, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 03/02/2024, 06:00

Sau bóng hình ông lão

PHẠM XUÂN HÙNG

1.

Mỗi đận về quê tôi lại nhớ đôi câu thơ của Trần Ngọc Thụ trong bài Con đường hàng tỉnh: Ông lão dong trâu đi bừa. Là con ông lão ngày xưa đi cày. Quê tôi vùng trung du, là nông thôn “chay” dẫu bây giờ đường bê tông đã thay đường đất, điện thay đèn dầu, nước sạch chảy đến tận nhà. Nhưng không gian chung thì vẫn vậy, người làng biết hết mặt nhau, mấy trăm nóc nhà của bao nhiêu họ, mỗi họ bao nhiêu chi, ai cũng nắm rõ như lòng tay. Vậy ông lão mà tôi thấy, tôi nhớ là ai?

Hình minh họa.

Ông tên là Lê Văn Đen, ở làng Bàu (nay là thôn Cam Phú 2, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Tết năm này, chỉ thiếu 2 năm là ông sống tròn một thế kỷ. Còn sống khỏe và trí óc minh mẫn, để nhớ và kể những chuyện không ai còn nhớ, còn biết. Ông từng làm cu ly cho Pháp thời thuộc địa, đào đất đắp đá để xây dựng con đường 9 nối từ thành phố Đông Hà lên thị trấn Lao Bảo, nối sang quốc lộ 13 của nước bạn Lào. Ông từng sống qua các chế độ thời Việt Nam Cộng Hòa, trước đó đã tham gia Việt Minh và nuôi giấu cán bộ cách mạng. Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ông lại tham gia Hợp tác xã cho đến khi sức khỏe yếu thì về vui vầy cùng gia đình, con cháu.

Mỗi lần tôi gặp, ông đều kể về thế hệ trước, rằng ông của ông, cha của ông cũng là nông dân, ông là nông dân và con cháu của ông cũng còn rất nhiều nông dân. Rồi ông nói, không có gì và ở đâu bằng chính ngôi làng mình sinh ra. Được cày cuốc trên đó, sống nhờ hạt gạo, mớ rau trên đồng đất của làng, thờ phụng ông bà tổ tiên ở nghĩa trang làng là hạnh phúc cho một đời người. “Đá trôi mà Làng không trôi”, ông nói như đóng đinh vào gỗ.

Hình minh họa.

2.

Ngoại của bên nội tôi tộc Trần. Mới đây tôi về thắp hương cho bà Trần Thị Truyền, vai vế là em ruột của bà nội tôi, sống cũng ngót nghét gần trăm tuổi. Mụ Truyền (quê tôi gọi em thuộc hàng bà bằng mụ) nhỏ tuổi hơn ông Đen nhưng cũng từng là thanh niên Việt Minh, từng nhảy sạp “xòn xòn xòn đô xòn, xòn xòn xòn đô rê…” trong những đêm văn nghệ ở chiến khu Ba Lòng.

Lúc mụ còn sống, mỗi khi về quê, tôi hay được mụ cho ăn những thứ dân dã như bánh bột lọc làm từ bột sắn tự mài, cháo mít non nấu với ốc bắt dưới sông Hiếu, canh cà nấu với củ môn đào sau giếng. Mụ nói, mấy thứ này ngon mà sạch, cháu ăn đi. Mụ nói tiếp, nghe nói ở thành phố bây chừ cái chi cũng độc, heo gà, rau ráng chi cũng “ăn” thuốc mà lớn. Rồi mụ thở hắt hiu, mấy đứa bỏ làng mà đi, tìm kiếm cái chi không biết. Ăn mà sống, sống mà vui chớ có phải sống làm hì hục để rồi ăn mà chết.

Đám mụ Truyền to nhất từ xưa đến nay. Con cháu về mang khăn tang tính ra tới hàng “tứ đại”. Đội âm công rậm rịch chạy tới, chạy lui cả buổi chiều, tới khuya còn tập. Là bởi mụ Truyền nhắm mắt ở tuổi đại thượng thọ, tuổi này âm công phải chạy múa đủ nghi thức: Tứ Quý, Phúc Lộc Thọ… Mấy đứa trẻ trong đội âm công nào biết chữ Hán, chữ Tàu, chạy theo “chữ” ông Cai vạch ra nên chân cứ vấp vào nhau. Đám tang ở làng nhưng cũng theo quy định không để lâu 5 - 7 ngày như xưa nên người về thắp hương đông hơn hội.

Trước đây, dễ chừng mấy thập niên của thế kỷ 20, từ thời còn Việt Minh, làng chỉ có mỗi mụ Truyền làm nghề đỡ đẻ. Các làng xung quanh như Nà, Ồ, Ngã Hai… xa tận trong Cùa, nửa đêm nửa hôm cũng mời mụ vào đỡ đẻ. Vậy nên, hôm tôi về đám, nhiều ông cụ râu bạc phơ, chống gậy, tuổi thất thập, bát thập, nhờ con cháu dìu đến thắp hương, kể chuyện ngày xửa đẻ ngược, nếu không có mụ Truyền thì cầm chắc là chết.

Hình minh họa.

3.

Chiến tranh và những điều khác ngoài chiến tranh khiến làng tôi không mấy họ tộc nhớ gốc gác mình từ đâu phiêu dạt tới mảnh đất này. Nhắc đến mụ Truyền, tôi nhớ ra, ngoại của phía nội tôi cũng chỉ biết vài đời trước đó. Hẳn tất cả đều là nông dân, cày hái trên mảnh đất đồng làng này. Nhưng rồi không biết chữ nghĩa đâu ra, hay minh triết của làng đã khiến cố tôi đặt tên cho đàn con đông đúc theo thứ tự: Yên, Ninh, Trường, Thọ, Vạn, Đợi, Lưu, Truyền. Mụ Truyền là người cuối cùng trong chuỗi người mà cố tôi đặt tên, khắc cốt ghi tâm khát vọng gắn bó với làng.

Cháu nội của mụ Truyền gọi tôi bằng anh vẫn còn nhiều đứa ở lại quê nhà. Nhưng cũng có đứa đi xa, vì lấy vợ lấy chồng quê xứ, hay mưu sinh phải gởi phận người nơi phố thị. Tôi cũng đã là người phố thị. Về thắp hương mụ Truyền mà lòng man mác. Gương mặt người quê thanh thoát, gần gũi xiết bao. Hiền như khoai, như sắn. Đẹp như bùn, như đất.

Có thể những đứa em bà con tôi không giàu có theo kiểu ô tô, nhà lầu nhưng hãy nhìn những ngôi nhà cấp bốn thênh thênh gió và nắng, không có bậc cầu thang trơn trượt, một tiếng vợ gọi chồng xuyên từ góc bếp đến đầu ngõ, mới thấy hạnh phúc mà mình tưởng cầm nắm được chỉ là hư không.

Trong cuốn sách Đi tìm hạnh phúc – Một hành trình triết học (Du bonheur: un voyage philosophique) xuất bản lần đầu cách đây 10 năm, của nhà nghiên cứu người Pháp Frédéric Lenoir từng đặt câu hỏi đâu là dấu mốc cho hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Hỏi và tự trả lời, rằng hiểu cuộc sống và yêu bản thân là bước đầu tiên đi đến hạnh phúc.

Tôi cũng như Frédéric Lenoir, nhìn ra sau bóng hình ông Đen, mụ Truyền một niềm hạnh phúc nguyên khiết chỉ có ở nông thôn. Và một niềm lo lắng khôn nguôi.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất