, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 03/09/2023, 16:00

Truyện ngắn: Hoa muống biển

TRIỆU VẼ
(phunuonline.com.vn)
Hoài mân mê từng hạt cát trong tay. Sóng ngoài xa vẫn vỗ vào bờ miên mải. Những dây muống biển chồng chéo lên nhau, bất chấp nắng gió vẫn xanh rờn, thân bò đến đâu rễ mọc đến đó.

Hoài nhìn đăm đăm khoảnh cát dưới chân. Bao giờ ngồi trước biển, cô cũng thích vùi 2 bàn chân xuống cát càng sâu càng tốt. Những hạt cát luôn xúm xít, ngỡ như một khối nhưng lại rời rạc từng hạt riêng lẻ. Cô vốc một nắm cát rồi để nó lọt qua kẽ tay. Cô càng giữ chặt, cát càng chảy nhanh hơn. Khi cô buông lỏng, cát cũng từ từ chảy đi hết, chỉ là lâu hơn một chút. 

Mặt trời thong thả, chiều dần thẫm. Gió phần phật thổi tung mái tóc xơ rối, buộc vội thành một túm. Không biết bao lâu rồi Hoài không để ý chăm sóc mái tóc của mình. Cô chỉ làm sạch nó như trẻ con hay đàn ông lúc tắm. Không tạo kiểu, dưỡng hấp, nhuộm, uốn, duỗi. Một áng dài mượt, chưa đầy 10 năm, lần lượt theo 2 lần sinh con, chỉ còn một nhúm. Có những sáng vội liếc qua chiếc gương cũ kỹ trên đầu tủ áo của con, Hoài không dám nhìn lâu, sợ phải thấy khuôn mặt xa lạ của ai đó chứ không phải của mình, sợ nước mắt trào ra. Cô biết số phận không phải lúc nào cũng bao dung cho kẻ yếu đuối và cuộc đời sẽ không nhẹ tay với mình vì mình là đàn bà. 

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Hoài là đàn bà. Có mấy ai trong số đàn bà con gái trên đời này không thích làm đẹp. Chung quy chỉ vì tiền. Không có tiền khi trong tay ôm 2 đứa con nhỏ là sự thống khổ. Nó là những cơn đau nhói tỏa ra từ ngực trái lan đến mọi ngóc ngách trên cơ thể, đến nỗi nhai miếng cơm còn trệu trạo vô vị thì nói gì đến giấc ngủ. Bao nhiêu đêm rồi Hoài không buồn đếm từng con cừu nhảy qua hàng rào trong tưởng tượng nữa. Bao nhiêu đêm rồi, trong ánh sáng hồng hồng tỏa ra từ chiếc đèn ngủ có hình chú vịt bé tí, Hoài nằm nghe tiếng gió mùa riết róng gầm gừ qua khe cửa, tiếng con bọ cánh cam bay xè xè ngay cửa mùng lụp xụp hòa lẫn tiếng thở nhè nhẹ đều đều của bé Nấm và cu Ben.

- Em suy nghĩ xong chưa? 

Màn hình điện thoại lóe sáng. Nhìn tên người gửi, bỗng Hoài nghe như có ai lấy cục đá lèn sau lưng mình. Lạnh toát. Cổ tay cô mỏi nhừ giống như khi cố mang xách vật gì đó quá sức. Chiếc điện thoại trên tay bỗng nhiên như biết cựa quậy, choài ra, trượt khỏi tay cô, rơi xuống cát. Những dấu chấm xanh nhún nhảy liên tục không dứt, người kia vẫn đang soạn tin nhắn cho cô.

Hoài có cảm tưởng mình như một món đồ chơi lên dây cót đã hoàn thành chuyến đi, muốn nhích thêm một chút cũng không thể. Hoài không hiểu điều gì lại có thể khóa chặt cô trong một nỗi sợ ngớ ngẩn như thế này. Là cô chủ động. Vậy mà bây giờ, khi người ta liên hệ thì cô lại hoảng sợ như đứa trẻ phạm lỗi nặng đợi chờ cơn quở trách của người lớn.

- Chi phí nếu em qua đến nơi tầm 100 triệu đồng nhưng đi làm 2, 3 tháng là đủ hoàn vốn. 

- Vay mượn đi em, các bạn tìm đến chị đều vậy cả.

- Con thì ai không thương. Làm mẹ mà! Em không chỉ thương chúng khi nhỏ mà em sẽ thương tới khi nào em còn thở. Nhưng tình thương không thành cơm, không thành ngôi nhà ấm áp, không thành sách vở đến trường. Chừng 5, 7 năm là em có một số vốn kha khá. Tin chị đi.

Hoài mân mê từng hạt cát trong tay. Sóng ngoài xa vẫn vỗ vào bờ miên mải. Những dây muống biển chồng chéo lên nhau, bất chấp nắng gió vẫn xanh rờn, thân bò đến đâu rễ mọc đến đó. Đám hoa tím chúm chụm hệt như trẻ con nghịch cát ngoài xa. Hồi mới cưới nhau, chồng Hoài hay cười ngất khi thấy cô ngồi cả giờ ngắm và khen hoa muống biển đẹp. Hoài nhặt điện thoại, bấm “Dạ” rồi gửi đi. Cảm giác như vừa chộp tay vào hòn đá phẳng lì trơn trượt bao phủ lấy Hoài.

***
Vệt nắng cuối ngày đổ xuống mặt bàn những hình thù kỳ dị. Tin nhắn của người môi giới xuất khẩu lao động cứ lơ lửng trong đầu Hoài. Bữa cơm vẫn trôi qua giống mọi ngày trong tiếng chí chóe của 3 bà cháu. Chồng Hoài bỏ điện thoại ra, ăn vừa xong bữa đã vội vồ lấy. Hôm nay, ánh mắt Hoài đậu lại nơi người đàn ông có làn da tái xanh nhợt nhạt, tay chân lỏng khỏng, khuôn mặt tối sầm kia lâu hơn một chút. Cô thấy chồng lạ lẫm như ai đó đi lạc vào nhà, vào đời cô.

Tình yêu với một người lẽ nào rồi cũng sẽ đến lúc có cảm giác như đi trong sương mù mờ mịt? Lòng Hoài chợt gợn lên câu hỏi: “Đã có một thời mình tha thiết muốn gắn kết không rời với con người này sao?”. Hoài như đo được sức nặng của nỗi cô đơn đang bám lấy mình. Mong muốn được chia sẻ lớn hơn mức cô có thể giữ lại trong lòng. Cô ước gì người đàn ông mình gọi là chồng nhấc mặt khỏi TikTok, game hay Facebook mà nhìn cô lâu lâu một chút. 

- Hồi sáng người ta thu tiền điện mà mẹ nợ, Hoài à. Thu 400.000 đồng mà mẹ còn có hơn 200.000 đồng.

- Dạ, mai con đi đóng cho mẹ.

- Nhà mình mà có cái máy lạnh như nhà bà Đậu thì chắc đóng tiền không nổi. Nghe bà ấy nói có máy lạnh nhà cửa mát mẻ, ngủ sướng lắm. Cu Ben nó ngứa ngáy, mồ hôi rịn cả đêm, quạt máy không mát được. Nhiều khi nghĩ giá mà…

Mẹ chồng đưa mắt sang con trai. Chạm phải ánh nhìn nặng trĩu của Hoài, bà khựng lại. Ánh mắt ấy hệt ánh mắt con Mướp lúc ăn vụng bị kẹt đuôi trong khe cửa, nửa van lơn nửa bất lực. Hoài quý bà nội Nấm. Vốn liếng ngồi chợ bán tiêu tỏi hành ớt chắt chiu nhịn ăn nhịn mặc, bà đưa cả cho chồng Hoài mở tiệm nét. Lời lãi đâu không thấy, chỉ thấy mang về cho bà đứa con trai tính tình cáu bẳn lầm lì và cắm đầu vào điện thoại cả ngày lẫn đêm.

Hoài biết bà tử tế với Hoài một phần như lời xin lỗi bù đắp vì gần 10 năm qua, mọi chi phí trong nhà đổ hết vào đôi vai cô. Cả lần con bà đánh người bị thương rồi ngồi tù 2 năm. Hoài nghĩ, trong cuộc sống, không nên đưa tay dứt khoát tìm cách vén mọi bức màn trong đời lên, tận tường mọi ngóc ngách để chăm chăm xem xét. Ích gì! Hoài là đàn bà. Đàn bà sinh con ra là phải nuôi cho chúng lớn. Đến con gà còn biết ủ ấp, chăm bẵm con, chẳng lẽ cô lại không? Có con gà trống nào nuôi con với nó đâu. Nó vẫn tự bới bới móc móc nuôi con đến cứng cáp đó thôi! Cô còn biết làm gì hơn ngoài việc tự an ủi bản thân, góp nhặt từng mẩu năng lượng tốt lành xung quanh để mỗi ngày bàn chân bước ra đồng, ra chợ, vào xưởng vững chãi. Chân cứng đá sẽ mềm! Nếu không có mẹ chồng, cô không chắc mình có thể đứng ở đây đến bây giờ. Trong tận sâu thẳm lòng mình, Hoài mang ơn bà sâu sắc.

Ánh sáng xanh lè từ màn hình điện thoại lẫn với ánh hồng hồng từ chiếc đèn ngủ con vịt của Nấm tạo thành thứ ánh sáng hơi rờn rợn. Trời nóng quá, 3 bà cháu ngủ trên bộ đi văng xiêu vẹo ở phòng khách, cạnh bàn thờ ông nội, chỗ ngủ thường xuyên của chồng Hoài trong những đêm về muộn. 

- Ba Nấm à, em muốn nói chuyện này.

- Mất việc à?

- Ừm.

- Làm việc khác cũng được mà. 

- Em tính đi Hàn, anh thấy sao?

Chồng buông hẳn chiếc điện thoại, màn hình úp xuống gối, ánh sáng xanh lọt ra, in một vệt xiên xẹo lên chiếc chiếu đã sờn mép vài chỗ. Anh nhìn Hoài chăm chăm. Phải chăng người đàn ông không còn tình yêu sẽ nhìn người đàn bà như thể cô ấy bị mất trí?

- Nhà cửa, con cái ai lo?

Một nỗi tủi thân trào ra chụp lên Hoài hệt như lúc Nấm và cu Ben chơi trò lấy mền trùm lên nhau mỗi tối. Hoài nhìn thẳng vào mắt chồng. Cái nhìn tựa như cô giáo đứng trên bục giảng, chỉ thấy được đỉnh đầu đứa trẻ dưới chân mình.

- Ba Nấm và bà nội. Thực ra em biết, trên đời này không có nơi nào là tốt hẳn nhưng ở nhà bây giờ khó quá. Đi làm xa như vậy, cần kiệm, chênh lệch trị giá đồng tiền, chắc bà cháu sẽ đỡ hơn. 

Giọng Hoài nhỏ dần, nhỏ dần. Chồng Hoài vẫn im lặng. Chiếc điện thoại vùi mặt vào gối, ánh sáng xanh lè tắt ngúm tự hồi nào. Cô chỉ còn nghe tiếng xè xè của con cánh cam ngoan cố đang vùng vẫy đâu đó trong góc phòng. Tiếng khọt khẹt của chiếc quạt máy già nua rệu rã. 

- Tùy! Tiền đâu mà đi…

Hoài nghe tim mình trĩu nặng muốn khóc. Cảm giác như có ai lấy cục đá lèn sau sống lưng lại kéo đến. Trong màn đêm tĩnh mịch, oi nồng nghẹn bứ, trong thứ ánh sáng nửa hồng nửa xanh, Hoài tự nhiên nghĩ đến chùm dây muống biển với những hoa tím phớt rung rinh trong gió, thân bò đến đâu rễ mọc đến đó.
***
Cu Ben cầm cái đùi gà bằng cả 2 bàn tay múp míp, há miệng ngoạm lấy nhai nhồm nhoàm, lâu lâu thổi phù phù muỗng cháo, húp thành tiếng “rột” thật to. Nấm nhẩn nha nhai, mồ hôi như một chất keo dán chặt mớ tóc mai vào đôi má xanh xao của con bé. Hoài lặng lẽ nhìn con. Phải là mẹ của những đứa trẻ mới hiểu ngồi nhìn con ăn ngon lành cho người ta cảm giác vui thế nào. Phải là mẹ của những đứa trẻ, nhìn con cúi mặt giấu đôi dép cũ, bộ đồ sờn rách ngày tựu trường, quay đi như chưa từng thấy món đồ chơi, gói bim bim, người ta mới có cảm giác đau đớn thế nào.

Hoài nghĩ mông lung. Không biết sau này thời gian làm cho trí nhớ của con người lúc mờ lúc tỏ, Hoài có quên những tháng ngày mang thai và nuôi con của mình? Hằng đêm, lúc đặt lưng xuống giường, toàn thân rã rời, bao giờ cô cũng nhớ về quãng đó như một tín đồ ngoan đạo cầu kinh. Cô thuộc lòng từng cái quẫy đạp khác nhau của Nấm và cu Ben. Cô luôn đặt con sát mình, lắng nghe từng hơi thở. Chúng nhẹ và thoảng thứ hương thơm kỳ diệu có giá trị cứu rỗi, xoa dịu, chữa lành mạnh nhất trên đời này: mùi sữa. 

- Ăn đi con, rồi còn đi. Sao mặt mũi đỏ lựng lên vậy? Ba con Nấm giờ không thấy về, đã nói 3 giờ con nhỏ đi rồi.

Hoài múc muỗng cháo cho vào miệng. Mẹ chồng Hoài nấu ăn rất ngon. Vậy mà miếng cháo đã trôi xuống dạ dày, Hoài gần như không nghe được mùi vị gì. Cô lấy đôi đũa lật đi lật lại miếng mề gà bà ý tứ để dành cho cô, hệt mỗi dịp giỗ ông hay ngày tết. Có cái gì đó Hoài không biết cứ sôi lên trong bụng. Cô nghe như các mạch máu trong mình đồng loạt bị nung nóng lên. 

- Ăn đi con. Ăn nhiều vô. Mấy tiếng đồng hồ mới tới sân bay rồi còn đi.

- Tết mẹ con về hả nội?

- Ừm.

- Mẹ nói là mẹ sẽ mua xe điều khiển cho con, đầm hồng và giày hồng cho chị Nấm. 

Hoài nghe điện thoại rồi lập cập nhét vào chiếc túi xách rẻ tiền đựng giấy tờ tùy thân và vài thứ lặt vặt. Tiếng chị môi giới ngoài cổng như tiếng vọng từ xa xăm. Cô phải đi rồi. Choàng tay ôm mẹ chồng, cô lấy hết sức thì thầm vào tai bà, nhỏ đến nỗi chắc chỉ có bà nghe thấy “Con thương mẹ” rồi cô choàng cánh tay nặng trĩu ôm 2 con. Mùi khét nắng, mùi chua của mồ hôi xộc vào mũi, dâng lên chiếm trọn tâm trí, lấp đầy khoang tim như đang rỗng của Hoài.

- Ba về, ba về…

Chồng Hoài không kịp gạt chân chống chiếc xe máy cũ nát, chỉ gá hờ vào chiếc ghế đá sứt sẹo cạnh cây khế chua. Anh dúi vào tay Hoài cái túi ni lông màu đen. 2 bàn tay chạm nhau, hình như họ cố giữ lâu hơn một chút, như cái chạm tay nhau của những ngày đầu hẹn hò.

“Em đi đây!” - Hoài quay lưng, nghe chuỗi âm thanh xa lạ vừa buông ra không phải tiếng của mình. Hoài không dám nhìn lại. 4 người, ngôi nhà, con Mướp, cây khế, chiếc ghế đá bị thương… đã ở lại phía sau.

Trong làn khói mơ hồ nơi mắt, Hoài run rẩy mở túi ni lông màu đen. Là những đồng ngoại tệ lẻ, được buộc dây thun cẩn thận. Dưới cùng là mấy bông hoa muống biển nằm chồng lên nhau. Cánh hoa tím mỏng manh bị dập thẫm lại.

Mắt Hoài nhòe đi.

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Bất cứ ai là dân ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đều biết về sự tích “Ông Cả Cọp” ở xã Châu Bình. Đó là chuyện của một con cọp làm Hương cả của làng Châu Bình...

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất