, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 04/08/2023, 13:59

Cần định vị các ngành học nông nghiệp ở góc độ đa giá trị, tích hợp

KIM NHÃ
Đây là nhận xét của ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tại “Hội nghị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, được Bộ NN&PTNT tổ chức vào sáng ngày 4/8 tại TP.HCM.
Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, những nội dung chưa làm tốt để đưa ra những giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành NN&PTNT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện các Sở - ban - ngành liên quan, đại diện cơ sở đào tạo đại học thuộc Bộ NN&PTNT và ngoài Bộ, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Minh Hoan cho biết hiện trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp có xu thế giảm dần là sự trăn trở của các viện, trường và các công ty. Tuy nhiên bất cứ quốc gia nào từ nông nghiệp đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và sắp tới là thời đại của trí tuệ nhân tạo, cũng sẽ có nhiều ngành nghề hấp dẫn khác ngành nông nghiệp được mở ra, đây là xu thế tất yếu. “Chúng ta không thể cố gắng chống lại xu thế này mà phải làm sao thích ứng và tìm ra phương hướng phát triển” - ông Lê Minh Hoan nói.

Ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị.

Ông Hoan cho rằng giáo dục không phải thương mại nhưng vẫn phải đi theo quy luật cung cầu, kinh tế thị trường, từ đó các ngành đào tạo cũng phải theo xu thế mới. Các viện, trường cần có tư duy tích hợp giữa nông nghiệp và kinh tế, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, tái sinh; tích hợp giữa nông nghiệp và lâm nghiệp; nông nghiệp và du lịch… tích hợp các môn học thành chuỗi giá trị ngành hàng chứ không chỉ có kiến thức chuyên môn, để công tác đào tạo phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp. Như vậy không gian đào tạo của các trường không bị hẹp đi và cơ hội kiếm được việc làm sau đào tạo của sinh viên sẽ tăng lên.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết qua khảo sát của Cục, nguồn lao động có trình độ, được đào tạo chuyên môn còn hạn chế về kỹ năng, chậm tiếp cận, thiếu sáng tạo, thiếu kinh nghiệm thực tế… Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực nông nghiệp trong thời gian tới, cần điều chỉnh các chương trình đào tạo phù hợp điều kiện thực tế hiện nay; đặc biệt, phải có sự liên kết giữa các doanh nghiệp với các đơn vị đào tạo.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng cần có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, diễn giả đã lần lượt trình bày các tham luận xoay quanh chủ đề thực trạng, mục tiêu, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực NN&PTNT của các tỉnh phía Nam; thực trạng hợp tác đào tạo giữa các viện trường và doanh nghiệp, hiệp hội…

Ông Trần Đình Lý – Phó hiệu trưởng trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM trong bài phát biểu của mình đã gửi lời cảm ơn tới sự đóng góp của các doanh nghiệp đối với công tác đào tạo của trường Đại học Nông Lâm TP.HCM nói riêng và của các trường đang đào tạo những ngành nghề trong lĩnh vực NN&PTNT nói chung. Ông cho rằng đó là sự hỗ trợ và động lực rất to lớn để tiếp sức cho nhà trường và các em học sinh trên chặng đường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành.

Ông Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM phát biểu tại Hội nghị.

Theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong vùng đã đạt được những kết quả quan trọng. Nếu như năm 2011, vùng ĐBSCL chỉ có 13 cơ sở giáo dục Đại học thì đến năm 2020 đã tăng lên 21 cơ sở giáo dục Đại học với quy mô đào tạo gần 150.000 sinh viên. Vùng Đông Nam bộ có quy mô đào tạo 516.797 sinh viên với tỉ lệ 30,2% và đứng thứ hai của cả nước.

Trong số các trường ĐH đóng trên địa bàn hai vùng, có nhiều trường đào tạo về nông, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, bao gồm: ĐH Cần Thơ, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Văn Hiến, ĐH An Giang, ĐH Kiên Giang, ĐH Đồng Tháp, Phân hiệu Trường ĐH Lâm nghiệp, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi…với các chuyên ngành: Bảo vệ thực vật, chăn nuôi, lâm học, lâm nghiệp đô thị, nông học, nuôi trồng thủy sản, công nghệ chế biến thuỷ sản, bệnh học thuỷ sản, quản lý tài nguyên rừng, công nghệ chế biến lâm sản, thú y, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp; công nghệ sinh học nông nghiệp...

Tuy vậy, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước những khó khăn, thách thức, cụ thể là lao động lĩnh vực nông - lâm - thủy sản có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2011 - 2020, lao động lĩnh vực nông - lâm - thủy sản của vùng Đông Nam bộ giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 còn 778.000 năm 2020, mỗi năm giảm trung bình 46,7 ngàn người/năm (tốc độ giảm bình quân 3,75% mỗi năm).

Ở vùng ĐBSCL, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên vùng ĐBSCL đã giảm từ 10,2 triệu người xuống 9,36 triệu người (mức giảm 7,2% tương ứng với 729.4 ngàn người). Nguyên nhân cho sự sụt giảm này là do lao động đã di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các vùng khác.

Chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn thấp, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên chỉ là 7,4% đối với vùng Đông Nam bộ và 2,21% đối với vùng ĐBSCL. 

Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo. Trong đào tạo đã chứng kiến sự suy giảm ở các ngành nông nghiệp truyền thống ở hầu hết các trình độ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Việc cây mít nhà tôi suýt chết vì cây tầm gửi tưởng là chuyện vặt, nhưng rồi ngẫm kỹ, cảm thấy cần… lên tiếng cảnh báo với thiên hạ.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất