Hạn mặn, sụt lún, sạt lở đất đang hoành hành và khi cảnh báo cấp độ 2 về thiên tai vang lên, thì có lẽ người ta chỉ chú tâm con số 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán, treo lơ lửng, mà ít để ý rằng Cà Mau có hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn, sinh kế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và phần lớn diện tích của tỉnh thuộc vùng đất ngập nước ven biển, mà trong đó con cua là một trong hai sản phẩm thủy sản chủ lực mang lại nguồn thu cho bà con, tạo nên danh tiếng Cua Cà Mau ngon nhất nước.
Nghề nuôi cua ở Cà Mau chỉ mới bắt đầu được người dân chú ý nuôi từ năm 2010, khi diện tích cây lúa bị thu hẹp lại do hiện tượng xâm nhập mặn, nước lợ đã mở ra môi trường cho tôm, cua phát triển. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, năm 2010, diện tích nuôi cua chỉ vài nghìn héc-ta, thì tới nay đã mở rộng ra trên 250.000ha, biến Cà Mau trở thành khu vực có diện tích nuôi cua lớn nhất cả nước. Trong đó, diện tích nuôi cua kết hợp với tôm trong vùng rừng được chứng nhận sinh thái, hữu cơ và các chứng nhận khác gần 20.000ha (có 9 loại chứng nhận), sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn. Phần lớn diện tích còn lại là nuôi theo hình thức tự nhiên, theo hướng sinh thái.
Trên địa bàn tỉnh, hiện có khoảng trên 520 trại sản xuất luân phiên giống tôm sú và cua; có 7 tổ hợp tác và hợp tác xã ương giống, 300 cơ sở ương nhỏ lẻ. Giá cua loại 1 có thời điểm lên tới một triệu đồng/kg. Với địa hình kênh rạch nhiều, có nhiều nhánh sông rạch đổ ra biển, thủy triều lên xuống mỗi ngày 2 lần khiến vùng nước ở lưu vực này có độ mặn cao, sạch, thức ăn vùng đệm nhiều thuận lợi cho cua phát triển mạnh. Đó là lý do vì sao con cua ở Cà Mau thường được nuôi thả tự nhiên và có thịt ngon, ngọt hơn những nơi khác.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, ngành cua có giá trị kinh tế ước đạt trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Cua và tôm, là 2 loài động vật giáp xác có giá trị kinh tế hàng đầu của tỉnh, nên được đặc biệt chú trọng để đầu tư phát triển. Việc xây dựng thương hiệu cũng được ưu tiên thực hiện, tiêu biểu là cuối năm 2022, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức Ngày hội cua Cà Mau để giới thiệu quảng bá sản phẩm. Những con cua đạt giải có trọng lượng và chất lượng không thua gì so với cua King Crab của Mỹ hay của Canada
Tuy có nhiều điều kiện phát triển, nhưng cua cũng giống như các loại thủy hải sản nuôi ở vùng ven biển, cũng thường xuyên phải đối mặt với dịch bệnh, khô hạn kéo dài, làm giảm chất lượng nước và môi trường sống tự nhiên. Đã có nhiều đợt dịch bệnh lớn xảy ra trong quá khứ, và hiện nay, khi đối diện với tình trạng hạn mặn cao điểm, khốc liệt tháng 3, tháng 4, tình trạng cua chết hàng loạt trên diện tích lớn ở Cà Mau tiếp tục tiếp diễn gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi cua.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết, cua chết với diện tích hơn 2.020ha, mức độ thiệt hại tại các huyện như Đầm Dơi từ 5 - 30%, Năm Căn 25 - 40%, Ngọc Hiển 30 - 70% và Trần Văn Thời từ 30 - 80%. Nhiều hồ nuôi, cua chết có biểu hiện thân bị đóng rong, mang bị đen nhợt đến đen sậm, các tơ và áo mang có màu đen, vỏ bị bám đen… Tình hình căng đến mức Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau đã cử người đến Đại học Arizona, Mỹ phối hợp cùng các chuyên gia thực hiện phân tích mẫu cua chết tại Cà Mau để tìm tác nhân gây bệnh. Kết quả ra sao, còn phải chờ.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu cũng thực hiện các đề tài “Nghiên cứu, xác định nguyên nhân gây chết cua biển (Scylla sp.) và đề xuất giải pháp phòng trị bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau”. Trường đại học Quốc Tế - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng đang nghiên cứu đề tài “Đánh giá đa dạng di truyền làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát triển bền vững nguồn gen cua biển Cà Mau”.
Theo Phân Viện nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu, tình trạng cua chết nhiều vẫn là do tình trạng ký sinh trùng giáp xác chân tơ trong xoang thân cua. Việc này ngày càng lan rộng do điều kiện môi trường nuôi tự nhiên bị tác động tiêu cực bởi biến đổi khí hậu. Những hồ nuôi cua hiện không đủ điều kiện để tiếp tục thả nuôi do mực nước gần cạn kiệt.
Giải bài toán hạn mặn ở Cà Mau, đâu chỉ cứu người, bởi nó liên quan đến cả đời sống của cây trồng, vật nuôi trong đó có con cua. Chuyện sống còn của nó đến đâu, cũng chính là chỉ dấu từ nỗ lực của con người thích ứng với biến đổi khí hậu đến đó.
Tại hội nghị tham vấn về đề xuất Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia tổ chức tại Cần Thơ ngày 23/4 mới đây. TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ bày tỏ sự lo ngại khi kênh đào này đưa vào hoạt động, nếu phía Campuchia lấy nước cho toàn bộ hoạt động canh tác và các mục đích khác, sẽ khiến nước trên sông Tiền và sông Hậu (hai phân lưu của sông Mê Kông) về đến Đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm khoảng 50% vào cao điểm mùa khô. Điều này sẽ gây tình trạng thiếu nước trở nên trầm trọng hơn ở khu vực ĐBSCL vào mùa khô hạn. Dự báo mực nước suy giảm và mặn sẽ xâm nhập sâu hơn, có thể gây ảnh hưởng hơn nửa diện tích canh tác vùng châu thổ Cửu Long trong tương lai.
Campuchia đã có kế hoạch khởi công trong năm nay, dự kiến trong 4 năm tới sẽ hoàn thành dự án kênh đào nói trên với tổng mức đầu tư khoảng trên 1,7 tỷ USD. Nếu Việt Nam không có kế hoạch để đối phó với trình trạng này thì mất an ninh nguồn nước nghiêm trọng là điều có thể nhận thấy trước.
Theo TS Lê Anh Tuấn, thiếu hụt nước ngọt ở ĐBSCL sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều dự án ứng phó biến đổi khí hậu và dự án xóa đói giảm nghèo đã và đang triển khai. Một bộ phận người dân đã thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo và có thể gia tăng lượng di cư khỏi ĐBSCL.