, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 18/03/2022, 10:51

Đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển cây mắc ca tại Lạng Sơn

ĐẶNG THÙY
Ngày 16/03, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội thảo. Nguồn: TTXVN

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, cây mắc ca được Công ty cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc đưa vào trồng khảo nghiệm ở Lạng Sơn từ những năm 2003. Trên cơ sở kết quả trồng khảo nghiệm, một số hộ gia đình, cá nhân tự phát mua cây mắc ca để trồng từ năm 2004 - 2011 với số lượng nhỏ lẻ.

Từ năm 2019 - 2021, diện tích trồng mắc ca tại Lạng Sơn tăng nhanh. Hiện có 8 doanh nghiệp lập 10 dự án đầu tư mắc ca; trong đó, 5 dự án đã được UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định phê duyệt chủ đầu tư với diện tích 249,70ha.

Đến hết tháng 2/2022, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã trồng trên 486ha, năng suất mắc ca bình quân trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3,4 tấn quả tươi/ha/năm (tương đương 2,75 tấn hạt tươi), sản lượng năm 2021 đạt khoảng 67,23 tấn quả, hiệu quả kinh tế đạt từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng/cây/năm đối với cây mắc ca trồng đến năm thứ 10 trở lên.

Trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca với công suất thiết kế 180 - 190 tấn hạt/năm.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu hiệu quả kinh tế, môi trường khi phát triển mắc ca trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tham mưu xây dựng đề án phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị các địa phương tăng cường quản lý nhà nước về giống cây mắc ca, tuyên truyền, khuyến cáo doanh nghiệp, người dân lựa chọn vùng trồng phù hợp, tránh tình trạng trồng tự phát, trồng tại những nơi không đảm bảo yêu cầu sinh thái. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi theo quy định để của pháp luật để các doanh nghiệp khảo sát, xây dựng mô hình, đầu tư dự án phát triển trồng và chế biến mắc ca.

Đại diện Hiệp hội mắc ca Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam cho rằng những mô hình đầu tiên của Lạng Sơn đã chứng minh mắc ca có thể là cây trồng giúp bà con ở những vùng đồi núi, vùng sâu vùng xa có điều kiện phát triển kinh tế. Do đó, rất mong UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để người dân có cơ hội được tiếp cận những thông tin chính xác về cây mắc ca cũng như tiếp cận các mô hình trồng mắc ca hiệu quả. “Hiệp hội mắc ca Việt Nam luôn sẵn sàng song hành cùng với địa phương với những hoạt động thiết thực như tổ chức tập huấn cho bà con, hỡ trợ vay vốn…” - Giáo sư Nguyễn Lân Hùng chia sẻ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất