, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 10/03/2017, 15:31

Xu hướng mới: Nuôi vịt biển thích ứng biến đổi khí hậu

 

Tuy mới được triển khai, nhưng mô hình nuôi vịt biển đã được nhiều hộ dân hưởng ứng và bước đầu có hiệu quả. Đây là một trong những mô hình đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng triển khai.

Vịt biển thích nghi rất nhanh với môi trường.
Vịt biển thích nghi rất nhanh với môi trường.

Mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt chuyên trứng và kiêm dụng có kiểm soát tại các tỉnh Nam bộ” của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova. Kỹ sư Lưu Thành Long - Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Vịt biển có đặc điểm sinh học phù hợp với điều kiện của địa phương, nhất là trong điều kiện xâm nhập mặn, nên Trung tâm đã tiến hành khảo sát chọn 10 hộ có đủ điều kiện tham gia dự án tại hai xã Liêu Tú (huyện Trần Đề) và xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú). 8.000 con vịt biển đã được chuyển giao cho các hộ trên, cùng với quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường xung quanh”.

Theo kỹ sư Long, để tham gia mô hình, các hộ phải có đủ diện tích đất làm chuồng, làm vườn chăn thả gia cầm và cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được chuyển giao. Đổi lại, các hộ được hỗ trợ 100% giống, 30% thức ăn hỗn hợp theo từng giai đoạn nuôi, được tập huấn kỹ thuật, tiêm phòng bệnh trong suốt quá trình nuôi. Bà Nguyễn Thị Nguyền, ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú chia sẻ: “Đây là giống vịt mới nhưng sau một thời gian nuôi, vịt thích nghi rất nhanh với môi trường, con giống lớn nhanh, khỏe mạnh. Hiện đàn vịt phát triển tốt, chỉ mới nuôi 1 tháng mà trung bình mỗi con đã đạt 1,3kg”. Theo bà Nguyền, trước đây, gia đình bà thường xuyên nuôi vịt thịt và vịt thường để đẻ, nhưng khả năng chịu dịch bệnh rất kém, lại không thích ứng được với điều kiện thời tiết như hiện nay nên tỷ lệ hao hụt cao. Được hỗ trợ nuôi vịt biển, gia đình bà đăng ký tham gia ngay, vì theo bà, với kinh nghiệm nuôi vịt thường đã lâu, cộng với việc cán bộ khuyến nông thường xuyên theo dõi nên bà cảm thấy an tâm hơn. Bà Nguyền cho biết thêm: “Vịt biển dễ nuôi, thích nghi cao nên tôi dự định sắp tới sẽ tuyển chọn giữ lại 200 con tiếp tục nuôi lấy trứng để nhân đàn”. Cũng là hộ tham gia mô hình, ông Võ Văn Nam ở xã Mỹ Phước cho biết: “Lúc đầu, tôi thấy cũng lo, nhưng bây giờ nhìn đàn vịt lớn lên từng ngày, tôi thật sự rất hài lòng. Hiện nay toàn bộ số vịt của gia đình đều khoẻ mạnh và đang phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt rất thấp chỉ 1%. Do háo ăn và uống nhiều nước nên vịt biển tăng trọng hơn giống vịt địa phương từ 10 - 15%”.

Kết quả khảo sát ở các hộ nuôi cho thấy, phần lớn đàn vịt sinh trưởng, phát triển khá tốt, khả năng kháng chịu với dịch bệnh cao. Theo kỹ sư Lưu Thành Long, giống vịt biển này là vịt kiêm dụng, có màu cánh sẻ đậm, sinh trưởng phát triển nhanh, khả năng chống chịu dịch bệnh tốt, thích nghi được ở môi trường nước lợ, mặn. Chăn nuôi loài vịt này không cần vốn đầu tư nhiều, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên giàu dưỡng chất, khả năng tự săn mồi rất tốt. Khi trưởng thành có trọng lượng bình quân từ 2,7 - 3kg. Vịt nuôi khoảng 10 tuần có thể đạt trọng lượng 2,5kg.

Mô hình vịt thương phẩm kiêm dụng giống vịt biển.
Mô hình vịt thương phẩm kiêm dụng giống vịt biển.

Nói về kỹ thuật nuôi và cách chăm sóc vịt biển, kỹ sư Lưu Thành Long lưu ý: “Đối với chăn nuôi nông hộ cần phải nuôi nhốt và làm chuồng nuôi độc lập với nhà ở; còn đối với chăn nuôi gia trại, trang trại với quy mô vừa và lớn, xây dựng chuồng trại biệt lập với khu dân cư. Khu chăn nuôi phải có tường rào bao quanh, nên quy hoạch có vành đai an toàn, không nuôi chung giữa các loài gia súc và gia cầm. Vị trí gia trại, trang trại phải cao ráo, sạch sẽ và thoáng mát; chuồng trại phải có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác vệ sinh phòng dịch và an toàn sinh học. Nếu nuôi nhốt nên có sân chơi cho vịt (diện tích sân chơi tối thiểu phải gấp đôi diện tích chuồng nuôi), chuồng thông thoáng tự nhiên sẽ thuận lợi cho công tác vệ sinh thường xuyên và xử lý môi trường…

Với khả năng thích nghi cao, giống vịt biển sẽ giúp cho nông dân có lựa chọn tốt hơn để phát triển nghề chăn nuôi. Mô hình này mở ra triển vọng cho nông hộ trong việc đa dạng hóa loại vật nuôi, phù hợp với biến đổi khí hậu như hiện nay.

Tuyết Xuân

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất