, //, :: GTM+7

Trồng cỏ Vetiver để ngăn mặn, giữ ngọt cho đất

ÁNH TUÂN

Cỏ Vetiver zizaniodes.L.(còn gọi là cỏ hương lau) là một loại cỏ rất đặc biệt với bộ rễ sâu tới 12m. Đây là loại cỏ độc đáo, đa dụng, mang lại giá trị kinh tế cao, thích ứng tốt với nhiều điều kiện thời tiết và đất đai khác nhau, an toàn với môi trường tự nhiên, có thể giúp bảo vệ bờ biển, ngăn mặn, ngọt hóa nước trên đảo và có thể làm thức ăn cho gia súc.

Trang trại trồng nho, măng tây, dưa hấu... sử dụng cỏ vetiver làm nguồn sinh khối tấp phủ tại chỗ và giữ ẩm cho đất tại Mũi Dinh, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận.

Trồng Vetiver ở Trường Sa

Từ năm 2002, Vetiver đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải cho phép trồng ở Việt Nam cũng như trên một số đoạn taluy trên các tuyến đường trong cả nước. Vài năm gần đây, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ phối hợp với Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Hải quân đã trồng thử nghiệm loại cỏ này trên các đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa tỉnh Khánh Hòa).

Người trực tiếp mang cỏ lên tàu hậu cần ra Trường Sa từ cảng Cam Ranh cùng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ là anh Ngô Đức Thọ, một chuyên gia nghiên cứu về cỏ Vetiver và ứng dụng của nó trong các giải pháp chống sạt lở cho công trình thủy lợi. Trong chuyến đi đó, đoàn công tác đã mang theo 1.000 bầu cỏ giống, 10 tấn trùn quế và một số loại hạt giống khác. Anh Thọ cho biết: “Cỏ Vetiver được chúng tôi cùng các chiến sĩ hải quân trồng tại cổng UBND xã, bờ hàng rào vườn rau, trồng cộng sinh với một số cây bàng vuông ngoài phần đảo mới bồi đắp, ven các công sự… Đây là loại cỏ có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện khắc nghiệt nhưng thời điểm đó chúng tôi cũng hết sức lo ngại. Thổ nhưỡng trên đảo chủ yếu là san hô vụn rời như cát, cát biển và sỏi đá, trước giờ chỉ có các loài thực vật đặc trưng như muống biển, phong ba, bão táp, bàng vuông, mù u và một ít cây dừa nằm sâu trong đảo là sống được…”.

Chiến sỹ đảo Sinh Tồn đang trồng cỏ tại khu vực thử nghiệm.

Cỏ Vetiver có khả năng hấp thụ một lượng lớn nitrogen và hòa tan phosphat trong nước thải, có khả năng phân hủy một số hợp chất hữu cơ liên quan với thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ. Trên thế giới, bằng việc sử dụng cỏ Vetiver tạo ra các vùng đất ngập nước, chất thải trong chăn nuôi được phân hủy phần lớn tại các đồng cỏ ngập nước này và chất lượng môi trường được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, cỏ Vetiver cũng cố định kim loại nặng hòa tan trong nước, vì thế được sử dụng để hoàn nguyên các mỏ khai khoáng.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ Nguyễn Văn Cường, việc trồng thành công cỏ Vetiver ở môi trường khắc nghiệt như quần đảo Trường Sa là tiền đề để nhân rộng việc trồng cỏ ở hàng ngàn đảo nhỏ khác của Việt Nam. Ông khẳng định cỏ Vetiver nếu được trồng quanh các đảo nổi sẽ tạo nên vành đai chống xâm nhập mặn cho đất và cản bớt hơi nước mặn từ biển vào, từ đó, giúp các loại cây khác như rau xanh trên đảo có điều kiện phát triển tốt hơn. Với bộ rễ dài đến 12m, đâm thẳng, phần nhánh cây tính từ mặt đất có thể cao đến 2,5m, cỏ Vetiver giúp đất thấm được nhiều nước hơn vào mùa mưa, tích trữ và chuyển hóa nước ngầm tốt hơn. Theo ông Cường, cấu trúc của rễ cỏ giống như bấc thấm giúp nó đưa nước dưới sâu lên bề mặt, vì vậy, những loại cây trồng có bộ rễ nông có thể hưởng lợi. Ngoài ra, lá cỏ Vetiver còn có thể làm mái lợp hoặc làm thức ăn cho gia súc.

Có thể chống sa mạc hóa

Theo anh Ngô Đức Thọ, dòng Vetiver mà Việt Nam đang trồng có nguồn gốc từ Thái Lan, được Thái Lan du nhập từ Nam Ấn Độ. Ngoài khả năng chống sạt lở, cỏ Vetiver cũng được sử dụng nhiều trong nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ ở các quốc gia như Indonesia, Myanmar, Ấn Độ, Ethopia và nhiều nước khác với vai trò là một loại cỏ chống xói mòn đất, chống rửa trôi, bạc màu và hồi phục nước ngầm cho đất. Trong hoàn cảnh Việt Nam có gần 9 triệu héc-ta đất đồi núi trọc, đồi cát, trảng cỏ, đất canh tác bị thoái hóa nặng có nguy cơ bị sa mạc hóa, hoang hóa như hiện nay, cỏ Vetiver có thể là giải pháp để hạn chế tình trạng nói trên.

Cỏ Vetiver có rễ cắm thẳng, sâu, có thể trồng cộng sinh với các loại cây ăn trái trong vườn nhà.

Anh Thọ cho rằng kinh nghiệm từ việc đưa cỏ Vetiver vào các dự án sinh kế, cải tạo đất dốc ở một số tỉnh như Quảng Trị, Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái cho thấy có thể áp dụng ở Tây Nguyên, nơi đang gặp các vấn đề tương tự (như đất dốc không giữ được nước để canh tác; lạm dụng phân bón hóa học hoặc các loại thuốc diệt côn trùng làm đất đai chai cứng, thiếu hụt hữu cơ trầm trọng khiến cây trồng không đạt năng suất…). Riêng đối với các vùng bị hạn hoặc xâm nhập mặn như các tỉnh Tây Nam bộ, theo chị Trần Ngọc Huyền, người trồng cỏ Vetiver ở các vùng tâm điểm hạn mặn Gò Công (Tiền Giang) từ 2017, cho viết thì ngay thời điểm đỉnh cao hạn mặn của tháng 04/2020, loại cỏ này vẫn lên tươi tốt không cần nước tưới. Tại mỗi gốc cỏ, chị trồng dặm các cây bí thì bí vẫn lên tốt.

Thân thiện môi trường

Thông thường chúng ta vẫn lo ngại việc xâm thực của các loại cây có nguồn gốc ngoại lai, nhưng với cỏ Vetiver thì có thể an tâm vì loại cỏ này không sinh sôi, phát tán bằng hạt mà chỉ có thể tách nhánh, om bầu để nhân giống như cách trồng cây sả ở Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Cường, vì cỏ chỉ có thể phân nhánh ở khu vực được trồng nên hoàn toàn có thể kiểm soát được sự phát triển của cỏ. Ông Cường cũng cho biết cỏ Vetiver có khả năng chịu ngập úng kéo dài đến 45 ngày ở luồng nước sâu 0,6 - 0,8m.

Hiện nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã trồng và khai thác các lợi ích từ cỏ Vetiver, như Thừa Thiên Huế trồng ở vùng sạt lở thuộc xã Quảng Công, huyện Quảng Điền; Quảng Bình trồng cỏ ở các vùng cát ven biển vừa chống xói mòn vừa cung cấp thức ăn chăn nuôi. Một số tỉnh thành khác cũng trồng cỏ này để chế biến tinh dầu từ rễ như sản phẩm tinh dầu Vetiver có giá bán lên đến 10 triệu đồng/lít.

Kết quả nghiên cứu của TS Ngô Thị Thúy Hường cùng cộng sự (thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) khẳng định ứng dụng đa dạng từ cỏ Vetiver có thể giúp cho sự phát triển của công nghệ sử dụng thực vật trong xử lý môi trường. Bởi loài cỏ này cho thấy có thêm khả năng ngăn ngừa sự lan rộng của chất dioxin tồn dư sau chiến tranh. Thêm nữa, cỏ Vetiver còn được ứng dụng như là một hàng rào sinh học để ngăn chặn và dẫn dụ các loài côn trùng có hại cho cây trồng như sâu đục thân, rầy mềm, rệp sáp. Các loài gây hại này sẽ sống và sinh sản trên Vetiver giúp các cây trồng chính không bị chúng phá hại. Tương tự, ở dưới mặt đất, bộ rễ của Vetiver cũng thu hút các loại tuyến trùng và nấm hại để chúng không tấn công sang rễ của cây trồng. Hơn nữa, nguồn sinh khối thân lá từ Vetiver là một nguồn vật chất hữu cơ giá trị. Với những lợi ích đó, Vetiver có thể trồng cộng sinh với rất nhiều loại cây trồng từ cây rau màu đến cây ăn trái, cây công nghiệp…

Tags

Bình luận

Xem nhiều

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất