, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 20/04/2022, 21:35

Gắn khai thác, phát triển với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản

MỸ THANH
(baocantho.com.vn)
Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong nước và thế giới tăng cao. Do đó, những năm qua phong trào nuôi trồng và khai thác thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ phát triển rầm rộ. Tuy vậy, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản của TP Cần Thơ đang đối mặt với nhiều khó khăn: môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu, khai thác và đánh bắt quá mức… Thực trạng này đặt ra vấn đề phải hài hòa giữa việc khai thác, phát triển phải đi đôi với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Hằng năm, TP Cần Thơ đều tổ chức hoạt động thả cá giống về sông để nâng cao ý thức của cộng đồng về tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Khai thác lợi thế

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, năm 2021, tổng diện tích thả nuôi thủy sản toàn thành phố là 8.803ha, bằng 99% so với năm 2020 vượt 7% so với kế hoạch năm (8.200ha) với sản lượng nuôi thủy sản đạt 217.488 tấn, vượt 1% so với cùng kỳ năm 2020 và vượt 9% so với kế hoạch năm (199.600 tấn). Riêng tháng 3-2022, diện tích thả nuôi thủy sản mới của thành phố là 468ha, sản lượng thu hoạch 15.488 tấn. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng diện tích thủy sản toàn thành phố 2.317ha, đạt 27% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng nuôi thủy sản thu hoạch 44.167 tấn, đạt 21% kế hoạch, tăng 39% so cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Bên cạnh việc duy trì và mở rộng diện tích, để có nguồn sản phẩm chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần gia tăng giá trị thủy sản, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn. Hiện tổng diện tích nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của thành phố là 339ha, bao gồm 325,2ha VietGAP và 13,8ha theo tiêu chuẩn BAP+ASC. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn củng cố, xây dựng hệ thống sản xuất các giống cá truyền thống có giá trị kinh tế, phát triển hệ thống nhân giống mới các loại thủy sản chính của vùng ÐBSCL. Ðến nay, thành phố có 86 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản, đáp ứng một phần nhu cầu giống thủy sản của thành phố và các tỉnh  lân cận.

Về phía các doanh nghiệp, hộ nuôi cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của nuôi thủy sản an toàn, liên kết theo chuỗi giá trị nên cũng mạnh dạn đầu tư vào các mô hình nuôi thủy sản sạch, đạt chuẩn. Ông Phạm Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa, cho biết: “Các sản phẩm của công ty, đặc biệt là sản phẩm làm từ cá thát lát hiện đã xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Úc và đang trong giai đoạn chinh phục thị trường Nhật. Vì vậy, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được chúng tôi quan tâm hàng đầu. Phạm Nghĩa đầu tư và được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng trong nuôi trồng và sản xuất với quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP. Mặt khác, các sản phẩm của công ty đều được công bố chất lượng tại cơ quan quản lý chuyên môn trước khi lưu hành.

Khai thác đi đôi với bảo vệ

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, song nguồn lợi thủy sản của thành phố đang bị đe dọa nghiêm trọng. Theo khảo sát vào năm 2011, tại Cần Thơ có 120 loài cá và 18 loài tôm nhưng hiện nay nguồn lợi này đang đang suy giảm về đa dạng sinh học cũng như số loài trong môi trường tự nhiên. Nguyên nhân là do tác động của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, hạn hán, mưa trái mùa và cả tác động của con người thông qua khai thác thủy sản bằng các phương pháp tận diệt như xung điện, chất độc, lưới mắt nhỏ…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, năm 2022, TP Cần Thơ dự kiến phát triển nuôi trồng thủy sản các loại đạt 8.500ha, với tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đạt 216.750 tấn. Ông Phạm Trường Yên, khẳng định: “Ðể ngành Thủy sản phát triển ổn định, bền vững, việc phát triển vùng nuôi, duy trì sản lượng thủy sản phải gắn chặt với tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhằm góp phần giáo dục, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn hệ sinh thái đang dần cạn kiệt, hằng năm thành phố đều tổ chức hoạt động thả cá giống về sông nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành Thủy sản. Ðiều đáng mừng là liên tiếp 10 năm qua, phong trào thả cá về sông ngày càng được nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ. Nếu năm 2013, thành phố chỉ tổ chức thả cá tại 2 điểm với số lượng khoảng 500kg cá giống thì đến nay phát triển đến khắp 9 quận, huyện, với lượng cá giống thả mỗi năm từ 8-10 tấn”.

Theo bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Ðỏ, thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích người dân xây dựng và phát triển các mô hình nuôi thủy sản cộng đồng; tạo điều kiện để họ tiếp cận các giống thủy sản chất lượng, thị trường đang cần để tạo đầu ra ổn định… Song song đó, tăng cường tuyên truyền về công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cũng như sự nguy hại khi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, sử dụng kích thước mắt lưới nhỏ để khai thác thủy sản. Huyện cũng phối hợp với các bên có liên quan thực hiện tuần tra kiểm soát và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

Một số ý kiến đề xuất ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai các hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhằm giúp người dân xây dựng và phát triển được các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả, nhất là đối với các đối tượng nuôi mới. Ðồng thời, phối hợp các ngành có liên quan hỗ trợ người nuôi phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản của địa phương; cập nhật thông tin thị trường về nhu cầu tiêu thụ để người nuôi, doanh nghiệp chủ động trong khâu sản xuất, chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu xuất khẩu…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất