, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 17/03/2022, 06:40

Để chống tham nhũng hiệu quả

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Gần 80 ngàn tỷ đồng là tài sản tham nhũng được thu  hồi trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Đây là số tiền rất lớn. Để dễ cảm nhận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã so sánh, tiền Quốc hội mới quyết cho hai đoạn đường của dự án cao tốc Bắc - Nam cũng chỉ là 79 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, như lời của Viện trưởng Lê Minh Trí, “Bát nước đổ đi, khi hốt lại không bao giờ đầy được nữa”, tài sản bị tham nhũng cũng khó lòng mà thu hồi hết được. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng khuôn khổ thể chế sao cho các quan chức có muốn cũng không thể tham nhũng được.

Phòng, chống tham nhũng là thúc đẩy các chính sách trên 3 mặt trận: 1. Các giải pháp, chính sách để không dám tham nhũng; 2. Các giải pháp, chính sách để không ai cần tham nhũng; 3. Các giải pháp, chính sách để không ai có thể tham nhũng.

Với 7.463 vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp và 14.540 bị cáo bị đưa ra xét xử, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang đặt trọng tâm vào mặt trận thứ nhất: trừng phạt để không ai dám tham nhũng. Các bản án nghiêm khắc, các vùng cấm bị xóa bỏ đã tăng cường tính răn đe của pháp luật. Thành tựu phòng chống tham nhũng trên mặt trận này là rất rõ ràng.

Những cải cách để các quan chức không cần tham nhũng cũng đã được triển khai. Tiền lương cho cán bộ, công chức đã được cải cách khá nhiều lần, nhờ đó thu nhập của họ cũng đã được cải thiện một bước. Vấn đề là một bước này đã đủ hay chưa, thì chắc là chưa. Thành tựu trên mặt trận bảo đảm điều kiện để các quan chức không cần tham nhũng có vẻ khiêm tốn hơn so trên mặt trận trừng phạt để các quan chức không dám tham nhũng. Chính vì vậy, tiếp tục cải cách để bảo đảm một chế độ tiền lương thỏa đáng cho các quan chức phải được coi là một phần của những cố gắng phòng chống tham nhũng nói chung. Khi lương thưởng đưa lại thu nhập nhiều hơn là chức tước, thì chuyện không cần tham nhũng mới có thể dễ xảy ra.

Quan trọng nhất vẫn phải là tiến hành những cải cách trên mặt trận thứ 3: đề ra và triển khai các giải pháp để có muốn cũng không thể tham nhũng. Vừa qua, kê khai tài sản là một giải pháp như vậy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kê khai mà không công khai thì tác dụng khá hạn chế. Việc che giấu tài sản khó lòng bị phát hiện. Vai trò giám sát của nhân dân khó được phát huy. Giải pháp được đề ra tiếp theo là công khai bản kê khai tài sản. Nghị định số 130/2020/NĐ-CP nêu rõ, bản kê khai tài sản phải được niêm yết công khai trong thời gian 15 ngày. 

Tuy nhiên, một vấn đề khác lại phát sinh: tài sản của các quan chức tham nhũng, nhưng lại nhờ người khác đứng tên, thì kê khai, công khai cũng ít có ý nghĩa. Nếu “những người hơn hai mươi mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên tài sản cả trăm, ngàn tỷ đồng” thay thế, thì các quan chức vẫn hoàn toàn có thể kê khai rằng mình ở nhà công vụ. Để bịt lỗ hổng này, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí đã đề xuất là phải ban hành Luật Đăng ký tài sản. Tài sản thì phải đăng ký. Muốn đăng ký thì phải chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản. Lỗ hổng thể chế giúp cho việc đứng tên chủ tài sản thay cho người khác sẽ bị bịt lại.

Đây có vẻ là một sáng kiến lập pháp đáng được xem xét. Vấn đề là phải đề ra được giải pháp lập pháp đơn giản, khả thi và hiệu quả. Và quan trọng hơn là phải bảo đảm việc thi hành trên thực tế. Mỗi đạo luật chỉ tốt tương đương với mức nó được thi hành như thế nào trong cuộc sống. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất