳng và mãnh liệt, nên con người cũng kiên cường như chính họ là những thân dừa và quê hương chính là một rừng dừa bất khuất!

Dường như “tính cách dừa” không dừng lại ở đó, mà ngay ở những trang viết của người Bến Tre cũng mang âm hưởng của dừa. Nhà văn Trang Thế Hy – người tôi vô cùng mến mộ và xem ông như một “cây dừa” lão làng, trĩu quả của xứ sở Bến Tre; ông đã cuốn hút tôi đến quê ông từ những trang văn đầy mĩ cảm và đậm chất.

Tôi nhớ mình đến nhà ông lần đầu tiên hơn mười năm trước. Nơi ông ở, ngôi nhà nhỏ nép bên vườn dừa cao lêu nghêu cũng như người chủ nhà, quanh năm ríu rít chim ca. Năm ấy có lẽ ông phải ngoài tuổi tám mươi, nằm trên chiếc võng sau vườn, nghe có tiếng người thì ngồi dậy hỏi “chú em mới đến chơi!”. Câu chào rất đỗi thân thương, và những câu chuyện về nghề văn, về dừa được ông kể hóm hỉnh, thân tình. Chút lại dừng nghỉ nhịp sau mỗi lần nghe trái dừa khô nào đó rụng như tiếng song lang trong bài vọng cổ!

Cuối buổi về, tôi có hỏi ông rằng: “Cây dừa đã có trước hay con người mang dừa đến đây làm nên xứ sở?” Ông già tếu táo bảo: “Chú em mầy làm nghề văn, thì phải đi tìm cách mà lý giải câu hỏi ấy chứ?”. Câu trả lời của ông làm tôi có chút giật mình. Cái ý thức làm nghề dường như vẫn còn luôn chảy trong ông già đã “đi chỗ khác chơi” lâu, chưa bao giờ vơi tạnh. Từ câu hỏi vu vơ ấy của tôi, Bến Tre mở ra một niềm nhớ để luôn soi lại mình, viết như cách dừa sinh sôi, kết trái!

Ảnh: Quốc Thi

Sau lần đó, tôi nhiều lần đến với Bến Tre. Mà mỗi lần đến là mỗi lần như thấy đất xứ dừa thắm lại. Khó có thể quên lần đến thăm quê hương cụ Đồ Chiểu. Tôi đã bị mê đắm bởi những vần thơ Lục Vân Tiên được dân địa phương ứng ngâm bên mâm nhậu, dưới ánh trăng treo trên ngọn dừa toả bóng ngoài sông.

Hay lần khác, tôi đã lạc đường khi đi thăm thú Ba Tri, bởi nơi đây nhìn đâu cũng thấy những con đường ngoằn ngoèo hai bên là hai hàng dừa mút mắt, giống nhau đến khó mà phân biệt. Đến tận sụp chiều vẫn chưa ra được những con đường dừa, tôi đành ghé lại chỗ người đàn ông đang nằm võng đong đưa trước hiên nhà lợp bằng lá dừa, ông bảo rằng đường về phố còn xa lắm, chẳng phải dân địa phương thì khó mà biết lối ra.

Cái bản đồ vẽ trên tờ giấy lịch ngoằn ngoèo làm tôi muốn chóng mặt, vừa chỉ đường vừa hỏi thăm nhau, chẳng biết sao ông lão cao hứng rủ: “Thôi cứ ở lại ngủ nhà tôi một đêm, mai có đứa con tôi mang dầu dừa lên phố, chú chạy theo nó là chắc ăn!”.

Đêm Bến Tre dường như lạnh hơn, ông bảo gió từ biển thổi vào nên vậy. Những tán dừa sột soạt suốt đêm, bên ấm trà nóng được giữ ấm bằng một gáo dừa, ông lão đố tôi tìm được một thứ gì của cây dừa mà người ta không dùng được? Quả là khó mà tìm cho bằng được. Từ những hạt mạt gỗ, cám dừa rớt ra trong quá trình cưa cây, lột vỏ người ta cũng đem làm giá thể; đến con đuông dừa đục phá thân cây, cũng nên một món ăn ngon. Hay những cọng rễ dừa tưởng chừng như bỏ đi ấy, cũng nên vị thuốc chữa trị dịch lỵ và tiêu chảy hay tài tình! Dừa bao giờ cũng là loài “bách dụng”…

Có lúc tôi nghĩ rằng, tạo hóa thật ý nhị khi tạo nên một xứ dừa nơi cuối dòng Cửu Long trù phú; và trong cuộc khẩn hoang lập ấp, ông cha ta cũng hết sức tài tình khi lấy đây làm xứ sở. Để rồi tính cách dừa đã hòa quyện tạo nên tính cách của người mà dân gian gọi là “nết đất”. Cái “nết đất” hào sảng, dễ thương nhưng lại vô cùng kiên cường và mạnh mẽ chính là thứ báu vật trầm tích ẩn sâu trong xứ sở của dừa, là căn cước để nhận ra một miền đất đầy tiềm năng và sức sống!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Các sản phẩm OCOP chỉ có thể phát triển bền vững khi được kết nối thành sản phẩm du lịch, từ quốc nội ra quốc tế; được dẫn dắt bởi những câu chuyên văn hóa thú vị.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất