, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 26/06/2017, 11:10

''Xác căn'' ở xứ lụa Tân Châu

''Bên nàng mặc lãnh Mỹ A/Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần'' (Ca dao)

1

Mấy bà bạn của dì Bảy ở Vĩnh Ngươn thường nói rằng: ‘’Nếu, Bắc bộ nổi tiếng lụa Hà Đông,Trung bộ nức tiếng lụa Phú Phong, thì Nam bộ lừng danh lụa Tân Châu’’. Nói lụa Tân Châu, quên nhắc lãnh Mỹ A, coi như chẳng biết gì về lụa Tân Châu. Có lần, nhơn kỳ nghỉ hè, tôi về thăm dì Bảy; đêm nằm nghe tiếng nước vỗ bờ từ đầu nguồn sông Tiền hòa nhịp tiếng búa gỗ nện đều trên thân lụa, âm hao nghe sao mà lòng thương đất thương người ở chốn biên thùy! Có lần, tôi lân la hỏi ông Sáu chủ vườn cây mặc nưa:

- Sao dân mình gọi là lãnh Mỹ A, hả ông?

Ông nhướng đôi mắt, khất lại cái khăn rằn cho chặt búi tóc, rồi cười:

- Chữ A, đứng đầu hai mươi bốn chữ cái tiếng Việt, lại đẹp tuyệt; ông hỏi cháu có chi bường! Cũng có người gọi đó là thứ tơ xuyên. Lãnh Mỹ A là loại lụa bóng nhuộm đen từ trái mặc nưa trồng trên đất Tân Châu. Và cũng chỉ có đất Tân Châu mới sản sinh được trái mặc nưa nhuộm đen bóng lụa!

Tôi thắc mắc:

- Chỉ nhiêu đó, được lừng danh, sao ông?

Ông thong thả, cắt nghĩa:

- Mặc nưa xanh có nhựa, chín thì không. Chọn trái mặc nưa bự, màu xanh đem giã nhừ thành bột, lấy khăn lược và vắt ra nước màu đen, bỏ vô thùng rồi nhuộm ròng rã áng chừng một tháng, mười ngày, mới thành phẩm.

Ngoài kia sông, dòng chảy cuồn cuộn xoáy thành vịnh và rồi, nước mênh mông như biển. Tôi có cảm giác vùng lụa Tân Châu chỉ là mỏm đất có thể sụp bất cứ lúc nào vào lòng vịnh. Tự dưng tôi đâm lo, cái lo đáng lý phải thuộc về người sở tại. Điều gì khiến họ vững vàng sống trên tai họa của thiên nhiên?

Có lẽ, hiểu điều tôi đang nghĩ. Ông nói:

- Nhuộm chỉ là việc sau, việc trước cần là lựa loại tơ tằm tốt, quay, móc cửi, mắc lên khung dệt. Tổn hao bao công sức để thành lụa Mỹ A và chẳng uổng công, chính công sức đó đã làm nên danh giá một thương hiệu để đời. Khác chi, ‘’Vợ có công chồng không phụ’’ vậy mà!

Bến sông xả lụa đầy ắp tiếng cười thiếu nữ và đâu đó, tiếng ai hò nghe mát rượi trên cánh đồng cương vực phơi lụa mượt mà :’’...Hàng ngày dệt lụa trồng dâu/ Gái nào thảo bằng gái Tân Châu/ Thờ cha nuôi mẹ quản đâu nhọc nhằn’’!

*

lu
lNhuộm lụa ở lãnh Mỹ A, Tân Châu (An Giang). Ảnh: HAN.

Đất Tân Châu không đẻ nghề nuôi tằm dệt lụa, chỉ đẻ nghiệp trồng cây dâu, cây mặc nưa. Ở đây, không có chuyện ‘’sanh nghề, tử nghiệp’’ vì, nghề do Chúa Nguyễn ban tặng qua tay các cung nữ chạy giặc lúc loạn ly; nghiệp do đạo trời đất tạo thành giúp người chan hòa cuộc sống. Đạo trời đất soi rọi tâm linh bằng tín ngưỡng; cũng có nghĩa: Tín nhiệm nhân vật nào, ngưỡng mộ nhân vật đó! Tin tưởng điều gì, ngưỡng mộ điều nấy! Không hẳn là tôn giáo. Tương truyền, mùa gió nồm non năm 1783, Tây Sơn dốc toàn lực ‘’truy cùng diệt tận’’ Nguyễn Ánh. Lúc bôn tẩu tới mỏm đất cheo leo miền sông nước biên thùy, Nguyễn Ánh hỏi Lê Văn Duyệt ‘’...rằng, đây là đâu?’’. Duyệt cung kính, tâu:’’Đây là đất thuộc đạo Tân Châu, một trong ba đạo: Châu Đốc, Đông Khâu (Sa Đéc) và Tân Châu’’. Nguyễn Ánh thuận ý cho Duyệt lưu lại một số cung nữ giỏi tay nghề nuôi tằm, dệt lụa để truyền nghề cho dân; như là nghĩa cử Chúa đền ơn tri ngộ! Trước lúc chạy ra đảo Phú Quốc, Nguyễn Ánh lạy trời đất, tay bốc cục đất, tay vóc bụm nước cầu hoàng thiên phù trợ dân nơi đây trồng tốt cây dâu, cây mặc nưa...Chúa nghĩ đến dân, dân sao nỡ bỏ!

2

Có lẽ, người Tân Châu nhớ ơn xưa, của Chúa, cùng nhau lập miếu thờ(1), mà là thờ hội nên gọi Miếu Hội(?). Miếu Hội thờ bốn triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, nhưng ở án thờ lại là: ‘’Tứ vị vương’’.

Tôi hỏi ông Sáu:

- Chả lẽ, Miếu Hội thực hiện ‘’Trong Đế, ngoài Vương’’?(2).

Ông nín thinh, bởi theo lời ba của ông nói lại thì đời cố nội tới đây đã có Miếu Hội lâu rồi. Ngoài việc thờ ‘’Tứ vị vương’’, Miếu Hội còn thờ những bậc khai quốc công thần, gọi là ‘’Bát vị hầu’’(3) và kể cả, tiền hiền hậu hiền, các vị thánh thần, đức Phật...bằng tâm nguyện cầu ‘’Quốc thái, dân an’’ (4). Nhưng cái độc đáo có một không hai ở đất lụa Mỹ A là ‘’Lễ Hành xác’’ (5). Sau này, trở nên ngày hội không thể thiếu trong cộng đồng dân cư người Kinh cũng như cộng đồng những dân tộc anh em.

Tôi điếng hồn và gần như ngất xỉu khi ‘’mục sở thị’’ lễ Hành xác. Ông Sáu phụ dì Bảy dìu tôi, bởi nhiều pha hành xác quá rùng rợn, như: Tắm dầu đang sôi ùn ục, ngồi ghế đinh đầu bén ngót, rạch lưỡi, múa đại đao xuyên hàm...

Mấy hôm sau ông Sáu sang nhà dì chơi, tôi vẫn còn vật vờ chìm trong ám ảnh lễ Hành xác.

- Bóng vía yếu, lẽ ra cháu không đi dự lễ thì hơn!

Giọng ông nói có chút pha lẫn tiếng cười. Tôi cố cười gượng, như một sự cầu cạnh mong ông kể về lễ Hành xác ở xứ lãnh Mỹ A, tôi chưa hề biết.

*

Ông Sáu nói:

- Trong không gian trang nghiêm trước hương án, chủ tế cẩn trọng và thành kính quỳ hầu, khấn lạy ‘’xin keo’’ chờ Ông chuẩn thuận khai lễ, gọi là ‘’Lễ đạp đường’’. Ba hồi trống liên tục báo hiệu khai lễ. Người dự lễ nếu được Ông mượn xác để nhập, hoàn toàn rơi vào trạng thái vô thức. Bấy giờ, người đó sẽ là xác căn.

Đang nhai trầu, xỉa thuốc, nghe ông Sáu nói, dì Bảy nói theo:

- Sinh ra, rồi lớn lên trên đất tơ lụa nầy hơn năm mươi năm và cũng đã ba lần Ông mượn xác mần xác căn; tui chẳng hiểu sao mình có thể hành xác mình tới độ vậy. Và một khi Ông trả xác lại hồn thì đã quên tuốt luốt những gì mình vừa trải qua.

Chắc ông Sáu chợt nhớ ra chuyện cũ nên đôi mắt dường như vẫn còn phảng phất nét kinh ngạc.

- Ngày đó, tui lo cho thím quá. Thấy thím lơ mơ và cử chỉ rất mơ hồ, thím chẳng là thím mà là một kẻ khác. Thím thong thả đạp bãi than hồng đương nóng hừng hực bước vô miếu chầu năm Ông(6). Rồi thím thảng thốt tự tay mình đấm ngực mình nghe thùm thụp. Thím dõng dạc xưng danh và bất thần dùng thanh kiếm thọc vô miệng rạch lưỡi. Máu từ lưỡi tứa ra, thím lấy mảnh giấy gọi là ‘’bùa’’ chậm rải thấm máu mình...

Tôi nghe hoảng quá. Ông trấn an tôi bằng nụ cười hiền như nụ cười ông địa. Ông nói:

- Số giấy bùa thấm máu của dì được phân phát cho người dự lễ, hàm ý chúc phúc một năm ‘’vạn sự như ý’’!

Tôi giẫy nẩy, nói rằng: Chúc phúc cái kiểu gì thấy lạnh xương sống quá! Dì Bảy rầy:

- Con không là người xứ lụa Tân Châu nên không hiểu đó thôi! Hành xác càng dữ dội, dân sở tại càng được phúc! Xác thuộc người, căn thuộc tổ tiên hoặc thần thánh. Đau là tổ tiên, thần thánh đau chớ mắc mớ chi tới người.

3

Đâu rồi, những cành cây mặc nưa quằn trái, những hàng dâu rợp bóng quê nghèo, những dải lụa phơi treo nắng cánh đồng, những tiếng cười đùa té nước xả lụa bến sông, những tiếng dệt vải nhịp thời gian gõ đều qua khung cửi...Cũng may là người Tân Châu đã làm theo lời dạy của người xưa: ‘’Uống nước nhớ người đào giếng’’. Họ dù phải khổ đau nhưng, chẳng hề dám nghĩ tới chuyện ‘’vong ân bội nghĩa’’. Họ thờ ‘’Tứ vị vương’’, ‘’Bát vị hầu’’; họ mở lễ hội Hành xác...ngoài mục đích xua đuổi tà ma, quỷ lộng để ‘’Quốc thái dân an’’, còn có mục đích thể hiện tấm chơn tình trượng nghĩa và lòng biết ơn đối với những ai vì họ mà hành xử ‘’Đạo Trời’’ 

Cao Thị Hoàng

1) Có ý kiến cho rằng: Đội trưởng Nguyễn Văn Tài (Đội Chín Tài) thuộc đội quân thứ 9 trấn thủ vịnh Đồn, lập miếu Hội.

(2) Câu đối nơi chánh điện: ‘’Gia nghiệp Minh quân Thiệu lập Tự thừa hô vạn hải/ Long cơ Mạng chúa Trị dân Đức trạch quán thiên thu’’.

(3) Đỗ Thành Nhân, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Châu Văn Tiếp, Võ Tánh, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Thoại.

(4) Lễ Kỳ Yên vào các ngày 16, 17 tháng 6 (Âm lịch); Lễ cúng tống và cầu an năm mới vào các ngày 15, 16 tháng Giêng.

(5) Lễ hội từ ngày 13 đến ngày 16 tháng Giêng.

(6) Năm Ông: Đường Công, Bửu Công, Lãng Công, Chí Công, Hỏa Công.

 

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất