, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 20/09/2021, 09:45

Phân cấp, phân quyền: Khái niệm và quy chế pháp lý

TS NGUYỄN SĨ DŨNG

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương này đang được hiện thực hóa trong chương trình cải cách thể chế của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hiện nay, việc phân cấp, phân quyền không hợp lý đang gây ra những hệ lụy dễ thấy sau đây: 1. Cấp trên bị quá tải, và quyền lực của cấp trên nhiều khi trở nên hình thức. (Vì quá tải nên cấp trên không còn thời gian để xem xét đầy đủ các tờ trình. Xảy ra tình trạng ký trình quan trọng hơn ký duyệt). 2. Cấp dưới khó phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nhưng nhiều khi cũng tránh được việc phải chịu trách nhiệm. 3. Quy trình, thủ tục rắc rối, rườm rà: chi phí thủ tục, chi phí thời gian, chi phí cơ hội tăng cao.

Tuy nhiên, về mặt khái niệm, vẫn chưa có sự phân biệt tương đối rạch ròi giữa phân cấp và phân quyền. Hơn thế nữa, chúng ta lại thường nói gộp phân cấp, phân quyền với nhau làm một, nên việc hoạch định chính sách trong lĩnh vực này càng thêm khó khăn, lẫn lộn.

Phân cấp, phân quyền đều phải được hiểu là chia chuyển bớt quyền năng, công việc xuống cho cấp dưới. Có hai cách để chuyển quyền năng, công việc xuống cho cấp dưới: 1. Quyền vẫn là của cấp trên nhưng chuyển xuống cho cấp dưới thực hiện; 2. Dùng pháp luật phân chia lại để chuyển bớt quyền năng cho cấp dưới. Cách thứ nhất là phân cấp. Cách thứ hai là phân quyền.

Với một khuôn khổ khái niệm như vậy, quy chế pháp lý của phân cấp và phân quyền rất khác nhau.

Nếu phân cấp là một sự ủy quyền, thì chỉ những cơ quan có thẩm quyền mới có thể phân cấp. Và phân cấp thì chỉ có thể là cấp trên phân cấp cho cấp dưới: Chính phủ phân cấp cho các Bộ, các UBND tỉnh; các Bộ phân cấp cho các UBND tỉnh, các Sở.

Bộ Tài chính ủy quyền cho các tỉnh có cảng biển, có cửa khẩu thu thuế xuất nhập khẩu là một ví dụ cụ thể về phân cấp. Từ ví dụ này chúng ta thấy: Cho dù đã phân cấp cho các tỉnh, thì Bộ Tài chính vẫn không mất thẩm quyền thu thuế xuất nhập khẩu; Phân cấp cho các tỉnh, thì Bộ Tài chính vẫn không được giải phóng khỏi trách nhiệm đối với việc thu thuế xuất nhập khẩu; Bộ Tài chính phải tài trợ cho các tỉnh trong việc thu thuế xuất nhập khẩu (có thể khấu trừ % từ khoản thuế thu được); Các tỉnh có thể có tỉnh đồng ý, mà cũng có tỉnh không đồng ý thu thuế xuất nhập khẩu giúp cho Bộ Tài chính; Bộ Tài chính có thể rút lại sự ủy quyền của mình và trực tiếp tổ chức thu thuế xuất nhập khẩu.

Như vậy, phân cấp không làm mất thẩm quyền, không gỡ bỏ trách nhiệm; cơ quan phân cấp phải tạo điều kiện cho cơ quan nhận phân cấp; phân cấp có thể được chấp thuận, mà cũng có thể không và cũng có thể được rút lại.

Về phân quyền, phân quyền là việc thẩm quyền của các cơ quan hành chính - nhà nước được pháp luật phân chia.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) dự định chuyển quyền cấp bằng lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang cho Bộ Công an là một ví dụ cụ thể về phân quyền. Từ ví dụ này, chúng ta thấy: Nếu thẩm quyền cấp bằng lái xe được chuyển cho Bộ Công an thì Bộ Giao thông Vận tải không còn thẩm quyền này; Bộ Giao thông Vận tải không còn thẩm quyền thì cũng không phải chịu trách nhiệm về việc cấp bằng; Tài chính cho việc tổ chức thi cấp bằng lấy từ ngân sách, chứ không phải từ sự tài trợ của Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Công an không có quyền trả lại việc cấp bằng lái xe, và Bộ Giao thông Vận tải không có quyền nhận lại.

Như vậy, phân quyền là việc xác lập thẩm quyền và trách nhiệm; việc thực thi thẩm quyền mới sẽ do ngân sách tài trợ; thẩm quyền mới là không thể từ chối hoặc chuyển giao.

Với khuôn khổ khái niệm và quy chế pháp lý như trên, phân cấp sẽ dễ dàng hơn phân quyền. Nên chăng, chúng ta cần đẩy mạnh phân cấp trước. Những lĩnh vực phân cấp thành công thì có thể tổng kết để tiến hành phân quyền.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất