, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 23/09/2021, 14:22

Giữ lửa đam mê với nghệ thuật truyền thống trong thời COVID-19

HƯƠNG MAI
(laodong.vn)
Do dịch COVID-19, các nghệ sĩ nói chung cũng như nghệ sĩ âm nhạc truyền thống nói riêng gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, vượt qua hoàn cảnh, họ vẫn duy trì sinh hoạt, tiếp tục luyện tập, sáng tác - ngọn lửa đam mê với nghệ thuật không hề bị tắt.
Chương trình “Nghệ thuật truyền thống với chủ đề xã hội về COVID-19” sẽ được phát sóng lúc 23h trên kênh VTV1 vào thứ 7 tuần này (25.9). Ảnh: NVCC

Giữ lửa đam mê

Vốn là một CLB được tiếp nối bởi nhiều thế hệ trong gia đình nên trong thời gian người dân Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, CLB Ca trù Thái Hà vẫn duy trì tập luyện vào mỗi sáng thứ 7 hằng tuần tại ngôi nhà nhỏ trên đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội). Vào khoảng thời gian khi dịch bệnh chưa bùng phát, đây là địa chỉ thu hút nhiều bạn trẻ đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống ca trù. Nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, CLB Ca trù Thái Hà chỉ hoạt động trong phạm vi gia đình.

Chia sẻ với Lao Động, nghệ sĩ Nguyễn Văn Khuê cho biết, trong thời buổi dịch bệnh COVID-19, gia đình vẫn cố gắng duy trì sinh hoạt bộ môn nghệ thuật ca trù. Bởi đây là môn nghệ thuật truyền thống được tiếp nối qua nhiều thế hệ nên những người đi sau phải cố gắng giữ gìn và phát huy trong mọi hoàn cảnh, điều kiện. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Khuê bày tỏ: “Vào thời gian dịch bệnh năm ngoái, CLB Ca trù Thái Hà đã có cơ hội chia sẻ những kiến thức bổ ích về môn nghệ thuật truyền thống này với các giáo sư và sinh trường đại học nước ngoài như Mỹ, Columbia trên nền tảng trực tuyến. Đã có rất nhiều câu hỏi hay về ca trù được đưa ra từ phía các bạn sinh viên khiến tôi có thêm tâm huyết giữ và truyền lửa đam mê ca trù tới mọi người trong nước cũng như trên thế giới”. 

Dù dịch bệnh làm hạn chế nhiều hoạt động văn hoá, nhưng những thành viên của nhóm Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương - vẫn tích cực hoạt động. Thời gian vừa qua, nhóm đã thực hiện thành công dự án “Mắt xẩm”. Với góc nhìn đa dạng về xẩm trong cuộc sống đương đại, thông qua các cuộc trò chuyện và giới thiệu âm nhạc thể nghiệm trực tuyến, cũng như triển lãm các tác phẩm hội họa, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, dự án mang đến một cái nhìn xuyên suốt về xẩm trong hành trình thích ứng và sáng tạo.

Ban tổ chức “Mắt xẩm” cho biết từ, những ý niệm của các nghệ sĩ đương đại, họ muốn khơi gợi hứng thú tìm hiểu về di sản cho công chúng; đồng thời tạo ra những tác phẩm mới mang tinh thần kết nối Đông - Tây kim cổ. Đồng thời, các nghệ sĩ muốn đưa các bạn trẻ đến với những loại hình văn hóa dân tộc đặc sắc, đang dần bị lãng quên. Họ muốn chia sẻ nhiều hơn tình yêu quê hương đất nước, yêu những giá trị văn hóa truyền thống và cùng bảo tồn giá trị đó cho thế hệ mai sau.

Sân khấu vẫn sáng đèn

Theo thường lệ, chương trình đêm Ca vọng cổ sẽ được phát sóng trên truyền hình 1 tháng 1 lần vào thứ 7. Trong tháng 9 này, êkíp chương trình đã thực hiện ghi hình tập đầu tiên chương trình nghệ thuật truyền thống với tên gọi “Nghệ thuật truyền thống với chủ đề xã hội về COVID-19” được phát sóng lúc 23h trên kênh VTV1 vào thứ 7, ngày 25.9. Có 4 loại hình nghệ thuật là Hát Văn, Ca trù, Huế, Cải lương sẽ được đưa vào chương trình cùng với những nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Hoàng Tùng, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nghệ sĩ Nguyễn Văn Khuê…

Tất cả những bài hát sẽ được viết những lời mới trên những làn điệu cổ về phòng chống dịch COVID-19 như cổ vũ phòng chống dịch, niềm tin chiến thắng dịch, những điều nên không nên trong phòng chống dịch,... Trong tháng 10, êkíp cũng sẽ thực hiện một chương trình nghệ thuật truyền thống với những loại hình nghệ thuật khác đa dạng chủ đề như môi trường, bảo vệ Tổ quốc, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội…

Theo đại diện chương trình - chị Kiều Ngân, điều quan trọng nhất là dân ca nhạc cổ, giá trị nghệ thuật truyền thống luôn được đài Truyền hình Việt Nam quan tâm. Dù trong thời dịch hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn luôn được sản xuất và lan tỏa với công chúng để cho mọi người tiếp tục được yêu và được tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống.

Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho biết: “Trong chương trình có giới thiệu 1 bài Vè Huế thuộc Dân ca Bình Trị Thiên. Vè Huế có giai điệu rộn ràng, lại tình cảm khi lồng vào những ca từ bài hát “Mười nên chống dịch COVID-19” càng trở nên đáng yêu. Bài này dựa trên lời thơ của 1 cán bộ ngân hàng đang công tác tại Đài Loan, được NSƯT Diệu Hương lồng điệu và thể hiện rất thú vị. Chương trình sử dụng: Hát Văn, Ca trù, Huế, Cải lương để tạo nên bức tranh đa dạng về âm nhạc truyền thống 3 miền. Đây cũng là sự chung sức của các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19”.

Còn tại Nhà hát Chèo Việt Nam, mới đây, các nghệ sĩ đã đã tổ chức chuỗi chương trình “Giữ lửa đam mê” góp phần động viên tinh thần người yêu nghệ thuật truyền thống trong mùa dịch. Vào mỗi tối cuối tuần, các nghệ sĩ chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam lại livestream để biểu diễn phục vụ khán giả nhiều làn điệu chèo như: “Tò vò”, “Đào Liễu”, “Hề Cu Cậu”…

Chương trình “Giữ lửa đam mê” của Nhà hát Chèo Việt Nam sau khi phát sóng những số đầu tiên đã nhận được sự ủng hộ lớn từ khán giả. Có thời điểm, người xem lên đến gần 500 người. Trong buổi livestream vừa qua của nghệ sĩ Thái Sơn đã có 1.000 lượt like, hơn 2.000 bình luận và 18.000 lượt xem. Hiện nay, dù có nhiều khó khăn, Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn nỗ lực với mong muốn sẽ duy trì chương trình trong thời gian dài, đưa “Giữ lửa đam mê” trở thành thương hiệu trên nền tảng trực tuyến của Nhà hát Chèo Việt Nam. 

Có thể thấy, dù bối cảnh dịch bệnh khiến việc biểu diễn gặp nhiều khó khăn nhưng khi nhập cuộc với tâm thế của những nghệ sĩ truyền cảm hứng tới cộng đồng trong thời kỳ dịch bệnh, những rào cản ấy đã được tháo gỡ trong sự đồng cảm và sẻ chia từ khán giả.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất