, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 15/06/2023, 14:00

Mơ... lụt làng

NGUYỄN MINH NGỌC
Cái thẻo phù sa bao năm nay vẫn thoi thóp lở bồi trồi trụt bên hữu ngạn dòng Lam, ngay dưới ngã ba Phủ, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Đây là điểm hợp lưu của sông Cả và sông La trước khi xuôi về cửa Hội Thống, hòa với biển cả. Dòng Lam ngày thường hiền hòa, nước xanh biếc tựa màu da trời.

Hơn trăm năm trước, làng Quang Dụ quê tôi ở ngay dưới chân Rú Thành (còn gọi núi Hùng Lĩnh, hay Triều Khẩu). Đầu thế kỷ 15, Trương Phụ tướng nhà Minh cho xây thành trên đỉnh núi Hùng Lĩnh. Thành ghép bằng đá xếp, giữa có ụ cao, tương truyền là kỳ đài. Năm 1424, Lê Lợi đưa nghĩa quân Lam Sơn tới bao vây và chiếm được thành. Nhiều thế kỷ đã trôi qua, song dấu tích Lam Thành mãi vẫn còn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Thủa bé tẹo, vào những buổi chiều hè tôi vẫn thường bám theo ông nội râu tóc trắng như mây ra cạnh bờ tre gai bên bờ sông Lam ngồi hóng mát. Nằm gọn trong lòng ông, tôi lịm đi bởi tiếng sáo diều dìu dặt cứ ngầy ngật trên thinh không. Trong mơ mòng, ông tôi rủ rỉ: “Làng ta là Quang Dụ, tổng Thịnh Quả, phủ Đức Thọ, Hà Tĩnh. Xửa xưa thuộc về trấn Nghệ An, cháu nhé”. Tầm tuổi tôi trở lên, hầu như không mấy ai còn nhớ nổi tên làng do tiền nhân đặt, mà chỉ nhớ tên hợp tác xã Trung Thành mà thôi. Năm 1946, xã Tiền Tiến gồm 6 làng: Quang Dụ, Hưng Nghĩa, Nam Ngạn, Hưng Phúc, Vịnh Đại, Thuận Hòa, được tách ra để lập 2 xã Đức Quang, Đức Vịnh. Giờ đây, hai xã sáp nhập thành xã Quang Vĩnh.

Trước đó, Quang Dụ, Hưng Phúc và Khánh Sơn là ba làng thuộc xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Trong xã có ngôi đền Chiêu Trưng thờ tướng quân Lê Khôi, nổi tiếng linh thiêng, có bức tượng ngài, tương truyền được tạc bằng cây gỗ trầm từ thượng nguồn dạt về, cùng nhiều sắc phong của triều đình. Chẳng biết tự khi nào, dân gian vẫn râm ran câu sấm: “Bao giờ thủy đáo Lam Thành. Cha con nhà Nguyễn tan tành, tả tơi”.

Thực hư thế nào chẳng rõ, nhưng khi dòng Lam bắt đầu ngoạm vào phần đất làng với tốc độ chóng mặt, thì người dân buộc phải tính. Tráng đinh hai làng bèn hè nhau sang ở vùng đất mới thuộc phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Họ bơi thuyền sang phía đối diện, nơi có doi đất sa bồi ngờm ngợp nom như miếng tóp mỡ tươi và gần như hãy còn hoang hóa, cắm lều. Bãi nổi the le như chiếc lưỡi hái giữa sông, là “chiếu nghỉ” cho dân làng qua lại, có tên bãi Đuôi Khái (hổ).

Chuyện kể thủa rừng còn bạt ngàn, một ông “ba mươi” mò xuống hạ bạn săn mồi, bị dân làng rượt, cọp nhào ra sông và đuối nước, xác tấp vào bãi. Đầu tiên là bảy gia đình thuộc loại “to gan, lớn mật” của cánh họ Nguyễn đi trước. Họ dỡ nhà cửa, bốc “bản đạo” sang sông chùm nhúm thành một xóm. Dần dà, cả làng cùng vượt sông, lập nên làng mới. Quang Dụ thôn ở phía trên, kế đến là Hưng Phúc. Tất cả đều nằm gọn trên bãi phù sa mướt mát do dòng Lam và dòng La bồi đắp.

Theo các vị cao niên kể, từ việc tế lễ, cho đến các cuộc hội hè, đình đám, người làng bên này cứ lên thuyền kéo nhau trở về quê cha đất tổ. Dường như sông nước chẳng bao giờ ngăn trở được bước chân của dân làng Quang Dụ. Họ vẫn đi qua, về lại như con thoi, trừ những khi lụt to, nước xiết thì đành chịu. Phong tục, tập quán hai bên vì vậy, vẫn chung một nếp.

Vốn quen chống chọi với thiên tai, bơi lội như rái cá, dân làng nổi tiếng là “ương đầu, ngảng cổ”, chẳng biết sợ là gì. Các tráng đinh nhiều lần vác đòn càn vây đánh bọn Tây đoan, khiến chúng phải ôm đầu máu mà chạy khi dám mò về làng để lùng bắt người nấu rượu. Về sau, cả đám quan Tây lẫn quan ta cùng bọn sai nha, lý dịch đều “tim đập, chân run” mỗi khi có việc phải về Quang Dụ.

Không lâu sau ngày hòa bình lập lại (1954), dưới chân Rú Thành mọc lên Nhà máy đường Sông Lam. Cũng phải thôi, hai bên dòng La và dòng Lam đều là vùng trồng mía. Đến vụ thu hoạch, mía được xếp xà lan thả xuôi dòng chảy, tới gần nhà máy thì bẻ lái cho cập vào bến bốc dỡ, cần cẩu sẽ đưa mía lên goòng chuyển vào máy. Khi tôi nhận biết xung quanh thì hằng đêm dãy đèn điện sáng như sao sa của nhà máy soi xuống dòng Lam và mặt nước khúc xạ hắt sang làng tôi, khiến nhiều nhà ở cạnh bờ sông chẳng tốn một xu dầu đèn.

Hằng ngày, người dân trong vùng đã quá quen thuộc với tiếng còi tầm ủ ù u… của nhà máy. Người làng làm công nhân, canh giờ bơi thuyền sang nhà máy vào ca. Khi chiến tranh phá hoại lan ra miền Bắc, nhà máy đường là một trong những mục tiêu người Mỹ muốn hủy diệt. Nhưng muốn đánh trúng đích, đám phi công thường bay đến đầu làng tôi thì bổ nhào cắt bom, phóng tên lửa hoặc rốc két, rồi vọt lên tránh núi. Những năm 1965 - 1967, đám trẻ chăn trâu chúng tôi quen tiếng nổ đinh tai nhức óc đến độ lì lợm, sáng nào cũng lén tựa lưng vào vách hào giao thông, ngửa mặt đếm bom rơi.

Làng quê trù phú, trên bến dưới thuyền tấp nập. Đất bãi, ruộng ít, thóc gạo không nhiều, nhưng hoa màu thì rất sẵn, mùa nào thức ấy. Dân làng có nghề trồng mía, kéo mật từ lâu đời. Những hộ khấm khá đều có một cỗ che ép mía được tiện thủ công bằng gỗ dẻ hoặc gỗ trường đỏ au khá tinh xảo. Hằng năm cứ vào cữ mạnh đông thì người ta bắt đầu chặt mía, làm lán và dựng che. Đường làng, ngõ xóm ngập trắng bã mía, ong và nhặng xanh bay vù vù, không gian ướp mùi mật, cảm giác trên tóc và cả áo quần lúc nào cũng dấp dính. Mỗi khi nhớ lại nghề trồng mía, nấu mật, mẹ tôi tuổi cửu thập vẫn chưa hết rùng mình, bà bảo ấy là “nghề xát xương” con ạ, quá ư cực nhọc. Khi nhà máy đường mọc lên, ngỡ đâu hết khổ, nhưng rồi bom đạn phá sập tan hoang, thì dân làng lại trở về nghề cũ.

Trong làng, vườn nhà nào cũng nhiều cây ăn quả, từ cam, chanh, bưởi, mít, quýt, nhãn, hồng ngâm… Nhưng phổ biến nhất vẫn là giống chanh hoàng niên, quả to, vỏ mỏng, nước mọng và có mùi thơm rất đặc trưng, một đặc sản của làng. Thời hoàng kim, thương lái về thu mua tận gốc mang ra chợ Vinh và nhiều nơi khác. Đất được bồi đắp bởi một lớp phù sa, nên giống cây gì cũng cho quả ngọt lành, thơm thảo. Ấy là chưa kể, món “lộc trời” cho vào tháng tám hằng năm, hễ cứ thấy “mưa rươi” thì cả làng, già trẻ, gái trai ùa ra đồng xúc vớt được hàng thúng cái con nhiều chân, vàng ươm. Ngon ngậy nhức răng.

*

Cái câu “mãnh hổ như hà”, cổ nhân nói về sự tàn phá kinh hoàng của thủy thần. Đứng trên bờ kè ngó sang bên phía tả ngạn, Rú Thành tự bao đời nay vẫn sừng sững như bức trường thành. Lưng núi nham nhở, trầy trụa, hình bóng nhà máy đường Sông Lam giờ chỉ còn trong ký ức xa thẳm.

Ngày trước, từ sáng sớm cho đến tối mịt, bến sông không lúc nào vắng người. Kẻ kín nước, người tắm táp, giặt giũ. Nghỉ hè, trẻ con nô đùa váng cả mặt sông. Trâu, bò thung dung gặm cỏ mật, cỏ gừng trên bãi, no cành hông, lũ trâu xuống đằm mình dưới nước, ngúc ngoắc cặp sừng, phì phò thở. Thuyền vạn chài giăng mắc, đò dọc ngược xuôi tấp nập. Những cánh buồm nâu căng lộng gió sông. Rồi những bè nứa, bè gỗ từ Ngàn Sâu, Ngàn Phố xuôi về, nom cứ như những con trăn khổng lồ uốn lượn và tấp vào bến Gò đầu làng tôi để cánh thợ sơn tràng bán bớt lâm thổ sản…

Lệ thường, mỗi năm mùa lụt, có khi đến 7 - 8 trận. Ai nấy lo thon thót như khi gặp giặc càn. Khi ấy, khúc sông chảy qua làng tôi bỗng nhiên rộng muốn ngợp, không dám nhìn. Nước băng hà, băng hải, cuốn phăng mọi thứ. Vậy nhưng không một ai nỡ bỏ làng đi chốn khác.

Bao năm sống chung với lụt lội nên dân làng Quang Dụ ai cũng phải lo phòng bị sẵn sàng. Từ đầu hè, các bà nội tướng đã phải cắc củm tích trữ dầu đèn, gạo củi, mắm muối, tương cà. Các nhà gỗ đều có một khoang chạn, tựa như gác xép của người thành phố vậy. Ai nuôi trâu bò, thì đắp một cồn đất cao chừng 5 - 6m, xây cả một cây rơm to sụ, đủ cho gia súc nhằn cả tháng. Những hộ khấm khá thì sắm thuyền gỗ ba ván (tam bản), nghèo thì kiếm chiếc thuyền nan, sơn phết bằng thứ hắc ín dẻo mết. Vậy nhưng chưa đủ, nhiều nhà còn phải dự phòng dăm ba bó nứa dựng sẵn đầu chái.

Giữa thu, hễ thấy trời đất giở chứng, ai nấy đều lo chặt tre già làm gông chằng níu nhà cửa cẩn thận. Hễ nước sông bắt đầu dâng lên thì đẵn thêm dăm cây chuối hột kết vào bè nứa. Trên bè có chỗ quây che để nhốt lợn, gà. Nước dâng tới đâu thì bè nổi tới đó. Trong khi người lớn bạc mặt lo lắng, thì lũ con nít lại sướng vì không phải đến trường, lại được ăn no, ngủ kỹ và nghịch nước thỏa thích, được bơi thuyền đến chỗ này chỗ nọ. Lạ một điều là mùa lụt, ăn gì cũng thấy ngon. Chỉ một loáng đã thấy ngót dạ, muốn có cái gì bỏ miệng nhóp nhép. Tầm đông buổi chợ, mẹ tôi thường đứng trên thang, bắc chảo lên ba hòn gạch kê lên bàn, rang cho mấy anh em tôi 1 - 2 mẻ ngô nếp. Giòn và thơm, nhúp nhúm ngô nở đưa lên miệng, chao ôi, sướng.

Lạ một điều mùa lụt, cá nhiều vô kể. Chỉ việc hạ đặt chiếc bóng (1) hay lờ buộc cố định, cột mồi bên trong, thả hôm trước, hôm sau lặn xuống vác lên thì cả nhà tha hồ chén. Nhiều nhất là cá diếc, cá nheo râu trắng béo hú, cá ngạnh sông chắc nịch, có con nặng cả ký lô.

Nước rút tới đâu, bà con xới xáo đất trồng màu đến đó. Phù sa mỡ màng dày cả lớp nên chỉ cần rắc nắm hạt giống là rau lên bời bời tốt như hóa. Vài hôm là đã có đĩa rau ghém trên mâm cơm rồi, mươi bữa là có thể nhổ rau cải gánh ra chợ bán. Rồi su hào, cải bắp, củ cải, rau diếp, hành ngò… thi nhau xanh óng, mượt mà. Ngô vụ đông, khoai lang, đậu xanh, đậu nành, rồi bầu bí cứ ngờm ngợp đua chen trên cánh bãi ven sông.

Cho đến tận bây giờ, nghĩa là ngót một thế kỷ đã lùi lại sau lưng, kể cả thời nhập tỉnh rồi tách tỉnh thì dân làng tôi vẫn giữ nếp bơi thuyền qua bên phần đất cũ của ông cha, nay thuộc địa phận huyện Hưng Nguyên cấy cày, gieo vãi, mà không hề xảy ra sự tranh chấp nào. Vùng đất mà người làng quen gọi Bãi Đình ấy cứ ngày một nở nồi thêm ra, giờ chỉ độc trồng lạc với các loại đậu.

*

Về quê, tôi lững thững một mình lội bộ dọc triền sông và thật sự không còn dám tin vào mắt mình nữa. Từng lớp phù sa khô nỏ cong tớn giòn rụm hệt như những chiếc bánh đa vừa mới quạt trên lò than ra, vỡ vụn dưới mỗi bước chân. Cái làng quê bé tẹo nhưng có đủ Anh hùng LLVTND (Nguyễn Đô Lương), nhà văn, kiến trúc sư, cùng nhiều kỹ sư, bác sĩ… đâu rồi?

Cảm giác hoang hoải và trống trải đến nao lòng. Cả một khúc sông dài tịnh không bóng người, mỏi mắt cũng chẳng bói ra một cánh buồm. Tất cả dường như biến mất tự bao giờ. Có điều, dòng Lam vẫn mải miết trôi xuôi trong lặng lẽ. Tôi chôn chân đứng nhìn những chiếc tàu há mồm ngang nhiên xúc ngoạm hút cát giữa sông, ngay vị trí nhà máy đường ngày xưa ngó ra, cảm thấy như có kẻ đương cầm dao cào cấu ruột gan mình. Nén một tiếng thở dài.

Lụt lội kinh hoàng một thời đã khiến hơn ba phần tư đất làng chìm lỉm dưới đáy sông. Thế là thêm một phen nữa người dân quê tôi buộc phải tính kế lâu dài. Họ phiêu dạt nhiều nơi, dưới chân dãy Ngàn Hống có, trên huyện mới Vũ Quang đông đảo, rồi vùng Tân Hương, tận Nghĩa Đàn cũng có, và thậm chí cả ở trong vùng Ba Tô (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu). Bà con, họ tộc ly tán mỗi người một nẻo. Riêng cánh họ Nguyễn của tôi đã có đến sáu chi nhà thờ ở nhiều nơi khác nhau là vì vậy. Làng quê sầm uất một thủa, giờ chỉ còn lác đác vài chục nóc nhà, bạn bè cùng trang lứa hầu như chẳng còn ai.

Đã không còn vấn nạn làng bị sạt lở nữa, đúng hơn là không còn quỹ đất để lở, bởi chính quyền đã làm được bờ kè dài chế ngự khúc sông chảy qua làng. Nhưng có một nghịch lý là nhiều năm nay, vùng lụt bị đói lụt nghiêm trọng. Con rươi vĩnh viễn biến mất và mùa rươi chỉ còn trong ký ức mà thôi. 

Lặng nhìn tàu hút cát giữa dòng Lam.

(1) Công cụ bắt cá làm bằng những thanh tre già vót, bằng ngón tay, được bện chắc chắn, to hơn thùng đựng nước, dài cỡ 2m, đầu nhỏ bịt kín, đầu lớn đặt hom, cá vào không thể ra.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất