, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 13/07/2023, 21:44

Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu dự kiến đạt 10.000 tỷ USD trước năm 2028

ĐẶNG DUNG
Chiều nay (13/7), tại TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) và Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã phối hợp tổ chức “Hội thảo về thị trường Halal: Khái niệm, Tiềm năng và Thách thức”.
Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Lý Kim Chi - Phó Chủ tịch Huba, Chủ tịch FFA nhận định thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới và có những lợi thế quan trọng, nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp thực phẩm của Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhu cầu của các nước Hồi giáo, bởi để đưa được các sản phẩm vào các quốc gia Hồi giáo đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chứng nhận Halal cho các sản phẩm của mình" - bà Lý Kim Chi nói.

Bà Lý Kim Chi - Phó Chủ tịch Huba, Chủ tịch FFA phát biểu tại Hội thảo.

Mặt khác, các tiêu chuẩn và quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt, chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.

Ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc ITPC cho biết thêm, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt tới 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng sang cả thị trường phi Hồi giáo do sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường.

“Việt Nam nằm ở vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn tuy nhiên xuất nhập khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp ta vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm" - Phó Giám đốc ITPC nêu thực tế.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Wong Chia Chiann – Tổng lãnh sự Malaysia tại TP.HCM cho rằng để tham gia vào thị trường Halal, trước tiên các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những hiểu biết chung về Halal. Theo đó, Halal yêu cầu “quá trình chuẩn bị thực phẩm Halal phải tuân theo các quy tắc Hồi giáo và tính toàn vẹn, an toàn và vệ sinh của sản phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng”. Điều này có nghĩa là nguồn thực phẩm, quá trình chuẩn bị, đóng gói phải là Halal và phù hợp với luật Shariah (các quy tắc Hồi giáo).

Bà Wong Chia Chiann lấy ví dụ, thực phẩm không phải Halal và thực phẩm Halal phải được bảo quản riêng biệt để tránh bị nhiễm bẩn, các sản phẩm Halal và không Halal không thể được sản xuất trong cùng một dây chuyền sản xuất…

Theo Tổng lãnh sự Malaysia tại TP.HCM, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp Halal Việt Nam đó là chúng ta vẫn đang thiếu quy trình chứng nhận Halal tiêu chuẩn ở Việt Nam, do đó, Việt Nam cần xây dựng tiêu chuẩn chứng nhận Halal của riêng mình. Đồng thời, cần tìm cách khắc phục vấn đề phát triển chuyên gia trong nước về chứng nhận Halal. 

“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Malaysia trong việc xây dựng một hệ sinh thái Halal tốt hơn tại Việt Nam" - Bà Wong Chia Chiann khẳng định.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Không phải bây giờ lời kêu gọi sống chung với biến đổi khí hậu, dân gian gọi là thuận thiên mới vang lên. Nhưng nội hàm của thuận thiên, đến lúc phải thay đổi trong cái nhìn...

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất