Còn đâu men rượu cần xưa
Với đặc thù là một xã biên giới phía Tây tỉnh Quảng Bình, xã Trường Sơn có tới 62% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Bru - Vân Kiều chiếm đa số. Từ lâu, rượu cần gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày của đồng bào nơi đây, đặc biệt trong những dịp lễ hội, cưới hỏi. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của xã hội, hàng chục năm nay những hũ rượu cần men lá đã vắng bóng, thay vào đó là các loại rượu được ủ với các loại men có sẵn trên thị trường. Thứ rượu men lá chỉ còn trong hồi ức.
Nói về sự mai một của loại rượu đặc trưng của đồng bào người Bru – Vân Kiều, chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn cho biết: “Rượu cần men lá được truyền từ đời cha ông, nhưng từ khi xã hội ngày càng phát triển, có rất nhiều loại men được bày bán trên thị trường nhanh hơn, tiện hơn nên người dân trong bản đã thay dần bằng loại men này.
Cũng theo chị Duyên, sở dĩ người dân không còn mặn mà làm ra loại rượu cần men lá bởi muốn làm được loại men này thì họ phải đi vào rừng sâu kiếm rễ cây. Để làm được một mẻ men phải có 20 loại rễ cây rừng, cách làm cũng phức tạp, cầu kì nên ít người còn mặn mà để làm, dần dần bị mai một.
“Hồi sinh” men rượu cần xưa
Trong những câu chuyện về con người, cuộc sống của người Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn trong chuyến đi lần này, có lẽ điều làm chúng tôi vui nhất là khi biết bà Hồ Thị Con (trú ở bản Bến Đường) là một trong số ít những người còn nắm giữ kỹ thuật làm rượu cần men lá. Chính sự nặng lòng với thức uống truyền thống của đồng bào mình nên bà Con đã mạnh dạn hồi sinh men rượu cần cổ xưa.
“Ngày trước, phụ nữ, con gái trong bản ai cũng biết làm loại men này. Người ta làm men không chỉ để ủ rượu cho các dịp lễ, cúng, đón khách quý, mà còn để đổi gạo, đổi muối nhưng giờ thì ít lắm, gần như không ai làm nữa. Mình thấy tiếc thứ rượu cổ của cha ông truyền lại nên muốn khôi phục” - Bà Con chia sẻ.
Theo bà Con để làm được một mẻ men thì trước tiên phải lên rừng lấy nguyên liệu, thường sẽ có 20 loại rễ cây rừng, trong đó có một số loại như: Rễ cây giác luốc, rếp ran… những loại rễ cây này thường mọc ở rừng sâu hoặc dọc các con suối.
Sau khi đi lấy rễ cây về phải rửa sạch rồi đem bào lấy vỏ cây nghiền thành bột, gạo cũng nghiền thành bột, riêng rễ cây đã tách vỏ nấu lấy nước. Khi nước rễ cây nguội thì đem trộn với hỗn hợp bột cây, bột gạo vắt thành từng nắm rồi trộn vỏ trẩu phía ngoài, ủ 3 ngày để lên men rồi đem đi phơi khô dùng dần.
Nếu làm men rượu cần tốn nhiều công sức và kỹ thuật, thì ủ ché rượu cần cũng công phu không kém. Bà Con cho biết, cơm ủ rượu được nấu từ loại gạo lúa mới; xoong nấu cơm phải là loại chuyên dùng nấu cơm, bếp lửa nấu cơm phải là lửa mới đầu ngày - tức ngọn lửa chưa nấu nướng món gì khác trước đó.
"Ông bà truyền dạy sao thì mình làm vậy, có lẽ là để nồi cơm ủ rượu này thật tinh khiết, không trộn lẫn mùi vị gì khác cả" bà Con cho biết.
Cơm nấu chín xong được xới đều ra nia, để cho nguội rồi lấy men đã chuẩn bị sẵn trước đó trộn đều trên nia. Một lớp vỏ trấu mới, sạch được đổ vào phần đáy, chiếm gần một nửa thể tích chiếc ché gốm. Phần cơm đã trộn đều với men rượu được đổ lên bên trên lớp trấu, lèn chặt. Sau khi xong các công đoạn, người ủ rượu chỉ để cái tô lớn đậy miệng ché lại. Một ngày sau đó, người ta lấy chiếc tô ra, dùng các lớp lá chuối bịt kín miệng ché, cột chặt bằng mấy lớp dây.
Để có được ché rượu ngon phải ủ ít nhất 10 ngày, còn để rượu ngon nhất, nồng đượm nhất phải ủ cỡ một năm. Hiện bà Con đang bán thử nghiệm 1 hũ (7 lít) với giá từ 250 – 300 ngàn đồng. Người dân trong và ngoài bản rất ưng loại rượu này vì uống vào không đau đầu, rượu có vị ngọt tự nhiên.
Hiện “Rượu cần men lá Trường Sơn” của bà đang tham gia dự án khởi nghiệp. Đây là một ý tưởng khởi nghiệp hay, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người Bru - Vân Kiều trong quá trình xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.
TRANG THÔNG TIN NÀY CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI TRUNG ƯƠNG