, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 08/02/2024, 19:00

Thương hồ thời đại số trên An Thông Hà

LỮ HÀ
Dưới chân những đại lộ thênh thang rực rỡ, những cao ốc choáng ngợp của Sài Gòn có một nguồn mạch âm thầm nhưng mãnh liệt không thể cưỡng lại: nước. Thành phố vươn lên cao, những tòa nhà chọc trời ngạo nghễ, nhưng mỗi ngày của thành phố còn được lặng lẽ tính đếm bằng nhịp thuỷ triều. Con nước lớn nước ròng hàng ngàn đời nay vẫn tác động đến đời sống của thành phố theo một cách riêng, không thể cưỡng cầu, cũng không thể quên lãng. Sông lớn, kênh dài, thuỷ triều… nối Sài Gòn với gốc rễ của cả vùng Nam bộ, mang lại cho thành phố một khí chất rất riêng, không lẫn vào bất kỳ nơi đâu khác.

Thuỷ lộ triều dâng, hoa về bến cũ

Thành phố như trái tim đập mạnh mẽ nhờ hệ thống huyết mạch gắn chặt với những vùng quê miền Đông, miền Tây Nam bộ mênh mông trù phú. Cửa ngõ miền Tây - kênh Tàu Hủ, là một trong những mạch giao thương bền bỉ tồn tại suốt từ thuở khai sinh Sài Gòn đến tận bây giờ.

Theo bản đồ, kênh Tàu Hủ dài khoảng 6 cây số, từ chỗ giao với kênh Bến Nghé, kênh Tẻ, kênh Đôi đến kênh Lò Gốm và kênh Ruột Ngựa. Bờ Bắc của kênh là quận 5, quận 6, đại lộ Võ Văn Kiệt chạy dọc bờ kênh. Bờ Nam là quận 8. Bến Bình Đông, Mễ Cốc, những dãy nhà cổ của người Hoa trên bến vẫn còn nguyên dáng dấp cũ. Mấy “chành” hàng hóa, xe cộ vẫn vô ra tấp nập mỗi ngày.

Tuyến thuỷ lộ từ Tàu Hủ ra Bến Nghé, về Khánh Hội thênh thang một thời vang bóng. Hàng hoá khắp nơi trên những chuyến ghe thương hồ nối liền những bến sông, cũng từ đó mà thành những địa danh nổi tiếng đến tận bây giờ: bến Hàm Tử, bến Bạch Đằng, bến Thành, bến Nghé. Những “bến” bình dân mộc mạc ngày xưa ấy nay đã thành khu trung tâm sang trọng, chỉ bến Bình Đông trên kênh Tàu Hủ vẫn nguyên là bến, nơi neo đậu của nông sản, nông dân. Khí chất ngày nao vẫn còn nguyên đó.

Thủy lộ ngày nay trở thành một đường xanh cho nông sản, cây trái các tỉnh miền Tây Nam bộ về với thành phố. Người Sài Gòn đã quen với chợ trái cây và nhất là chợ hoa bến Bình Đông những ngày giáp Tết. Trong lòng ghe bầu cỡ lớn, cây kiểng, bông trái xếp kín. Nước dưới kênh đã dần trong lành trở lại sau công trình cải tạo nhiều năm về trước, nay đã có thể múc lên tưới hoa.

Chiếc ghe chở gần hết cả gia đình cùng với công sức trồng trọt, chăm bón cả năm, cặp bến Bình Đông bán từ mười chín, hai mươi tháng Chạp. Cả nhà trên ghe, lai rai bán cây, chăm kiểng, có những chậu mai ủ sắc vàng trong nụ, đứng yên trong lòng ghe đến 27, 28 Tết mới được bưng lên bến chợ, chúm chím cười trong nắng gió Sài Gòn cuối năm.

Bến vẫn là bến cũ, dù bao lần cải tạo nâng cấp nhưng không dời đổi, bởi con nước thủy triều vẫn đó, là động lực cơ bản cho tàu ghe vô ra, là nguồn sống cho những chuyến buôn bán giao thương. Những chiếc ghe bầu từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang… neo đậu dọc bờ kênh, đối diện với dãy nhà cổ hai tầng, mái ngói đã lớp lớp thời gian xô lệch. Một cách tự nhiên, khoảng không gian từ dãy phố cổ và con đường kéo ra đến tận bờ kênh trở thành chợ. Trên bến dưới thuyền, không gian đô thị đặc trưng của Sài Gòn vẫn vẹn nguyên tính chất.

Như từ thuở người ta vác lúa gạo từ ghe lên bán trên bến rồi thành cái tên bến Mễ Cốc, cho đến giờ, nông sản, bông trái vẫn từ ghe dưới kênh được chuyển lên ngay trên bến và bán tại chỗ. Chuỗi cung ứng rốt rẻng nhanh gọn, rất địa phương và rất xanh. Người mua được chạm vào sản phẩm một cách trực tiếp không cần qua bao bì hay thủ thuật tiếp thị làm đẹp sản phẩm; người bán chào hỏi, kêu giá với khách mua bằng cái chân chất nông dân của mình. Quyết định mua bán, vì thế, thường vui vẻ cả hai bên, hiếm khi có ai giận dữ lớn tiếng.

Người chở hoa về Mễ Cốc

Kênh Tàu Hủ nổi tiếng không kẹt xe mà kẹt… ghe. Dòng kênh này một thời từng được gọi tên là “đại lộ Tàu Hủ” – cách gọi tên đặc chất Sài thành, cái dân dã mộc mạc đứng cạnh bên cái cầu kỳ sang trọng một cách tỉnh queo, bình thản. Biểu tượng của một Sài Gòn giao thương, giàu có nay đang chuyển mình từng bước một, ngay trong lòng những chuyến ghe bầu từ quê lên phố.

Chợ hoa Bến Bình Đông dài khoảng 3km, dọc theo con đường bờ kênh Tàu Hủ, nhìn từ trên cao, hoa kiểng trên bến dưới thuyền rực rỡ, hoà hợp với những điểm check-in chụp ảnh mà chính quyền đã cho trang trí vui mắt, những chiếc cầu bắc ngang dòng kênh, những ghe đờn ca tài tử.

Người Sài Gòn đi chợ hoa bến Bình Đông không theo lối đi chợ thường ngày, tức là gởi xe một nơi rồi đi bộ vô chợ, mà đa phần là vừa chạy xe dọc con đường vừa ngắm hoa, gặp chậu nào vừa ý, xáp vô hỏi giá xong là bỏ lên xe chở về luôn. Đi chợ hoa thấy người bán hoa kiểng không chỉ là thương lái, mà còn gặp nhiều nông dân trồng hoa mang lên chợ bán.

Giữa những loài hoa quen thuộc ngày Tết, nếu gặp một chậu cây nào khác khác, mới lạ, chắc chắn sau chậu cây ấy là một anh Tư, anh Bảy xứ vườn. Người trồng thấy cây hoa lạ, chăm bón, nâng niu ở vườn quê rồi một ngày muốn đưa cây lên phố. Đôi khi không phải để bán mà còn để chia sẻ niềm vui, để “thăm dò thị trường”. Những chậu cây đó là vô giá, không thể áp khung giá như các loại hoa kiểng thông thường ngày Tết. Giá của nó là sự đồng điệu giữa người trồng cây và người biết tìm cây, yêu cây.

Tôi mua một chậu bạch mai ở bến Bình Đông năm trước mùa dịch Covid. Cây bạch mai mỏng manh đứng khép nép cạnh mấy chậu tắc lá chen chồng trái lớp lớp căng mọng. Bạch mai chỉ có hoa không có trái, hoa cũng không nhiều không dày, chỉ trắng nhẹ nhàng, rải rác. Người trồng thương cây, biểu bà xã tôi ngồi lên xe rồi đỡ nhẹ chậu cây lên cho vòng tay ôm lấy, còn dặn tới dặn lui: đừng tưới nước nhiều quá, đừng để nắng quá, ráng nương là cây này nở bông hoài hoài quanh năm nha anh Hai! Nàng bạch mai ấy ở với gia đình tôi đã bốn năm rồi, ngày nào hoa cũng nở.

Cách năm dịch chợ hoa không đông, năm sau đi chợ tôi quành tới quành lui tìm cho bằng được vợ chồng anh Tư Hơn, người bán cây, cảm ơn anh đã mang nàng từ quê lên phố. Tôi đưa anh coi bức hình chụp nàng bạch mai xưa, nay đã trưởng thành, tinh tế sang trọng như một tiểu thư khuê các. Anh xin bức hình để đăng lên “phây”, mới biết anh chàng nông dân miệt vườn nay đã có gian hàng bán cây trực tuyến. Chiếc ghe bầu nay thành trạm giao hàng, mấy bác tài shipper áo xanh áo đỏ gắn thêm giàn chở cây sau xe để nâng niu từng chậu cây cho vừa lòng ông chủ vườn khó tánh.

Năm nay, chợ hoa bến Bình Đông không chỉ của Sài Gòn mà còn là điểm trung chuyển hoa kiểng miền Tây tỏa đi các tỉnh trên khắp cả nước. Nam thanh nữ tú hẹn đi chợ hoa, check-in khu phố cổ, vô chùa Quan Âm cầu may, ghé Bình Đông Hội Quán coi cúng đình… Không gian đô thị độc đáo đang được bảo tồn, song song với những giấc mơ đổi đời từ vườn, từ cây xanh, từ hoa lá. Đầu mỗi một chiếc ghe bầu đang gối bến, không chỉ có những nông dân đứng tuổi, mà còn có lớp trẻ tay quẹt điện thoại rành rẽ chụp hình, đăng bài, chốt giá chuyển tiền mua bán rất gọn gàng.

Nhìn lại, từ lúc chợ chỉ đông những ghe thương hồ làm trung gian mua cây tại vườn bán cây tại phố, đến khi những người thợ vườn tự mình chở cây lên chợ bán, và cho đến giờ, lớp trẻ tham gia vào chợ bằng công nghệ, bằng mạng xã hội, chợ hoa bến Bình Đông đã khác rất nhiều. Riêng cái hồn chợ “trên bến dưới thuyền” vẫn được giữ nguyên vẹn.

Tâm thức Tết cổ truyền, niềm vui khi đến chợ hoa ngày xuân mang lộc về nhà của người Việt là một nền tảng bền vững, khiến chợ hoa vẫn là điểm hẹn cuối năm cho mọi người. Từ bạn thương hồ dày dặn kinh nghiệm, anh Bảy xứ vườn muốn trao gửi niềm vui trồng cây, đến nhóm trẻ kết nối giao thương bằng công nghệ… tất cả tham gia vào đời chợ một cách tự nhiên, hòa quyện, như bao lâu nay vẫn vậy, trên bến dưới thuyền.

Minh triết xanh và bền vững

Chiều 29 âm lịch, anh bạn nhà vườn gửi lời nhắn chúc Tết. Tôi biết ghe anh quay đầu về quê sớm, chứ mấy năm trước lên Sài Gòn bán bông kiểng, đời thương hồ tối ba mươi Tết còn xuôi nước lớn nước ròng là chuyện thường. Có năm về đến nhà đã mồng một mồng hai, cả nhà lăn ra ngủ bù vì quá mệt.

Người Sài Gòn mấy năm nay cũng đi mua bông sớm, bà con nói không nên để tới tối 30 Tết, hết ngày hết tháng, vựa bông phải bán đổ bán tháo mới đi mua. Thương hoa bị hạ giá, còn thương người bán hoa đêm cuối năm long đong dọc đường chưa về tới nhà tới cửa. Nét “văn hoá phi vật thể” ấy chắc cũng là tâm tính riêng, hình thành từ bến chợ của những ghe thuyền xa xứ này. Người từ xứ khác xa xôi đem bông đem trái đến nở giữa Sài Gòn, cho thành phố thêm mấy phần hoa lệ, mình cũng nên lấy tấm chân tình thương hoa, thương người mà đối đãi, bán mua lấy lộc ngày xuân cho rộng lòng.

Ghe lên Sài Gòn khẳm đầy bông trái, ghe về nhẹ bẫng, lướt theo con nước vừa lên. Dòng chảy mạng lưới kênh rạch thành phố chịu ảnh hưởng rất mạnh của thuỷ triều biển Đông và chế độ bán nhật triều không đều, nên ghe xuồng khi đến chợ hay tan chợ đều như có hẹn hò với con nước. Có phải vì vậy mà dòng kênh Tàu Hủ xưa từng được đặt tên là An Thông Hà - sông An Thông, dòng nước kết nối các miền trong bình an, thuận thảo.

Mà bến Bình Đông đâu chỉ có hoa ngày Tết. Con đường thủy bao đời vẫn ghe thuyền vô ra tấp nập, bởi thủy lộ là huyết mạch của miền đất phương Nam này. Sức sống mãnh liệt ẩn trong lòng từng con kênh, trong nhịp thủy triều lên xuống. Hòa được sức mạnh của sông nước ấy vào nhịp sống của thành phố chính là biểu tượng dân dã gần gũi nhất của kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

Hoa bến Bình Đông là hoa bền vững, hoa gắn với đất với nước với người trồng, hoa ở lại với người chơi hoa mùa này sang mùa khác, không như hoa cắt cành bọc nilon chưng một hai ngày xong là bỏ. Phát triển bền vững là đây chứ chẳng phải điều gì quá lớn lao, quá hàn lâm xa cách. Lấy đất làm chân, lấy nước làm đường, người nông dân trồng hoa đang đóng góp cho sự phát triển bền vững của thành phố.

Nhìn lại, sức sống bền bỉ rất riêng của chợ hoa bến Bình Đông có phải là một minh chứng cho tính bền vững trong nết ăn ở thuận với đất trời sông nước mà cha ông đã tiên liệu, đã gầy dựng nên. Đó là sự bền vững thực sự, để chúng ta hiểu hơn về sự bền vững của đô thị xanh hôm nay?

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất