, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 10/02/2024, 06:00

Trò chuyện cùng doanh nhân Lê Bá Thông: Kinh tế khó thì có hạnh phúc được không?

MINH NGUYỄN
Khi năm 2023 bước vào tháng cuối cùng, cộng đồng mạng lại tuyên bố “xé nháp”. Nhiều tiếng nói tỉnh táo lại nhắc thêm rằng “sang năm sẽ còn khó khăn”. Thu góc nhìn về phía cộng đồng doanh nhân, dễ thấy những đăng đàn trực tiếp hay gián tiếp nói về tình hình khó khăn của doanh nghiệp mình. Mọi thứ như một thực tế có thể gây xao lãng nhất với những hiểu biết của con người về hạnh phúc. Kinh tế khó thì có hạnh phúc được không?

Tôi mang câu hỏi ấy tìm gặp anh Lê Bá Thông. Anh vốn là doanh nhân - thành viên sáng lập, cố vấn điều hành, cựu CEO của công ty thiết kế và thi công nội thất nổi tiếng TTT Corporation. 6 năm nay, anh càng nổi tiếng trong giới doanh nhân với vai trò sáng lập cộng đồng Nhà lãnh đạo tỉnh thức và Doanh nghiệp xã hội Mã nguồn hạnh phúc, miệt mài xây dựng và lan tỏa hạnh phúc cho doanh nhân, doanh nghiệp.

Minh họa: Thanh Minh

Thưa anh, khi kinh tế khó khăn, doanh nhân bận bịu với vô số vấn đề. Lúc này, họ có quan tâm đến hạnh phúc không?

Anh Lê Bá Thông: Sự thật là chưa năm nào tôi có nhiều lời mời trò chuyện về hạnh phúc như năm nay. Các doanh nghiệp khó khăn, doanh nhân gặp vấn đề, tức là họ đang đau khổ. Khi đau khổ, họ càng quan tâm đến hạnh phúc. Có thể nói đây là lúc mà câu chuyện về hạnh phúc trở nên sôi nổi nhất trong giới doanh nhân.

Câu chuyện hạnh phúc mà anh nói với doanh nhân lúc này có gì khác so với thời kinh tế đang “thịnh”?

Từ thành công đến hạnh phúc là một khoảng cách rất xa. Nhiều người thành công nhưng không hạnh phúc. Ngược lại, có những người vẫn hạnh phúc dù họ không thành công theo thước đo của xã hội. Vậy thì dù doanh nhân đang kinh doanh thành công hay đang gặp thách thức, thì bài học về hạnh phúc cũng chỉ có một. Ngay cả với doanh nghiệp trẻ, đang đà phát triển thì chúng tôi vẫn sẽ nêu cùng một sự thật về hạnh phúc. Chỉ khác, khi bạn đã trải qua đau khổ thì bạn sẽ có một tâm thế khác, có thể chủ động hơn, để học về hạnh phúc.

Nếu hạnh phúc của doanh nhân không phải là thành công, thì nó là gì, thưa anh?

Hạnh phúc là một trạng thái trong trẻo của con người, là điều mà vốn dĩ ai cũng có mà không cần phải tìm đâu xa. Nhưng thường thì ta quá xao nhãng vào những mục tiêu đơn lẻ nên vô tình che lấp hạnh phúc. Có người cả đời bỏ mặc hạnh phúc để chạy theo thành công. Trong khi, thành công chỉ là một trong nhiều mục tiêu của đời sống cân bằng. Muốn quay về với hạnh phúc, cần có sự tỉnh thức. Điều này cần phải học, phải rèn luyện. Điều mà chúng tôi làm ở Mã nguồn hạnh phúc là dẫn đường, trao cho doanh nhân những công cụ để thực hành tỉnh thức, từ đó quay về với hạnh phúc.

Doanh nhân là những người mạnh về giải pháp. Khi doanh nghiệp khó khăn, họ sẽ có xu hướng cải thiện tình hình, tìm kiếm “niềm hạnh phúc” chuyển bại thành thắng. Còn hạnh phúc độc lập khỏi thành - bại, liệu có quá xa lạ với doanh nhân?

Chắc chắn là có nhiều người nghĩ rằng khi đi học về hạnh phúc, họ sẽ tránh được nguy cơ phá sản đang chực chờ. Và có thể họ làm được vậy thật. Nhưng thực tế thì tỉnh thức không giúp bạn biến A thành B. Tỉnh thức là con đường giúp bạn nhìn vào sự thật, soi rọi và thấu suốt bản thân, hiểu cộng sự, hiểu đối tác, hiểu thị trường, nhìn thấy mọi tiềm năng lẫn nguy cơ của hoàn cảnh. Khi đó, bạn sẽ biết đâu là con đường. Đôi khi, những dữ kiện thực tế cho thấy bạn còn hy vọng cứu được công ty, bạn sẽ biết đâu là mấu chốt, và chìa khóa là gì. Nhưng cũng có khi, nhìn thấu suốt rồi bạn lại nhận ra phá sản là tất yếu. Lúc đó, bạn sẽ phá sản trong hiểu biết, khác hoàn toàn so với trạng thái phá sản trong hoang mang, oán trách, trầm cảm. Khi bạn thực sự hiểu biết, phá sản không thể trở thành bất hạnh.

Ai cũng có lúc mong mình tránh được thất bại, tai ương, đau khổ. Nhưng khi có sự tỉnh thức, bạn sẽ biết tất cả sẽ xảy ra khi nó cần xảy ra. Việc của con người là rèn luyện để có trí tuệ, biết được đâu là việc tất yếu, đâu là vùng có thể thay đổi. Biết rồi, thì chỉ làm đúng những việc cần làm, và bình an với mọi diễn biến. Đó là trí tuệ của sự “biết đủ”. Tôi nhớ Hòa thượng Viên Minh từng ví von rằng khi gặp thất bại thì hãy tụng một bài kinh: “Không như ý con đâu, đã sáng mắt ra chưa. Không như ý con đâu, đã sáng mắt ra chưa…”. Thực tế đời sống có những quy luật rất mạnh mẽ của riêng nó, nó không diễn biến theo ý muốn của bất kỳ ai. Khi có trí tuệ, ta có thể tạo lập một đời sống cân bằng, hài hòa với niềm hạnh phúc của mình. Còn nếu chỉ theo đuổi ý muốn, ta sẽ… sáng mắt ra thôi (cười).

Tôi nghe thấy một từ khóa là “hiểu” trong con đường hạnh phúc mà anh nhắc đến…

Hiểu và thương là từ khóa quan trọng tại Mã nguồn hạnh phúc. “Lắng để nghe, nhìn kỹ để thương”. Khi đã lắng được để nghe và nhìn thấy mọi vật như nó đang là, tức là bạn đã có tỉnh thức. Sự tỉnh thức giúp bạn nhìn đúng sự việc đang diễn ra. Tỉnh thức chính là con đường quay về với bản chất hạnh phúc bên trong bạn, là đường ray cao tốc để chạy trên con đường hạnh phúc.

Tại Mã nguồn hạnh phúc, chúng tôi có những phương pháp để người học có thể “lắng”, để tỉnh thức. Ta có thể gọi đó là thiền. Nhưng thiền ở đây không phải để giải thoát, mà để lắng nghe, để tỉnh thức.

Thử rà soát lại sẽ thấy, tất cả khó khăn trong doanh nghiệp nằm ở sự đứt gãy truyền thông, mà trong đó nổi bật là sự không lắng nghe nhau giữa các cộng sự, giữa nhân viên và sếp. Một thực tế khác là khi quy trình càng chặt chẽ thì mâu thuẫn nội bộ càng gia tăng. 64% nhân viên sẽ đổ lỗi cho nhau. Và 52% đổ lỗi cho sếp. Từ đổ lỗi sẽ dẫn đến oán trách. Trong khi đó, nếu có hiểu và thương thì sẽ không có oán trách. Nếu có biết ơn thì sẽ không có đổ lỗi.

Vậy, ranh giới giữa oán trách và hiểu, thương là gì? Đó là những điều hiển nhiên. Khi ta tạo ra những điều hiển nhiên, lập tức sẽ nảy sinh tâm thế phó mặc, đối phó. “Quy trình là vậy thì hiển nhiên bộ phận A phải làm nhiệm vụ B”, “Anh đã đi làm cực khổ thì hiển nhiên em phải rửa chén quét nhà”, “Bạn bè con đi du học thì hiển nhiên con cũng phải được đi du học”... Nghe có vẻ logic, nhưng hoàn toàn thiếu vắng sự hiểu và thương, thiếu sự linh hoạt, lúc đó con người chỉ như những cỗ máy. Nhưng bản chất con người lại không phải là cỗ máy, nên khi dự phần vào những điều “hiển nhiên” như vậy chắc chắn ta sẽ vấp vào những nghịch lý, và đau khổ.

Xin anh chia sẻ một ví dụ về sức mạnh của “hiểu và thương” trong việc hóa giải khó khăn trong doanh nghiệp?

Có một học thuyết rất giá trị về 4 nguồn năng lượng của con người: năng lượng tầm nhìn, năng lượng dẫn dắt, năng lượng tổ chức, năng lượng hợp tác. Mỗi người sẽ mạnh và yếu khác nhau ở từng nguồn năng lượng. Nhưng mỗi công ty, và trong mỗi nhóm cộng sự thì cần hội đủ 4 nguồn năng lượng này. Đây là một cơ sở khoa học để người lãnh đạo có thể nhận diện từng nhân sự và có sự phân nhóm, bố trí công việc hợp lý. Khi gặp trục trặc, lãnh đạo tỉnh thức sẽ không chỉ nhìn thấy lỗi của nhân viên, mà còn thấy rõ những vấn đề về nguồn năng lượng bên trong họ. Khi đó, lãnh đạo sẽ đối diện với vấn đề, với nhân sự bằng sự hiểu biết, trí tuệ và yêu thương.

Nếu một doanh nghiệp được xây dựng trên một văn hóa như vậy, thì từng con người sẽ được phát huy tốt nhất, từng sự hợp tác trở nên tối ưu nhất. Và môi trường làm việc trở nên lành mạnh, an toàn và đầy cảm hứng với từng nhân sự. Đó chính là nền tảng bền vững của hạnh phúc, và cũng là công thức để thành công.

Sau 6 năm chuyên tâm xây dựng các lớp học hạnh phúc cho doanh nhân, anh thấy doanh nhân có khác biệt gì trong việc tiếp cận giáo dục hạnh phúc so với những người khác?

Cái khó thứ nhất là doanh nhân thường rất thông minh, và dày dạn kinh nghiệm. Điều này khiến họ rất khó lắng nghe thực sự. Mà không lắng, thì không nghe.

Thứ hai là, nếu muốn hiểu và thương trong doanh nghiệp, mỗi người phải hiểu và thương bản thân mình trước nhất. Cái khó của doanh nhân là họ rất hiếm khi nghĩ về bản thân họ. Mọi câu hỏi của doanh nhân đều xoay quanh “doanh nghiệp của tôi có vấn đề”, “nhân viên của tôi làm việc không hiệu quả”, hay thậm chí “gia đình tôi bất ổn”, “con tôi bất trị”... Họ luôn vào vai người đi giải quyết vấn đề chứ không thể là người mang vấn đề.

Nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại. Doanh nhân là những người cực kỳ cô đơn, nhiều tổn thương, nhiều căng thẳng. Nếu không “lắng”, bạn sẽ nhìn mọi thứ qua lăng kính của sự cô đơn, thương tổn, và căng thẳng đó. Làm sao để thấy được sự thật, làm sao để tỉnh thức?

Tôi có một trải nghiệm đặc biệt khi làm các chương trình hỗ trợ tinh thần cho doanh nhân từ rất sớm. Khi làm 2 chương trình Doanh nhân vượt qua nỗi cô đơn, Doanh nhân vượt qua nỗi sợ hãi, nhiều doanh nhân nổi tiếng đã dũng cảm đứng lên chia sẻ rằng họ từng có ý định tự tử. Có người từng 4 lần muốn kết thúc cuộc đời. Và khi nghe các diễn giả chia sẻ trong chương trình, họ bật khóc. Khóc vì “gặp lại” bản thân. Khóc vì nhìn thấy mình trong cái nhìn trong trẻo nhất, để hiểu, và thương mình. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc, giọt nước mắt trân trọng đời sống.

Mã nguồn hạnh phúc và cá nhân anh đã “thả” những chỉ dấu hạnh phúc bằng cách nào để doanh nhân có thể tiếp cận, lĩnh hội và có một năng lực hạnh phúc bền vững?

Mỗi năm, để chuẩn bị chương trình đào tạo cho năm kế tiếp, chúng tôi luôn có bước phân tích tình hình kinh tế. Phân tích để hiểu doanh nhân sẽ gặp vấn đề gì mà xây dựng cách tiếp cận hiệu quả nhất. Từ đầu năm 2023, chúng tôi đã dự báo khủng hoảng và thông điệp lớn của chúng tôi trong các chương trình năm đó là “Ngồi cho vững chãi, việc gì cũng qua”.

Về phương pháp nền tảng, chúng tôi có rất nhiều công cụ để triển khai các triết lý về hạnh phúc, và cả những phương pháp thực hành để rèn luyện tâm, giúp tăng sức mạnh tinh thần để người học trở nên tinh tấn và dẻo dai trên con đường trở về hạnh phúc. Chúng tôi áp dụng các triết lý và phương pháp thực hành của Phật giáo, và cả hệ thống kiến thức về tâm lý, cảm xúc của phương Tây. Học liệu của Mã nguồn hạnh phúc có sự trợ giúp rất quan trọng của Đại học Harvard và các chuyên gia quốc tế về hạnh phúc như Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, Tiến Sỹ Ginny Whitelaw - cựu tiến sỹ năng lượng tại NASA… Trong đó không thể không kể đến sự trợ giúp quan trọng của công nghệ và AI, đó cũng là lý do mà tôi chọn đặt tên doanh nghiệp là Mã nguồn hạnh phúc (Code to Happiness).

Công nghệ và AI thì có liên quan gì đến giáo dục hạnh phúc, thưa anh?

AI đang góp phần thay đổi sâu sắc các nền tảng trí tuệ con người. AI cũng đang góp phần không nhỏ trong việc tổng hợp, phân tích và đưa vào ứng dụng các tri thức hiểu và thực hành Hạnh phúc mà lâu nay vốn được xem là “của cải” riêng của triết học phương Đông. Chúng tôi đã, đang, và sẽ luôn hướng tới việc ứng dụng AI để nghiên cứu và triển khai các phương pháp thực hành hạnh phúc.

Ngày càng nhiều doanh nhân tìm đến Mã nguồn hạnh phúc. Nhưng con số đó vẫn rất nhỏ so với số đông các doanh nhân đang chịu chung sự khó khăn của nền kinh tế toàn thế giới. Nếu có thể gửi thông điệp cho những người còn lại, anh sẽ nói gì?

Tôi xin nhắc lại lời nói cực kỳ ấn tượng của một diễn giả của Mã nguồn hạnh phúc với doanh nhân: “Đã mất doanh nghiệp rồi, đủ khổ đau chưa, vậy thì đừng để mất thêm gia đình và con cái nữa”. Đừng để cái phá sản của mình làm mình mất đi hạnh phúc. Hay nói như thầy Thích Minh Niệm: “Đừng biến khó khăn thành bất hạnh”. Bạn có thể thay “phá sản”, “khó khăn” bằng bất kỳ vấn đề nào mà bạn đang gặp. Đó cũng chỉ là một vấn đề trong rất nhiều phương diện của đời sống. Chỉ cần bạn đừng đòi hỏi mọi thứ phải theo ý mình, thì bạn sẽ còn thấy những tài sản quý giá xung quanh.

Bất cứ lúc nào, bạn cũng có thể ngồi xuống chiêm nghiệm, lắng xuống mọi cảm xúc tiêu cực, mọi cảm xúc, cái tôi, để mình thật rỗng rang và đón nhận cái mới, thay đổi tư duy và khởi động lại. Còn hạnh phúc thì luôn hiện diện, chỉ cần bạn tự cho phép, bạn sẽ có hạnh phúc.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ rất giá trị này!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất