, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 25/12/2023, 08:00

Săn cua đá ở vùng ven biển cực Nam Tổ quốc

Cua đá được được nhiều thực khách ưa chuộng và có thể chế biến thành nhiều món ngon như: cua đá rang muối, cua đá nướng, cua đá hấp bia cùng với sả rất thơm ngon. Nghề săn cua đá đã giúp cho nhiều hộ dân nghèo ven biển Cà Mau có thêm thu nhập để gắn bó với biển.
Đi săn cua đá.

Cua đá có nhiều ở cửa biển Cà Mau. Chúng thường trú ngụ trong các hốc đá, bờ kè bằng bê tông. Đây là loài hải sản được nhiều người biết tới bởi độ ngon ngọt, chắc thịt. 

Ông Phan Văn Sồi hay còn gọi là Hai Sồi, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau được xem là người tiên phong làm nghề đặt cua đá ở đây. Hiện tại, ấp Kinh Hòn có gần chục hộ dân làm nghề săn cua đá dọc theo tuyến bờ kè hoặc vách đá. Mùa gió chướng về, công việc của những người săn cua này lại nhộn nhịp hơn hẳn.

Ông Hai Sồi chuẩn bị đặt bẫy cua đá.

Cua đá thường có màu tím sậm và màu xám đen. Càng cua thì có màu tím đen hoặc xám trắng, ngoe cua có nhiều lông mềm. Với 100 cái rập cua, mỗi ngày ông Hai Sồi bắt được khoảng 5 - 7 kg cua đá. Cua đá có giá từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng tùy loại lớn nhỏ.

Cua đá tuy không phải là sản vật mang lại giá trị kinh tế cao cho người bắt nhưng nó cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho ngư dân làm nghề này. Và cũng chính từ con cua đá mà ông Hai Sồi đã nuôi được 7 người con ăn học, cất được nhà. Như có duyên nợ với nghề, hiện 3 người con của ông cũng theo nghề săn cua như cha mình.

Rập đặt cua.

Điều đặn mỗi ngày, khoảng 15 giờ chiều, vợ chồng ông Hai Sồi bắt đầu “ra quân” đi săn cua đá. Dụng cụ chính là những những cái rập đặt cua có kèm thêm gạch đá để ổn định rập, mồi dụ cua chính là các loài cá tạp.

Cua đá thường sống theo các tảng đá bờ kè hoặc ven các trụ bê tông. Lợi dụng đặc tính hay trốn này của cua, ông Hai đặt rập có cá dẫn dụ cua chui ra khỏi nơi trú ẩn vào ăn cá. Nếu ngay đợt biển động nhiều, số lượng cua vào rập lớn thì ông Hai phải đi thăm vào ban đêm để tránh cua làm rách rập chui ra ngoài. Những khi ít cua hoặc biển ít động thì đến sáng hôm sau ông Hai cùng vợ mới đi thăm rập.

Cua dính bẫy.

Cua đá chỉ nặng trung bình từ 150 - 200 gam/con. Cua cái thịt chắc hơn cua đực, đặc biệt thịt càng cua rất ngọt, có mùi thơm đặc trưng, nên đa số khách du lịch đến Cà Mau thường muốn thưởng thức và mua về làm quà cho bạn bè, người thân. 

Cua đá có màu nâu sẫm và chắc thịt.

Vùng biển Tây Nam của Tổ quốc dài hơn 300km bờ biển với địa hình nhiều đảo, bờ kè thích hợp cho cua đá trú ngụ và sinh sống. Công việc săn cua đá đã và đang là nghề mang lại thu nhập từ 300.000 đến 500.000 đồng mỗi ngày cho một bộ phận người dân sống ven biển.

(Bài do Tạp chí điện tử Nông thôn Việt phối hợp với Truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện)

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất