, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 20/04/2020, 15:08

Khi mận "ngủ mùng" và ổi "mặc áo"

PHAN THỊ ANH NHƯ

Mận “ngủ mùng” và ổi “mặc áo” là hai mô hình ăn nên làm ra, đang được người dân xứ cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) phát huy mạnh mẽ.

 

Mận An Phước vừa thu hoạch
Mận An Phước vừa thu hoạch

Giăng “mùng” cho mận “ngủ”

Toàn TP Cần Thơ có trên 570ha đất trồng mận các loại - nhiều nhất là mận An Phước, thì phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt đã chiếm tỉ lệ gần 90% khi có đến 490ha.

Vườn mận được bao bọc bằng màn lưới
Vườn mận được bao bọc bằng màn lưới

Lý giải về con số ấn tượng này, ông Trương Tiến Lực, Trưởng phòng Kinh tế quận Thốt Nốt cho biết: “Do phù hợp với thổ nhưỡng của địa hình cù lao nhiều cát phù sa nằm giữa sông Tiền, nên mận An Phước trồng tại đây có mùi vị thơm ngon, màu sắc đẹp, bắt mắt. Năng suất cho trái của loại mận này khá cao so với những loại mận khác”. Điều đáng nói là hầu hết diện tích trồng mận An Phước ở Tân Lộc đều được phủ màn lưới (nông dân gọi nôm na là ngủ mùng) nên chất lượng trái rất an toàn, ruồi đục thân và các loại côn trùng khác không thể phá hoại nên sản lượng sản phẩm an toàn thu hoạch đạt trên 95%.

Sau Tết, chúng tôi đã có mặt tại phường Tân Lộc để chứng kiến tận mắt cảnh mua bán rất sôi động và nhộn nhịp nơi này. Trong đó thương lái mua xuất sang Campuchia chiếm tỉ lệ khá lớn, cạnh đó là các thị trường TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Bà Võ Thị Phi Loan, ngụ khu vực Trường Thọ 1 cho biết: “Năm rồi vào thời điểm này thương lái mua để xuất khẩu sang Trung Quốc rất nhiều, năm nay do dịch bệnh Covid-19 nên họ “chạy mất”. Bù lại, lượng hàng xuất sang Campuchia và tiêu thụ nội địa tăng cao nên giá bán không giảm nhiều như các loại trái cây khác”.

Theo nhiều nhà vườn trồng mận trên đất cù lao, nếu không có biện pháp tối ưu bảo vệ trái an toàn thì rất khó để duy trì kinh tế vườn. So với cách bao trái hoặc bao từng chùm hoa rất tốn thời gian, chi phí thuê mướn và khó thực hiện với vườn mận cây cao, lớn do trồng lâu năm, cách dùng lưới bao vườn cây có thể giảm được trên 50% chi phí sử dụng thuốc trừ sâu bệnh. Ông Nguyễn Văn Tám ngụ khu vực Trường Thọ 2 cho biết: “Tôi có 10 công mận An Phước được lưới bao cả vườn, biện pháp này giúp giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rõ rệt, nhất là ngăn chặn ruồi đục trái, bảo vệ trái đến kỳ thu hoạch không bị ấu trùng hay sâu con nằm trong trái. Bình quân mỗi công mận mất khoảng 7 triệu tiền lưới bao. Mỗi năm sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi có lãi rất ổn định, từ 700 - 800 triệu tùy thời điểm”.

Trước khi bao lưới, vườn mận được chăm sóc tốt ra lá xanh tươi, phần lá khô dưới bờ vườn được thu gom lại rồi xử lý rải vôi diệt ấu trùng sâu bệnh. Mận vào mùa ra hoa là bắt đầu phủ màn lưới cả vườn, lưới trùm tới mặt đất. Một công vườn mận An Phước, nếu chăm sóc tốt, sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách có thể thu 12 tấn trái/năm. Gặp thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định thì mỗi công sẽ có lãi từ 70 - 80 triệu sau khi trừ hết chi phí là chuyện bình thường. Thời điểm mận An Phước ra hoa chính vụ là từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, chất lượng trái ngon nhất vào mùa xuân. Hiện nay, nhiều nhà vườn đã xử lý cho trái nghịch mùa, nên mận An Phước hầu như có mặt trên thị trường quanh năm và được giá nhất vào khoảng tháng 7 và 8 hàng năm.

Mặc “áo” cho ổi đẹp

Cùng với sự phát triển của mận An Phước, hiện nay trên địa bàn phường Tân Lộc đã có gần 100ha đất được nông dân trồng ổi lê Đài Loan theo phương thức bao 2 lớp (còn gọi là mặc áo cho ổi), cũng mang lại hiệu quả rất khả quan. Bà Lê Hồng Điệp ngụ khu vực Tân An, người đầu tiên triển khai mô hình này trên phường Tân Lộc cho biết: “Ổi trồng theo cách này sạch hoàn toàn bởi trước khi “mặc 2 lớp áo” chúng được làm láng vỏ bên ngoài từng trái, sau đó mặc lớp áo xốp vào để tăng độ ẩm tạo điều kiện phát triển nhanh và không làm trầy xước phần vỏ bên ngoài tạo màu sắc đẹp. Sau đó ổi được mang tiếp lớp áo thứ 2 bằng túi ni-lông để chống ruồi vàng đục trái. Mỗi túi ni-lông đều có đục lỗ bên dưới để thoát nước nhanh sau khi tưới hay trời mưa. Trồng cách này không phải sử dụng phân thuốc hóa học nên chất lượng trái rất thơm ngon và an toàn”.

Vườn ổ lê Đài Loan
Vườn ổ lê Đài Loan

Theo tính toán của người trồng ổi lê Đài Loan, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, mỗi công (1.000m2) đất sẽ có lãi từ 50 đến 60 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với một số loại cây ăn trái khác (vì ổi có trái quanh năm). Muốn đạt hiệu quả cao, người trồng phải làm vệ sinh vườn thường xuyên, đặc biệt là làm sạch ao mương trong vườn, không để ruồi và các loại vi khuẩn tấn công trái.

Hiện nay ngoài việc bán trái với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, nhiều người trồng loại ổi này còn dùng ổi để chế biến rượu ổi rất thơm ngon, bổ dưỡng và đã được các cơ quan chức năng kiểm định cho lưu hành sản phẩm. Một số vườn ổi đã trở thành các điểm tham quan du lịch rất hấp dẫn cho du khách gần xa mỗi khi đến với Tân Lộc.

Bà Lê Hồng Điệp thông tin: “Hiện nay TP Cần Thơ đã có chủ trương đầu tư phát triển làng du lịch cộng đồng tại phường Tân Lộc với trên 30 điểm du lịch quy mô lớn, trong đó sẽ kết hợp việc tham quan, nghỉ dưỡng, giới thiệu thế mạnh du lịch vườn gắn với việc phát huy nền văn hóa sông nước miệt vườn vốn là thế mạnh của Tây Đô. Trong đó nhà nước sẽ quy hoạch hỗ trợ nhiều nhà vườn phát triển 2 loại đặc sản đặc trưng của cù lao này là mận An Phước và ổi lê Đài Loan. Đây quả là một tín hiệu cực vui”.

PHAN THỊ ANH NHƯ

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm





Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất