, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 14/05/2022, 06:30

Nông nghiệp kỹ thuật số hay chuyện nông dân hết thời

TƯỜNG NGUYỄN
(Reporterre)
Dù công nghệ kỹ thuật số đã trình làng hàng trăm công cụ và trang thiết bị hiện đại - với mục đích giúp nông dân tăng năng suất vật nuôi, cây trồng - thì một số nông dân vẫn thờ ơ với điều này.
Hãng Vitibot đã phát triển dòng robot xới đất cho vườn trồng nho. Ảnh: Reporterre

Cuối năm 2021, tại một vùng ngoại ô của thành phố Toulouse nằm ở Tây Nam nước Pháp đã diễn ra một hội chợ nông nghiệp “không mùi rau củ quả”. Ở Diễn đàn quốc tế về kỹ thuật robot nông nghiệp (FIRA) đó, chỉ có những kỹ sư với quần áo chỉnh tề, đi đi lại lại trong không gian sạch boong và sáng choang ánh điện. Tại đấy, mọi người có thể chiêm ngưỡng Bakus - máy xới đất tự hành cho vườn trồng nho, Dino - xe làm đất cho vườn rau, Tibot - robot chăm sóc trại gia cầm… Tất cả đều được quảng bá có nhiều ưu điểm vượt trội như giúp giảm nhân công, giúp tăng năng suất lao động trong canh tác nông nghiệp. Những chú robot này được trang bị hệ thống điều khiển tự động, vận hành được các công cụ chuẩn bị đất trồng trong thửa ở mức độ chính xác đến từng centimet.

Thế nhưng, những nhà trưng bày tỏ ra hào hứng bao nhiêu thì nông dân Pháp lại thờ ơ bấy nhiêu. Họ đến hội chợ này chẳng được mấy người.

Hãng Naio đi tiên phong trong lĩnh vực tự động hóa nông nghiệp tại Pháp từ 10 năm nay cũng chỉ bán ra được khoảng 100 robot cỡ nhỏ chuyên biệt cho vườn trồng rau, cộng với khoảng chục robot khác “tung tăng” trên các cánh đồng nho. Duy chỉ thấy robot vắt sữa bò là có tương lai sáng sủa hơn, vì đã có khoảng 10% trang trại bò sữa tại Pháp mua chúng. Những trang trại bò sữa quy mô lớn, với tổng đàn trên dưới trăm con, thì không ngại đầu tư vài chục ngàn euro để tự động hóa khâu vắt sữa, vì có robot, họ sẽ tiết kiệm được hai phút cho mỗi con bò mỗi ngày, nhân con số lên thì sẽ rút ngắn thời gian vắt sữa rất nhiều.

Diễn đàn quốc tế về kỹ thuật robot nông nghiệp (FIRA) tại Toulouse, Pháp. Ảnh: Reporterre

Máy móc càng hiện đại càng phức tạp

Trở ngại đầu tiên khiến robot khó đến được với nông dân là giá thành quá cao, trong khoảng 130.000 - 200.000 euro, trừ loại nhỏ nhất là robot làm vườn rau của hãng Naio có giá 30.000 euro. Thêm vào đó là phí bảo trì hàng năm và tiền hòa mạng điều khiển tự động. Ngay cả khi người nông dân đã quen với việc bỏ ra số tiền kha khá để đầu tư trang thiết bị máy móc nông nghiệp, có khi lên đến 30% tổng chi phí của những trang trại trồng cây lương thực, thì đa số nông dân cỡ trung bình vẫn rất lưỡng lự khi phải đầu tư cho tự động hóa.

Một robot cắt cỏ đang thao diễn trên cánh đồng thực nghiệm, năm 2016. Ảnh: AFP

Kế đến là tính năng kỹ thuật phức tạp của robot. Nào là cấu hình phần mềm điều khiển, nào là phải cập nhật chúng thường xuyên, nào là lỡ đang vận hành điều khiển tự động mà bị mất sóng liên lạc… Ông Emmanuel Labriffe, đại diện cho công ty thiết bị kỹ thuật Élatec tại triển lãm, cho biết: “Nhiều nông dân ngó lơ. Giá cả là một chuyện nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là họ không tin vào lợi ích của tự động hóa và hoài nghi không biết liệu máy móc hiện đại kia có làm tốt hơn con người hay không. Chúng tôi đã phát triển một thế hệ robot nhỏ gọn giúp các chủ vườn trồng rau, nhưng sau 4 năm, họ không màng đến chúng nữa!”.

Trên thực tế, 80% nông dân dù đang có máy móc thiết bị tự động hóa nhưng không muốn sử dụng chúng, vì theo họ, máy móc này phức tạp, khó sử dụng, chưa kể họ vẫn chưa thấy được lợi ích trước mắt nào của chúng so với cách làm thủ công như bao lâu nay. 

Họ cũng sợ các dữ liệu tự động hóa và được hòa mạng này lọt vào tay những đối tượng thu thập dữ liệu với dụng ý xấu. Sử dụng máy móc, robot tự hành được điều khiển bằng GPS thì đỡ mệt hơn nhưng các thông số hoạt động của chúng đều được ghi vào bộ nhớ, rồi những dữ liệu này sẽ đi đâu, đến tay ai?

Nhiều nông dân Pháp tự chế máy cày bừa để tiết kiệm chi phí và dễ sửa chữa. Ảnh: Reporterre

Ông Henri Bies-Peré, Phó Chủ tịch phụ trách mảng kỹ thuật số của Liên minh các Nghiệp đoàn những người khai thác nông nghiệp quốc gia Pháp (FNSEA), tuy ủng hộ ứng dụng kỹ thuật số trong nông nghiệp, nhưng cũng tự hỏi: “Hãng John Deere của Mỹ đã trang bị cho tất cả các máy gặt của chúng tôi các hộp kỹ thuật cân đếm năng suất thu hoạch, có nghĩa là người Mỹ sẽ có thể dễ dàng dự đoán được sản lượng các vụ mùa của Pháp!”. 

Tuy nhiên, vẫn không đi ngược lại được với thời đại 4.0, kỹ thuật số ngày càng có mặt rộng khắp trong nông nghiệp thông qua các ứng dụng điều khiển tự động trên máy kéo hoặc các cảm biến được trang bị mặc định trong nhiều loại máy nông nghiệp. Bởi vì, dù cho người nông dân vẫn chưa mặn mà thì giới khoa học công nghệ vẫn luôn nhiệt tình với cái mới.

Robot Tibot chăm sóc trại gia cầm. Ảnh: API- Ouest-France

Nông nghiệp kỹ thuật số phải chăng là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp?

Sau khi phân tích nguồn dữ liệu về việc số hóa trong nông nghiệp, công ty nghiên cứu và tư vấn Basic đã đưa ra kết luận trong báo cáo của mình, rằng logic chủ đạo vẫn là tối đa hóa sản lượng và phát triển mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp. Song, nhiều nhà khoa học Âu - Mỹ đã phê phán xu hướng này: “Tất cả đang thay đổi để rồi không có gì thay đổi cả”.

Một trong những rào cản khiến robot nông nghiệp khó tiếp cận nông dân là tính năng kỹ thuật phức tạp, mà người nông dân không quen. Ảnh: Reporterre

Viết trong tạp chí “Big Data & Society”, chuyên gia người Mỹ Christopher Miles cho rằng mục đích của nông nghiệp kỹ thuật số không gì khác hơn là hướng đến một nền sản xuất mang tính công nghiệp mà hình thức này phần lớn gây ra nhiều vấn đề về xã hội và môi trường, trong khi tưởng chừng như đã giải quyết được. Trong một bài viết khác có tựa đề “Mới thì có mới, nhưng cái mới này dành cho ai?”, được đăng tải trên tạp chí “Agriculture and Human Values”, các chuyên gia Canada chỉ ra rằng nền kinh tế của hình thức nông nghiệp chính xác là phục vụ cho lợi ích của lãnh vực công nghệ hơn là mang lại lợi ích cho nông dân và các trang trại.

Vẫn theo công ty nghiên cứu và tư vấn Basic, nông nghiệp kỹ thuật số cũng khiến vai trò của người nông dân bị thay đổi sâu sắc: giờ đây, việc phân tích được giao khoán hoàn toàn cho kỹ thuật số. Do đó, người nông dân ít còn có cơ hội quan sát thực địa để tự mình phân tích và đưa ra quyết định dựa vào trực giác và kinh nghiệm như trước đây, bởi lẽ đã có máy móc làm việc này, từ việc thu thập dữ liệu trong các trang trại, rồi các phần mềm vi tính phân tích và đưa ra giải pháp.

Nếu như trong tương lai, một nông dân sẽ phải ngồi thao tác trên máy vi tính nhiều hơn là ra thăm đồng, thì còn có thể được gọi là “nông dân” đúng nghĩa nữa hay không?

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất