, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 05/11/2021, 14:25

Công nghiệp hóa lĩnh vực âm nhạc: Ra biển lớn phải hiểu luật chơi

AN ĐỊNH
(hanoimoi.com.vn)
Âm nhạc là lĩnh vực kinh doanh “hái ra tiền”, có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, sự bùng nổ của thị trường nhạc số đang mang đến cho các nghệ sĩ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cơ hội rộng mở hơn bao giờ hết. Nhưng, đi cùng với tiềm năng là những vấn đề nan giải, trong đó, nhận thức về vấn đề bản quyền là rào cản lớn.
Bản ghi "Giấc mơ trưa" do nghệ sĩ Dương Thùy Anh thể hiện trên YouTube đã được YouTube ghi nhận cho BH Media (được chủ sở hữu ủy quyền) và ba tổ chức bảo vệ bản quyền, trong đó có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - nơi được nhạc sĩ Giáng Son ủy quyền.

Rích rắc những “hiểu lầm”

Cuối tháng 9, nhạc sĩ Giáng Son đăng tải ca khúc “Giấc mơ trưa” do Khánh Linh thể hiện trên kênh YouTube. Đây là sản phẩm nằm trong album được phát hành từ năm 2007, do chính Giáng Son sáng tác, phối khí và ghi âm. Tuy nhiên, ngay sau đó, kênh của Giáng Son nhận được thông báo của YouTube về bản quyền liên quan đến video này. Theo đó, video do Giáng Son đăng lên có chứa một đoạn âm thanh tương tự sản phẩm “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh, thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ truyền thông BIHACO (BH Media) và Hồ Gươm Audio. Điều này khiến nhạc sĩ bức xúc và thông tin tới một số báo rằng chị bị YouTube “đánh gậy bản quyền”. Giáng Son khẳng định không ký độc quyền tác phẩm này cho bất cứ ai hay tổ chức nào.

Phản hồi về vụ việc, BH Media cho rằng đó chỉ là sự “hiểu lầm”. Theo BH Media, khi phát hiện bản ghi “Giấc mơ trưa” của Giáng Son mới được tải lên hơi giống với bản ghi “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ Dương Thùy Anh (do BH Media ký hợp đồng với Hồ Gươm Audio để phát trên nền tảng số) đã đưa lên trước đó, YouTube đã so sánh, đối chiếu và tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son. Đây là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube. Thông báo đó nhằm để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau và thông báo đó không làm ảnh hưởng đến quyền đăng tải bản ghi của Giáng Son. Chỉ cần Giáng Son phản hồi là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ xác minh lại và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video. Do đó, việc Giáng Son dùng từ “đánh gậy bản quyền” với trường hợp của chị là chưa chính xác. “Gậy bản quyền” là mức cảnh cáo dành cho những cá nhân có dấu hiệu vi phạm bản quyền. 

Cũng theo BH Media: Bản ghi "Giấc mơ trưa" do nghệ sĩ Dương Thùy Anh thể hiện trên YouTube có dòng chữ “Licensed to YouTube”, tức là: Cấp cho YouTube bởi BH Media (được chủ sở hữu ủy quyền) và ba tổ chức bảo vệ bản quyền (trong đó có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam). Ghi nhận này rất quan trọng, vì YouTube sẽ trả tiền tác quyền cho Giáng Son về Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nơi Giáng Son ủy quyền.

Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Giáng Son, trước đây nghệ sĩ Dương Thùy Anh có xin bản phối “Giấc mơ trưa” từ người phối khí của chị để biểu diễn chứ không có thỏa thuận trực tiếp với nhạc sĩ về bản quyền của ca khúc này, do vậy, việc Dương Thùy Anh cho phép đơn vị khác khai thác bản quyền là sai. Còn nghệ sĩ Dương Thùy Anh cho hay, chị chỉ thỏa thuận với Hồ Gươm Audio phát hành CD và không biết rằng tác phẩm của mình đã bị bán cho bên thứ 3 để thu tiền trên nền tảng số.

Có thể nói, chính sự mơ hồ, không có thỏa thuận kỹ lưỡng về tác quyền giữa nghệ sĩ biểu diễn với nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn với đơn vị sản xuất, phát hành và các đối tác là khởi nguồn dẫn tới vụ việc này. Thực tế, những vụ việc tương tự là khá nhiều bởi quan điểm của nhiều nghệ sĩ trước đây về bản quyền khá đơn giản, dẫn đến những rắc rối sau này khi khai thác trên các nền tảng xuyên biên giới.

Nhiều vướng mắc trên môi trường số

Mặc dù vụ việc đang tiếp tục được làm rõ nhưng nó cũng cho thấy việc nhận thức và thực thi bản quyền trên môi trường số ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Theo Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu; Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có một số hiểu lầm liên quan tới 2 quyền này.

Đại diện BH Media cho biết: Tại Việt Nam, có rất nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác về hai loại quyền nói trên. Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình. Ví dụ, một nhạc sĩ chuyên sáng tác các ca khúc cho các show truyền hình của VTV, HTV nhưng không có nghĩa nhạc sĩ được quyền đăng tải các chương trình này lên kênh YouTube của nhạc sĩ, bởi VTV, HTV mới là chủ sở hữu thực sự. Một ví dụ khác, khi nhạc sĩ làm một video để đăng lên YouTube sử dụng bản ghi âm của chủ sở hữu khác mà không xin phép, YouTube gửi thông báo tới nhạc sĩ ngay.

Trên thế giới cũng có nhiều nghệ sĩ gặp rắc rối về bản quyền với chính ca khúc của mình. Năm 2019, nữ ca sĩ Taylor Swift đã viết tâm thư cầu cứu vì không được hát ca khúc của chính mình. Được biết, năm 15 tuổi, khi chưa nổi tiếng, Taylor Swift đã ký hợp đồng với hãng đĩa Big Machine Label Group. Hãng này sở hữu toàn bộ thu âm gốc các ca khúc thuộc 6 album, từ Taylor Swift (năm 2006) đến Reputation (năm 2017). Ca sĩ vẫn giữ quyền sở hữu trí tuệ các bài hát và được biểu diễn trực tiếp chúng tại các liveshow hay trên truyền hình. Tuy nhiên, cô không được sử dụng các bản thu hoặc các ấn phẩm (CD, nhạc số) làm từ các bản thu mà Big Machine Label Group nắm bản quyền. Theo Luật bản quyền Mỹ, cô phải đợi 35 năm (tính từ ngày ký hợp đồng) để chấm dứt việc nhượng bản quyền với hãng đĩa và đòi lại các bản thu của mình. Trước Taylor Swift, The Beatles, Prince cũng đã tốn thời gian và tiền bạc để đòi quyền sở hữu bản thu âm ca khúc của họ từ các hãng đĩa.

Một số nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới cũng gặp vướng mắc bản quyền với chính tác phẩm của mình.

Hiểu luật trước khi vươn ra biển lớn

Theo công bố của Liên đoàn Công nghiệp thu âm quốc tế (IFPI) hồi tháng 3-2021, tổng doanh thu âm nhạc toàn cầu đã đạt mốc 21,6 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, các nền tảng stream nhạc online lớn như Spotify hay Apple Music đã đóng góp đến 62,1% tổng doanh thu, khoảng 13,4 tỷ USD. Hiện tại, đã có hơn 443 triệu người dùng trên thế giới đang chi trả để đăng ký các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Chỉ trong năm 2020, đã có hơn 10 triệu người đăng ký tài khoản mới để sử dụng các nền tảng này. Sự tăng trưởng doanh thu ở mảng trực tuyến đã bù đắp cho sự sụt giảm đồng loạt của các loại hình thưởng thức âm nhạc khác. Trong đó, doanh thu từ việc bán các định dạng vật lý đã giảm 4,7%. Đồng thời, lợi nhuận thu được từ các sự kiện biểu diễn trực tiếp cũng mất 10,1%, phần lớn là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Nền âm nhạc Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới khi nhạc số dần chiếm thế “thượng phong”. Tuy nhiên, khi vươn ra sân chơi nhạc số, không ít nghệ sĩ gặp phải vướng mắc về bản quyền do chưa hiểu thủ tục, quy định của YouTube. Thậm chí họ còn bị chính các tổ chức bảo vệ tác giả và quyền liên quan trong nước gây khó dễ. Nghệ sĩ Nguyễn Đức Lương (chủ hệ thống kênh YouTube MEE Media) cho hay: “Từ ngày học và làm YouTube, tôi và anh em trong ngành gặp rất nhiều vấn đề về bản quyền. Ngày trước bị các bên khác up lại nhạc của tôi và kiếm tiền trên kênh của họ nhưng tôi không làm gì được. Trước kia nhiều lần tôi đã xin phép ca sĩ, nhạc sĩ để làm tác phẩm phát sinh nhưng vẫn bị “đánh gậy bản quyền”. Thậm chí, tôi làm một bài hát nhưng lại bị một network khác xác nhận thành một bài hát của chủ sở hữu khác. Tôi có liên hệ và đưa ra hợp đồng nhưng cũng không được giải quyết”. Sau đó, nghệ sĩ này đã phải nhờ đến đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để xử lý các vấn đề liên quan.

Tiềm năng phát triển của công nghiệp âm nhạc nước nhà, đặc biệt là nhạc số là rất lớn. Tuy nhiên, để có thể phát triển mạnh mẽ xứng với tiềm năng thì việc thực thi bản quyền là đòi hỏi quan trọng, bởi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất