, //, :: GTM+7

Dế mèn… triệu đô và hành trình từ vỉa hè đến top 3 thế giới

TUẤN ANH

Từ một giao kèo… ngẫu hứng

Réc réc

Réc réc

Tiếng kêu của hàng triệu con dế khiến cho chúng tôi tưởng mình đi lạc vào một khu rừng rậm nào đó là… đất thiêng của loài này.

Mô hình nuôi dế của Công ty Cricket One.

Nhưng không, quanh chúng tôi chỉ là hàng trăm chiếc thùng nhựa được xếp lớp như nhà cao tầng, kéo hàng dãy dài trong một khuôn viên rộng hơn 1.000m2. Đây là 1 trong 4 trại nuôi dế lớn của Công ty Cricket One. Cùng với hơn 30 cơ sở nuôi nhỏ khác đặt tại Lộc Ninh (Bình Phước), mỗi năm Cricket One thu hoạch hơn 600 tấn dế tươi để chế biến ra 160 tấn dế khô thành phẩm xuất khẩu đi Châu Âu, Nhật Bản, Singapore… giúp Cricket One trở thành nhà phân phối nguyên liệu từ dế lớn nhất Châu Á và Top 3 của thế giới.

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng trại nuôi dế này, anh Đặng Cao Nam - CEO của Cricket One không khỏi tự hào khi là công ty khởi nghiệp FoodTech (công nghệ chế biến thực phẩm) Việt Nam có thể đứng ngang hàng với nhiều nhà cung cấp dế nguyên liệu lâu đời của thế giới, dù mới chỉ tham gia thị trường này từ năm 2016. Anh và nhà đồng sáng lập Cricket One - chị Nguyễn Hồng Ngọc Bích mặc dù có “tham vọng lớn” cũng không nghĩ rằng, chỉ trong vòng chừng ấy năm, từ những cơ sở nuôi dế nhỏ lẻ được làm từ vài thùng container cũ trên bãi đất hoang, lại phát triển nhanh đến như vậy.

Quang cảnh trong trại nuôi dế.

Nhớ lại những ngày đầu, chị Ngọc Bích cười lớn khi chia sẻ với chúng tôi, rằng, cái “nghiệp lớn” bây giờ lại đến từ ý tưởng trong một cuộc nhậu nhỏ ở vỉa hè - nơi mà họ được thưởng thức món dế chiên nước mắm dân dã. Những thảo luận xung quanh món ăn này đã đưa họ đến một giao kèo: nếu sau một tuần, 2 người vẫn còn hứng thú đến việc khởi nghiệp từ con dế thì họ sẽ tiếp tục.

Cũng nhờ vậy mà sau này còn có chuyện để kể, họ làm một tài khoản chung và đã đổ vào hàng triệu USD để xây dựng và đưa Cricket One phát triển như ngày hôm nay.

Có nhiều thăng trầm không thể kể hết, để chú dế bước ra từ trang sách “Dế mèn phiêu lưu kí” của nhà văn Tô Hoài, trở mình trong đời thực để sống một cuộc đời “rực rỡ” khác. Bởi, rõ ràng để đưa loài dế với tập tính sinh hoạt trong môi trường tự nhiên sang môi trường nhân tạo là không dễ.

Làm thế nào để một loài quen ở môi trường hang hốc, bụi rậm, sinh hoạt về đêm như dế có thể thích nghi với việc nuôi trong nhà, với thùng nhựa?

Không chia sẻ quá nhiều về kỹ thuật, nhưng CEO Đặng Cao Nam cho chúng tôi thấy rằng, chỉ trong một cái thùng nhựa để nuôi dế, Cricket One đã ứng dụng 3 sáng kiến độc quyền để quản lý nhiệt độ, độ ẩm và cung cấp nước tự động cho dế. Nhiều nhà nuôi dế trên thế giới cũng chưa ứng dụng các công nghệ này, đặc biệt là kỹ thuật vải thẩm thấu cung cấp nước uống tự động chống ẩm mốc ở môi trường nuôi. Điều này giúp giảm thời gian sinh trưởng của dế từ nhiều tháng xuống còn hơn 40 ngày và tăng tỷ lệ sống của dế đến hơn 95%.

CEO Đặng Cao Nam (giữa) theo dõi bộ phận làm hàng.

CEO Đặng Cao Nam đùa rằng, dế đã hi sinh thân xác của mình để trở thành nguyên liệu độc đáo mới trong ngành thực phẩm F&B với hàm lượng dinh dưỡng cao và nguồn cung không giới hạn.

“So với nuôi bò để cùng lấy 1kg thịt, thì nuôi dế tiết kiệm hơn rất nhiều lần” - CEO Đặng Cao Nam khẳng định - “dế được nuôi ở đây là giống dế nhà có tỉ lệ đạm lên đến 64% trọng lượng cơ thể. Giá trị dinh dưỡng mà nó cung cấp rất cao với hỗn hợp đạm, kẽm (gấp 3 lần hàu), sắt, kali, magie, chất xơ, các loại vitamin…”.

Việc nuôi dế cũng tiết kiệm rất nhiều. Lượng thức ăn chăn nuôi ít hơn nuôi bò 10 lần. Thời gian nuôi ít hơn 100 lần. Diện tích đất sử dụng ít hơn 100 lần. Lượng nước cần ít hơn 2.000 lần và bên cạnh đó, lượng khí thải nhà kính ít hơn 100 lần. Sục tay vào thùng đựng phân dế, anh Nam bốc một nắm lên và xoa nó trong lòng bàn tay. Phân dế không hề ẩm ướt như tôi lầm tưởng, mà giống những hạt cát khô ráo, rời, mịn. Phân này hóa ra được các nhà vườn thu mua để làm phân bón cho cây cảnh.

Thực tế là không có bất kỳ bộ phận nào của con dế bị bỏ đi, khi bột dế được làm thanh năng lượng dùng cho các vận động viên thể thao, làm thịt tái cấu trúc, thức ăn chăn nuôi…

Đến đàng hoàng bước vào ngành F&B

Nếu như trước đây, nguyên liệu dế được xuất 100% đi các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Singapore… để làm thanh năng lượng, protein cho các vận động viên chạy bộ, đạp xe đường trường… thì nay, Cricket One đã chú trọng đến việc sử dụng dế để chế biến các loại thực phẩm làm thức ăn hàng ngày, đặc biệt là làm bánh snack và bánh phồng với thương hiệu REC REC – một sản phẩm hợp tác giữa Cricket One với Công ty FoodMap.

Chị Nguyễn Hồng Ngọc Bích giới thiệu về sản phẩm bánh phồng từ dế mới.

Thành lập từ tháng 12/2018, FoodMap là một startup công nghệ tập trung vào nông nghiệp duy nhất tại Việt Nam hoạt động theo mô hình “hai bên, một chuỗi, một nền tảng” cho phép các nhà sản xuất thực phẩm số hóa và mở rộng phạm vi tiếp cận trực tiếp, cũng như mang lại trải nghiệm mua sắm nông sản chất lượng an toàn đến người tiêu dùng cuối cùng. Với hơn 300 nhà cung cấp và 2.000 mặt hàng nông sản trong nước cũng như nhập khẩu, FoodMap.asia hiện là sàn thương mại điện tử chuyên ngành nông sản lớn nhất Việt Nam.

Ra mắt lần đầu tiên vào tháng 3/2023, REC REC đã nhanh chóng được biết đến không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở nước ngoài. Gần như ngay lập tức, REC REC tham gia gọi vốn thành công tại Shark Tank Việt Nam mùa 6 với 100.000 USD vốn đầu tư từ Shark Erik.

Tiếp đó, họ gọi vốn cộng đồng thành công trên nền tảng Indiegogo của Mỹ, với tổng số tiền kêu gọi 10.000 USD Singapore trong 3 ngày tại 5 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Singapore, Úc và Đài Loan cho sản phẩm Snack Dế Sấy REC REC với 3 vị: Wasabi, Trứng Muối và Phô Mai.

Chị Nguyễn Hồng Ngọc Bích tự hào đây là thương hiệu snack đầu tiên trên thế giới sử dụng nguyên liệu mới từ côn trùng, không đi từ nguyên liệu nền là tinh bột như khoai tây, bắp và gạo như snack truyền thống.

Vừa cười vừa đẩy về phía chúng tôi dĩa snack làm từ dế nguyên con, theo đúng nghĩa đen của từ này, chị không khỏi thích thú khi mời chúng tôi thử. Chị chia sẻ cách làm “rất thủ công” là sấy khô dế, không nghiền thành bột như những loại bánh snack khác. Hình thức này thoạt tiên gây sự tò mò, và là thử thách khi ăn có lẽ không chỉ với chúng tôi mà còn đối với nhiều người.

Để phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau, REC REC còn cho ra đời các snack và bánh phồng làm từ bột dế. Tôi đồ rằng, có lẽ sự mới lạ đó đã góp phần giúp REC REC gia nhập một cách nhanh chóng vào thị trường snack toàn cầu đầy tiềm năng (riêng thị phần này ước đạt khoảng 9 tỷ USD).

Bánh phồng làm từ bột dế.

REC REC vừa qua đã ký kết thỏa thuận hợp tác để phân phối sản phẩm cho thị trường Singapore, và thời gian tới là Trung Quốc, Nhật Bản…

Phạm Ngọc Anh Tùng – Nhà sáng lập FoodMap, đối tác phát triển thương hiệu và thị trường của Cricket One với sản phẩm REC REC cho biết, qua giai đoạn nghiên cứu, 2 bên đã có kế hoạch đưa sản phẩm ra thị trường một cách rộng rãi hơn.

Các sản phẩm này đã được giới thiệu trên các sản thương mại điện tử FoodMap.asia, Lazada, Shopee… cũng như qua hệ thống bán lẻ Farmers Market để tiêu thụ trong nước.

Việc hướng đến các thị trường nước ngoài chỉ là vấn đề thời gian, vì Snack Dế Sấy REC REC được sản xuất với dây chuyền chế biến đạt tiêu chuẩn FSSC 22000 - một trong những tiêu chuẩn kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe được xem là “giấy thông hành” vào các chuỗi siêu thị lớn ở Mỹ và Châu Âu. Cricket One hiện là đơn vị duy nhất ngoài khối Châu Âu và là đơn vị thứ 2 trên thế giới được cấp chứng nhận thực phẩm từ nguyên liệu mới.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.


Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất