, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 28/02/2020, 13:18

Thời trang batik ở xứ sở vạn đảo

TẤN VỊNH

Những hòn đảo được biết đến nhiều nhất của Indonesia là: Sumatra, Java và Bali. Đất nước Indonesia có văn hóa vô cùng đa dạng, là vương quốc của batik. Đất nước vạn đảo này còn giữ được truyền thống làm batik cổ như vùng Toraja, Flores, Halmahera, Papua, đặc biệt là ở khu ngoại ô Tuban, phía đông Java.

Batik Indonesia được đánh giá là sản phẩm dệt tinh tế nhất, đẹp nhất, hiếm có nơi nào sánh nổi. Batik được thực hiện qua nhiều công đoạn phức tạp. Từ mảnh vải cotton dệt tay trắng nguyên sơ, thợ thủ công và những nhà thiết kế dùng bút chì vẽ hoa văn lên vải. Sau đó họ vẽ và phủ sáp ong lên các hình mẫu, rồi nhúng trong thùng đựng dung dịch thuốc nhuộm đun sôi. Nước nóng lên sẽ làm cho sáp tan ra, phần vải được phủ sáp ong vẫn còn trắng, chỉ có các phần vải không được phủ sáp mới nhuốm màu và bắt đầu hiện hình hoa văn.

Công đoạn quan trọng nhất là vẽ sáp ong. Người ta dùng một công cụ nhỏ bằng đồng chứa sáp ong nóng có vòi thon và dài gọi là canting vẽ và phủ sáp ong lên các hình vẽ hay những mảng chưa cần được nhuộm màu của tấm vải. Tấm vải được mang phơi khô, kiểm tra chất lượng kỹ thuật màu sắc, hoa văn sau lần nhuộm ban đầu. Sau vài quy trình lặp đi lặp lại: vẽ - phủ sáp và nhuộm màu, sẽ cho ra sản phẩm hoàn thiện, ưng ý.

Với sắc màu, hoa văn đa dạng, vải batik từ lâu đã được chọn làm trang phục truyền thống, tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng cho phái đẹp. Nhiều mẫu vải batik có kích thước khác nhau dùng để may áo, váy, tấm choàng, khăn quàng, khăn, thắt lưng… Trên các sản phẩm đó luôn được bố trí nhiều hoa văn chim như chim phượng, chim công, chim hạc… và hoa văn hoa lá ở trung tâm và đường viền.

Batik là sản phẩm vải được ưa chuộng, được chọn làm trang phục cho mọi tầng lớp. Người dân ở xứ sở vạn đảo gắn bó thiết thân với mặt hàng vải vóc do họ làm ra. Học sinh đến trường cũng sử dụng đồng phục batik, nhân viên, cán bộ, công nhân ở các cơ quan, xí nghiệp, công sở đều có đồng phục riêng từ sản phẩm batik. Từ người dân đến viên chức, công chức đều mặc trang phục batik, điều này chẳng những vì trân trọng nét đẹp ngoại hình mà họ còn có ý thức bảo vệ bản sắc. Một số tấm vải dành riêng cho việc trang trí nhà cửa, làm khăn choàng phủ lên đôi vợ chồng trong lễ cưới. Trước kia, những người vợ của tầng lớp cao quý như chủ đất, người có chức sắc thì mặc những loại trang phục batik cao cấp.

Xứ sở vạn đảo vốn rất giàu có tiềm năng về di sản văn hóa, trong đó nổi trội là di sản thời trang, trang phục truyền thống. Trong những sự kiện, lễ hội, hội thảo ở cấp quốc gia hay khu vực, dệt may truyền thống là sản phẩm chủ lực thu hút du khách trong và ngoài nước. Nhiều hoạt động như hội chợ, giới thiệu sản phẩm làng nghề sản xuất vải batik và các loại sản phẩm thổ cẩm khác như ikat, songket; trình diễn thời trang batik, tham quan làng batik trải nghiệm các quy trình làm ra sản phẩm, tham quan bảo tàng dệt may, tận mắt nhìn những hiện vật quý như những tấm vải batik cổ, khuôn in sáp ong, bút vẽ, trang phục batik qua các thời đại...

Batik là sản phẩm dệt có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật dệt và hội họa. Một số sản phẩm đạt chất lượng nghệ thuật tinh xảo, có giá trị thẩm mỹ cao. Với vẻ đẹp độc nhất vô nhị, những sắc phục được tạo ra từ sản phẩm batik chính là tinh hoa di sản thời trang của xứ sở vạn đảo. Batik là báu vật giúp cho đất nước Indonesia phát triển mạnh công nghệ may mặc, dệt vải, thời trang, lễ hội, du lịch… Truyền thống Batik đã trở thành biểu tượng văn hóa của cả quốc đảo lớn nhất hành tinh Indonesia. Năm 2009 batik đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất