, //, :: GTM+7

Nuôi cá nước lạnh ở "chảo lửa" Ninh Thuận

THÙY DUNG
Mỗi năm, trại nuôi cá tầm của Tiến sĩ Nguyễn Viết Thùy ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) cho thu hàng tỷ đồng, mở ra triển vọng phát triển loài cá nước lạnh đối với địa phương này.
Trại nuôi cá tầm của Tiến sĩ Nguyễn Viết Thùy ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận).

Khoảng chục năm trở lại đây, một số địa phương ở Việt Nam đã thành công trong việc nuôi cá tầm thương phẩm – giống cá nước lạnh cao cấp có nguồn gốc từ châu Âu xa xôi. Nhưng ít ai biết rằng, tại vùng đất nắng gió Ninh Thuận cũng có một trại nuôi cá tầm quy mô bạc tỷ.

Người đầu tiên phát triển mô hình nuôi cá tầm ở huyện Bác Ái chính là Tiến sĩ Nguyễn Viết Thùy (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) - một chuyên gia đầu ngành về cá tầm tại Việt Nam. Nhận thấy những tiềm năng của vùng đất Bác Ái, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thùy đã quyết tâm đưa mô hình nuôi cá tầm về với vùng đất này.

Cá tầm là giống cá nước lạnh có nguồn gốc từ châu Âu.

Ẩn mình giữa "chảo lửa" Ninh Thuận, khu vực Vườn Quốc gia Phước Bình (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) có khí hậu mát mẻ, nguồn nước tốt, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển cá tầm. Tận dụng nguồn nước dồi dào và mát lạnh quanh năm từ suối Đa Nhông, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thùy đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng trại nuôi cá tầm với tổng diện tích khoảng 2ha.

Không chỉ cần nguồn vốn đầu tư lớn, nuôi cá tầm còn đòi hỏi những điều kiện, kỹ thuật hết sức khắt khe. Cá tầm phải được nuôi trong môi trường nước chảy, bảo đảm độ sạch, nhiệt độ trong hồ phải luôn được duy trì ở mức thấp.

Trại nuôi cá tầm sử dụng nguồn nước thiên nhiên từ suối.

Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với loài cá tầm, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thùy thiết kế xây dựng trại nuôi cá tầm sử dụng nguồn nước thiên nhiên từ suối dẫn thẳng về các bể, từ bể trên chảy xuống bể dưới, rồi lại chảy ra suối, liên tục suốt ngày đêm nhằm giúp các bể cá luôn có lượng nước trong mát, đồng thời tạo đủ hàm lượng ô-xi cho đàn cá sinh trưởng và phát triển.

Việc vệ sinh bể nuôi cá tầm cũng rất quan trọng. Khi thấy bể bẩn là phải vệ sinh ngay. Nếu bể nuôi không sạch, cá dễ bị mắc bệnh và rất khó để chữa trị.

Trung bình mỗi tháng trại nuôi cá tầm của Tiến sĩ Nguyễn Viết Thùy tại Bác Ái xuất bán ra thị trường khoảng 20 tấn cá thương phẩm, giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Ông Mẫu Thái Phương – Bí thư huyện ủy huyện Bác Ái (bìa trái) đến thăm mô hình nuôi cá tầm của Tiến sĩ Nguyễn Viết Thùy.

Ông Mẫu Thái Phương – Bí thư huyện ủy huyện Bác Ái cho biết, mô hình nuôi cá tầm là một bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp của huyện Bác Ái. Trong thời gian tới, huyện sẽ có kế hoạch phát triển, nhân rộng mô hình nuôi cá tầm nhằm phát huy những lợi thế, tiềm năng đặc thù của khu vực Vườn Quốc gia Phước Bình.

Theo TS. Ngô Thị Thu Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, huyện Bác Ái có thể định hướng gắn mô hình nuôi cá tầm với hoạt động du lịch. Du khách đến với Bác Ái vừa có thể trải nghiệm các cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ; vừa có thể tham quan, tìm hiểu mô hình nuôi cá tầm và thưởng thức món cá đặc sản.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất