, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 12/01/2023, 16:22

Những buổi “việc lề” thời xa lạ

LÊ QUANG TRẠNG
Mỗi năm, ít nhất hai lần tôi chạy xe máy ngang Long An, từ Sài Gòn về quê vào những ngày cuối Chạp, từ quê trở lại Sài Gòn khi mùi Tết đã ra mùng. Trong những chuyến đó, không ít lần tôi chợt thấy mình hồi trẻ nít. Một đứa trẻ đang đứng trên cầu Bến Lức, hớn hở nhìn theo những ghe bầu, bè thủy lục tí hon của lễ cúng việc lề; rồi tự hỏi, năm nay, gánh họ mình cúng ở nhà ai? Suốt chặng đường về nhà đó, những bà con thân tộc hiện ra cùng những hình ảnh năm nào, tôi ngồi trên chiếc xe Cub 67, theo nội đi cúng việc lề. Ôi Tháp Mười, Mộc Hóa, Tân Trụ, Tân An của tuổi thơ!
Buổi cúng việc lề tại gia đình ông Dương Văn Công (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An), có truyền thống cúng vào mùng 4 Tết. Ảnh: Nguyệt Nhi

Sao mình phải cúng việc lề vậy nội? Việc lề nghĩa là cúng theo việc đã thành lề thói, thành lệ nhiều năm. Năm xưa, tổ tiên mình vốn gốc miền Trung, theo dân binh của Chúa Nguyễn vào Nam khai phá đất mới. Tới đây, rừng thiêng nước độc, rắn rết hùm beo dữ tợn, không ít người đã bỏ mạng. Số còn lại sinh con đẻ cái, cưới gả làm ăn lưu lạc. Để nhớ tổ tiên, ông bà xưa dặn cháu con mỗi năm dành ra một ngày để tề tựu, trước để gặp nhau kẻo quên gốc rễ, sau để cúng kiếng ông bà tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp, nhớ ơn các đấng sinh thành, khai mở đất đai và cũng cúng thí thực cho vong hồn những người xiêu mồ lạc mả.

Đứa nhỏ là chúa tò mò, hỏi tiếp, sao lại gọi là cúng việc lề vậy nội? Việc lề là việc đã có từ lâu, đã thành lề thói phải noi theo mà làm cho đúng. Theo quy định bất thành văn để lại, ngoài món tam sên và cháo ám hầu như lễ cúng việc lề nào cũng phải có, thì mỗi dòng họ sẽ có cách và thức cúng khác nhau. Đó là những món gắn liền với quá trình ông bà của dòng họ thời cực khổ gian nguy đi khai hoang mở cõi, hoặc gắn liền với một sự tích nào đó của gia tộc.

Ví như dòng họ của bà Năm xóm mình, cúng việc lề ở Mộc Hóa thì phải có gỏi da voi (làm từ da voi thật hoặc là da heo cắt hình con voi), bởi tộc này năm xưa chuyên nghề săn voi. Hay là dòng họ của chú Chín bán gạo ở chợ, tộc họ cúng ở Bến Lức thì phải có dĩa thịt sống và hình nộm bằng rơm, có gắn 5 tàu lá dừa hình 5 mũi tên kết lại như ngôi sao Ngũ hành trừ tà để cúng sơn lâm, bởi tộc họ này xưa kia có người bị cọp vật chết.

Cúng việc lề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2014 - Ảnh: Nguyệt Nhi

Những câu hỏi chỉ ngưng khi đến chỗ cúng. Năm đó, dòng họ tôi cúng ở nhà bác Ba bên Đức Hòa. Vừa vào sân, đã thấy một tấm đệm cỏ bàng lớn. Giữa đệm là những cái tô bằng lá dừa kết lại, những cái chén bằng gáo dừa, những cái dĩa bằng lá môn, lá sen... Những món cúng dâng lên cũng thật lạ: 100 cái bánh ít, 100 cái bánh tét, loại nào cũng gói nhỏ xíu như ngón chân cái. Rồi trong dĩa lá khoai môn còn đựng con rắn thui, miếng da trâu, con gà luộc chéo cánh, con cá lóc nướng rơm và cái muỗng vùa (miểng dừa) đựng cháo ám, thứ cháo nấu với cá lóc được đánh vẩy bằng một cây dao chuốt từ thanh tre, cá chừa nguyên vi, đuôi và kỳ nấu lõng bõng cùng chút gạo. 

Bác Ba nói, khi xưa ông bà đi mở cõi, sống nương nhờ thiên nhiên, vật dụng và thức ăn chỉ có mấy món như vầy. Lời bác Ba làm tôi cứ hình dung tổ tiên đã về tề tựu, như ngày nào ông bà ngồi trên chiếc ghe bầu, vừa ăn vừa canh chừng cọp beo rắn rết. Trong lúc ấy, bác Ba ngâm câu đồng dao đến giờ tôi vẫn nhớ: “Cháo ám đựng muỗng vùa, rơm đồng thui cá lóc.”

Nhưng thứ làm tôi mê nhất có lẽ là chiếc ghe bầu cúng tiễn ông bà, gọi là ghe tống tiễn. Chiếc ghe như một mô hình thu nhỏ, được làm từ thân cây chuối, lá dừa, có treo cờ nheo xanh đỏ rất bắt mắt, bên hông ghe có ghi tên dòng họ rõ ràng. Bên trong ghe có hũ gạo, hũ muối, hũ nước, bó củi, hai cục đá lửa, cái cà ràng và một số món ăn như rắn thui, tam sên, cháo ám. Ông nội nói, năm xưa, ông bà từ miền Trung dong ghe bầu vào Nam lập nghiệp, nên năm nào cúng ông bà xong cũng phải chuẩn bị ghe bầu y hệt ghe của ông bà ngày xưa, để các cụ về quê theo lối “Nam tiến Bắc hồi”.

Sau khi nhang tàn, tất cả kéo nhau ra sông. Đến mé nước, bác Ba đặt vào ghe một ít giấy vàng mã, có cả mấy ngàn đồng tiền thật, bảo rằng để ông bà làm lộ phí về quê, rồi cầu chúc ông bà đi mạnh giỏi, năm sau con cháu lại thỉnh về dự. Xong xuôi, ghe bầu được đẩy nhẹ ra sông, con nước đưa chiếc ghe trôi đi thật xa, đến khi mất hút thì con cháu mới vô nhà.

Chiếc ghe bầu cúng tiễn ông bà.

Sau khi phần lễ xong xuôi, người lớn đàn ông theo đàn ông, đàn bà theo đàn bà có những mâm riêng, cả ăn cả hỏi han nhau việc đồng áng, làm ăn, kiểm tra coi họ mình năm nay ai còn, ai mất, có cháu nào mới ra đời để bác Ba ghi vào trong gia phả. Đám trẻ chúng tôi thì có một mâm riêng, cũng mấy món ăn như người lớn, khác chăng là không có rượu.

Việc cúng việc lề sẽ được luân phiên giữa các chi họ, gia đình. Nhờ vậy suốt nhiều năm, tôi được ông nội đưa đi cúng việc lề ở nhiều nơi, biết được nhiều họ hàng. Nội nói, hồi chiến tranh, người ta phải tản cư khắp nơi, có khi thay tên đổi họ, đốt gia phả, lạc mất bà con. Nhưng rồi vẫn tìm lại được nhau sau nhiều đời, bởi nhờ lễ cúng việc lề và những món cúng lễ đặc trưng mỗi họ mỗi khác. Nội dặn, mai mốt đi đâu, thấy đâu cúng việc lề mà có món cúng giống họ mình thì ắt có bà con, con nhớ vào cúng chung cho ông bà chứng giám!

Bao lâu rồi, từ ngày nội mất? Hay nói đúng hơn là từ khi lớp trẻ bọn mình dần xa với những buổi “việc lề”? Có chăng là những ký ức mà chỉ lớp người già mới hoài niệm, mỗi năm lại lọ mọ sắm sửa cúng lễ, vắng tiếng những người sẽ kế thừa. Vậy nên có bao người (trong đó có mình) mỗi khi nghe nhắc đến họ của tổ tiên, mấy khi thổn thức hai chữ bà con “dây mơ rễ má” mà hỏi nhau về một tín hiệu truyền đời “việc lề”?

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất