, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 11/10/2021, 15:34

Thời Cô-vi nhất nông, nhì sĩ...

NGUYÊN AN
Thời dịch Cô-vi làm mưa làm gió, các bạn tôi ở nông thôn có vẻ như chẳng hề hấn gì. Cách ly người khác hai mét ư? Họ đã sống xa đám đông từ lâu, cách tới hai trăm mét, chứ hai mét gì. Đeo khẩu trang kè kè à? Quên đi Tám, ra ngoài đồng gió lồng lộng, nắng cháy da... đeo khẩu trang mần gì, trừ những cô thôn nữ che đến mấy lớp khăn lâu nay vì sợ đen!
Ảnh minh họa.

Cô-vi mới quần có năm mấy mà có người ở chốn thị thành đã xính vính vì công ty hầu như đóng cửa... Không có tiền để dành mà xài, kể như xách rổ qua nhà hàng xóm mượn gạo. Dân nông thôn lâu năm, giàu có tùy nhà, nhưng đói thì không thể như dân thị thành!

Vợ chồng bạn ở quê sống khá giả, có thằng con trai một, học xong lấy vợ ở thành phố. Con dâu vốn dân thành phố ngại về quê, nên hai vợ chồng trẻ sống ở nhà trọ, cháu nội còn nhỏ, bệnh lên bệnh xuống. Ông bà bảo về quê sống, con dâu thề sống chật hẹp ở đô thị sáng đèn chứ không chịu về quê tay lấm chân bùn. 

Dịch Cô-vi kéo dài, hai vợ chồng con trai thất nghiệp ôm con về nhà nội. Ông bà nội vui hết ý, hy vọng đây là cơ hội để con trai, con dâu cám cảnh mà ở luôn thì quá vui! Anh bạn ngâm nga: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ!” rồi cười khà khà. 

Trời mưa mà anh đã 70 tuổi còn ra đồng. Anh khoe trồng được 100 cây sầu riêng sau khi phá vườn tiêu sau nhà. Hỏi tình hình dịch bệnh, anh chỉ bảo không ra đường thôi chứ việc vườn nhà vẫn quần quật.

Hình minh họa.

Anh đùa bảo có đủ heo, gà, cá... chỉ thiếu bạn nhậu! Đời sống nông trại hóa ra vui, không lo đói, không đeo khẩu trang kè kè. Chiều cha con làm lon bia ăn cơm. 

*

Trước khi dịch xảy ra, đứa em bạn đã qua tuổi 40, nghỉ việc ở một công ty liên doanh, nơi lương cũng hơi kha khá. Hỏi vì sao, hắn bảo không thích giám đốc mới lên, làm việc kỳ quái! Vậy sao không kiếm công ty khác? Hắn cười hà hà: Giờ nghĩ ra rồi, tự mình làm chủ là sướng nhất!

Bán xe hơi, bỏ thói quen đeo cà vạt, áo bỏ trong quần, ngày nào cũng cùng vợ ra vườn làm nông dân, có vẻ hắn quyết tâm ở nhà. Vợ hắn bảo: Ở nhà trồng rau, còn có dư. Làm công ty nước ngoài, sáng sớm đi, tối mịt về, lương cao mà nhậu, tiền cũng hết, lại mang cái thây bệnh về! 

Hắn thiết kế sân vườn nhỏ xíu trên sân thượng, có đến 3, 4 chỗ nhậu. Chỗ dưới giàn phong lan, thì hắn bảo nhà hàng Phong Lan. Chỗ kế hòn non bộ, thì bảo quán Sơn Thủy. Chiều lai rai với mấy bạn gần nhà, xem ra cũng thi vị. Chỗ trên sân thượng, thiết kế cả võng nằm ngắm trăng. Phê bình hắn chỉ nghĩ chuyện ăn nhậu. Hắn cười và bảo: Tận hưởng! Tận hưởng! Mới hơn 40 tuổi mà đã buông tay, gác kiếm, không bon chen chốn thương trường, chấp nhận vui thú điền viên, cũng lạ!

*

Sân thượng là góc trời riêng của ông bạn già khác. Từ ngày về hưu, hầu như suốt ngày ông lên chốn này. Một cây đu đủ, một bụi ớt, lùm rau… và một chuồng gà nho nhỏ. Cây nào cây nấy khẳng khiu, nhưng là niềm vui thú của ông. Một nhánh lá mới, một nụ hoa vừa bung cũng là điều ông khoe với ai thân quen đến thăm, như là một sự kiện gì đó lạ lùng. Ông nói không chán về tiếng gà gáy trưa, sáng trên sân thượng. Sáng sớm, sương khuya còn lạnh, không gian thanh vắng, một tiếng gà gáy như báo với ông một ngày mới bắt đầu, dù ông đã tỉnh giấc từ lâu. Ở cái tuổi khó ngủ, ba bốn giờ sáng, ông đã trở dậy pha trà. Cái tiếng đồng hồ báo thức reng reng hay dingdong làm ông bực mình, nhưng tiếng gà gáy không hiểu làm sao lại làm lòng ông lắng dịu.

Tiếng gà gáy sáng đã vậy, tiếng gà gáy trưa càng làm ông nhớ quê. Nhớ những buổi trưa hè trốn ngủ, ra cạnh bụi tre đong đưa cánh võng, hay là ở góc bờ ao với cái cần câu cá. Quê hương ông có những ông cha, bà mẹ lầm lũi làm đồng từ mờ sáng đến tối mịt. Quê hương ông có nếp nhà lá dừa, chỉ có cái bồ lúa là vật quý giá nhất trong nhà… 

Hình minh họa.

Giờ cứ nghe mỗi tiếng gà gáy trưa là ông nhớ quê, nhất là những ngày cận Tết hay giỗ chạp. Nhớ ngày ấy, ông có con gà tre nhạn, lông trắng mướt, đá hay như tài tử Hồng Kông Khương Đại Vệ đánh võ trên phim. Đá đâu thắng đó, nhiều người đòi mua với số tiền rất lớn, nhưng ông không bán, cuối cùng chúng lại bắt trộm của ông. Nỗi nhớ con gà còn lay động đến ngày nay, nên ông quyết chí nuôi gà trên sân thượng, dù khoảng trời cho con gà cưng chỉ chút xíu. 

Quê còn có đủ thứ món ăn mộc mạc dễ làm, Tết ở quê chỉ có gỏi gà xé phay bóp chuối cây, thịt kho, bánh tét, củ cải muối… vậy mà ông vẫn thấy ngon hơn các món đặc sản nấu nướng phức tạp, kỳ công ở thị thành. Mấy ngày này, chuyện về quê nôn nao trong lòng, dù có chỉ thị “Ai ở đâu ở yên đó”. Cậu hàng xóm về quê tận miền Tây, cả nhà 4 người đùm túm trên hai chiếc xe gắn máy. 

Họ chọn đi đêm vào tối chủ nhật là chắc có cách luồn lách đường nào đó về quê, khi trên đường đầy dẫy chốt chặn. Thương quá! Một tháng giãn cách nữa, Sài Gòn hào hiệp muốn giữ họ lại, với đủ hứa hẹn, cho chích ngừa, cho tiền an sinh… nhưng vẫn không ngăn được họ. Đường về quê mấy trăm cây số, xa nhưng mẹ ở quê đang chờ. Mỗi người tự quyết đời mình. Tôn trọng cách suy nghĩ hành động của riêng họ. Chỉ mong, trong đêm tối họ tìm được một con đường nào đó, về được tới quê lành lặn, để sáng mai uống ngụm nước mưa, nghe một chút gió quê nhà, rồi có thể hái ngọn rau, bắt con cá dưới đồng... Có cách ly, phòng dịch mười mấy ngày ở quê, chắc cũng thoáng đãng, dễ dàng hơn ở chốn thị thành...

Ông lẩm bẩm: Đúng rồi, cha mẹ còn sống phải về thăm, như ta đây có muốn về cũng chẳng còn được nữa. Hồn quê đâu chỉ gốc dừa, bến nước, con xuồng xưa mà còn là nơi chôn nhau cắt rún. Là nơi cha yếu, mẹ già trông ngóng con trẻ đi làm biền biệt ở xứ xa.

Ông chẳng còn cha mẹ ở quê, nhưng vẫn còn nỗi háo hức về quê. Gió thu đã thổi về nghe lành lạnh, mọi năm giờ này các luống hoa đã đơm nụ chúm chím ngoài đồng. Đám trẻ yêu nhau đã rập rình cưới khi trời vào cuối thu, nay dịch bệnh ai mà còn lòng nào tơ tưởng duyên tơ hồng. “Hết dịch, ta bán nhà về quê sống luôn!”, ông nói với vợ khi đang cùng tưới cây trên sân thượng. Vợ bảo: Ừ! Ta cứ về. Nhà bán rẻ là có người mua ngay. Lấy lưng vốn, mua nhà ở quê, dư một chút, sống cũng khỏe. Ông lại tần ngần ngó con gà quen thuộc: Chắc là ôm nó về quê luôn! 

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất