, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 15/10/2023, 06:00

Vườn rừng - "ngồi im là công đức vô lượng"

MINH TÂM

1. Có hai người làm vườn rừng, không muốn nêu tên, kể câu chuyện từ chính họ.

Người thứ nhất, vào đời sống bằng nghề trồng cây ăn quả. Tiền ít, nên anh chỉ trồng cây ngắn ngày như chuối. Rồi gia đình gặp nạn, trắng tay. Ngay lúc khốn quẫn nhất, thì cây chuối chứ không phải phép màu nào cả, đã cứu cả nhà qua cơn thương khó. Anh đã bỏ bê, không chăm sóc nó trong mấy tháng liền, nhưng nó vẫn cho lại một nguồn thu nhập không nhỏ. Và cũng chính lúc đó, anh giật mình tự hỏi, nếu không phải cây trồng ít chăm sóc, đầu tư vốn này, mà là cây khác đòi hỏi nguồn lực tài chính lẫn thời gian để giúp nó trưởng thành, thì chắc gia đình anh sẽ suy sụp hoàn toàn. 

Mô hình vườn rừng. Ảnh: Ý Phạm.

Đất vườn của anh nằm trên một ngọn đồi khô cằn, với gần 10ha toàn đá sỏi, bạc màu, không có nước, vắng thảm thực vật. Chỉ có xoan là chịu bám rễ, và anh chỉ trồng được mỗi xoan. Vì thế, cây dại, rừng tái sinh có dịp là mọc, nếu anh không phát dọn. Có lần một suy nghĩ ập đến, là tại sao mình không để cho nó lên tự nhiên, khi đã rất khổ cực, thậm chí thất bại trong trồng cây, thế là anh ngừng chặt phá. Anh cũng không phá sạch vườn để trồng cà phê, hồ tiêu như hàng xóm, khi giá hai mặt hàng này có lúc lên cao ngất. Nó lên rồi xuống. Thiên hạ chết đứng, chặt bỏ hết. Chỉ có anh là an nhiên. Dù có trồng thêm vài ba loại cây nữa, khi thảm thực vật đã lên xanh, đồng nghĩa nguồn nước đã được giữ lại đây, thì anh cũng trồng ít cây, hạn chế tối thiểu can thiệp vào rừng. Xung quanh đồi trọc trơ trọi, chỉ vườn nhà anh là xanh lá. Bởi hàng trăm cây căm xe, kơ nia, xoan bạt ngàn khiến người ta tìm tới quả đồi xanh - cô đơn của anh để ngắm. Đó chính là của để dành của anh, nói chơi mà thật, là chỉ cần lấy củi trong rừng tự nhiên đó, là đã rủng rèng tiền.

Người thứ hai cũng tương tự, khi nắm hơn 50ha đất, cây ăn quả chết lên chết xuống vì thời tiết và giá cả bấp bênh; công sức tiền bạc không biết mấy mà kể, nhưng thu vào chẳng bao nhiêu. Anh quyết định phân loại: không thể trồng đại trà, mà xem nơi nào ít rừng tái sinh thì trồng cây ăn quả ngắn hạn; nơi có rừng tái sinh nhiều, thì để cây cỏ tự mọc; anh chỉ việc dọn dẹp những thứ không cần thiết. Từ lúc khởi đầu tư duy đó, đến hơn 10 năm sau, gia sản gỗ tự nhiên trưởng thành trong tay anh là không ít.

2. Câu hỏi có thể gây tranh cãi: Người trồng là chính hay để cây tự nhiên phát sinh, phát triển là trên hết?

Một người có kinh nghiệm và thành công trong chuyện này, chia sẻ: Xu thế số đông làm vườn rừng mong hiệu quả kinh tế sớm, ngắn hạn, tập trung vào các cây công nghiệp đang “chiếm sóng”. Họ vẫn tôn trọng tự nhiên, đầu tư rất nhiều công sức, cố gắng trồng các loại cây ít sử dụng hóa chất. Số đông này về với rừng với cảm xúc cực kỳ mạnh. Tuy nhiên, họ đối mặt với rào cản là năng lực kết nối thị trường không tốt; khả năng truyền thông hạn chế; không nắm vững kỹ thuật. Gánh nặng tài chính theo thời gian sẽ khiến họ thất bại, bỏ cuộc, hoặc loay hoay không đường thoát.

Xu thế thứ hai, là giống hai người đã kể trên. Thay vì cố gắng trồng cây công nghiệp, thì họ để tái lập rừng tự nhiên.

Đối với đất nông lâm nghiệp, nhu cầu chuyển đổi mô hình canh tác thường xảy ra ở vùng khó khăn. Hiện, ở vùng Tây Nguyên hay miền Đông Nam bộ, số người muốn mua đất trồng rừng rất đông, với diện tích rất lớn. Họ muốn thành công nhanh, nên không ngại đầu tư, mua cây tự nhiên về trồng rất nhiều. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng có khả năng hiểu biết tường tận điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, đặc trưng phân bổ loài, lường trước được nguồn lực chăm sóc, giỏi cung cách quản lý. Khoảng trống kinh nghiệm nhiều khi là nguồn cơn khiến đổ vỡ tài chính. Bỏ bạc tỷ ra mua, trồng, rồi cây chết. Họ mong muốn trồng rừng, phủ xanh nhanh, muốn có một loại cây gì đó tự nhiên mau phát triển, nhưng trả lời cho câu hỏi: “Hệ sinh thái tổng quan ở đây là gì?” thì họ bối rối. Rừng là một diễn thế tự nhiên về sinh thái, có vậy mới đa dạng về loài, và vì thế nó mới phát triển. Cho nên luận điểm bỏ 600ha rừng tự nhiên rồi trồng lại 1.800ha ở Bình Thuận, là không thuyết phục về khoa học để phát triển và giữ gìn rừng, người này nói. 

Vườn rừng của ông Hồ Văn Lượng ở Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: Phú Thiện.

Vậy, rừng quan trọng hơn vườn rừng, bởi nó là chính nó, chưa nói sẽ dẫn dụ cảm xúc về một thế giới khác. Vậy những người mang khát vọng trồng rừng, sao không để rừng phát triển tự nhiên, để cây tái sinh ngay trên mảnh đất mình? Trồng cây ăn quả ngắn hạn để giải quyết bài toán cơm áo là cực kỳ cần thiết, nhưng hãy đặt nó lên bàn cân: Vòng đời nó được bao nhiêu tuổi? Cho là 10 năm đi, vậy hết 10 năm, chỉ còn là đất trống chứ lấy đâu ra rừng? Một khi xem nó là giai đoạn trung gian nhằm lấy ngắn nuôi dài, coi nó là phương tiện chứ không phải là mục đích, thì đó mới là bước đi thông minh, bởi cây gỗ lớn, tự nhiên, tuổi thọ cao mới chính là điểm đến cuối cùng để rừng tự nhiên được sinh thành. Tất nhiên, một khi đã có nó, thì đó là tài sản lớn. Phải đặt cược cuộc chơi nếu đã xác định gắn đời mình vào đó, còn không, đừng toan tính nhiều.

Một phụ nữ đã thành công trong tái tạo vườn rừng nói: “Ngồi im là công đức vô lượng!”. Có lẽ chúng ta sẽ phải suy nghĩ nhiều về câu nói này. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Các sản phẩm OCOP chỉ có thể phát triển bền vững khi được kết nối thành sản phẩm du lịch, từ quốc nội ra quốc tế; được dẫn dắt bởi những câu chuyên văn hóa thú vị.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất