, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 10/07/2023, 16:10

"Mỏ vàng" dược liệu... thất thủ sân nhà

MỘC MIÊN
Dù có hô hào, khuyến khích bằng rất nhiều hình thức, nhưng liên kết giữa giới khoa học, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, sự vướng mắc cơ chế chính sách vẫn là chuyện “biết rồi, nói mãi”. Đó là nguyên nhân thiếu vắng các vùng chuyên canh dược liệu lớn, từ đó chuyện trồng tự phát càng phát triển.

Ngồi trên… kho thuốc mà xài hàng nhập

Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam hiện đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loại nằm trong sách đỏ thế giới như tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, sâm Ngọc Linh... Mạng lưới bảo tồn gen đã được ngành y tế thiết lập 7 vùng sinh thái gồm: vùng Đồng bằng Sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam bộ (TP.HCM).

Đi cùng với sự phong phú về dược liệu, là hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền với hơn 60 bệnh viện y học cổ truyền công lập; hơn 90% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu. Theo đánh giá của giới khoa học, ngành dược liệu Việt Nam có giá trị hàng tỷ USD.

Sâm dưới tán lá rừng ở Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Thọ.

Thế nhưng, có một nghịch lý là khi xu hướng chữa bệnh bằng đông y, nhu cầu bảo vệ và nâng cao sức khỏe bằng dược liệu thiên nhiên ngày một cao, thì dược liệu trong nước lại thua trên sân nhà. Bản đồ vùng dược liệu Việt Nam trải dài cả nước, sở hữu trong đó hai vốn quý là đa dạng chủng loại và tri thức bản địa, nhưng như là hệ quả tất yếu của vòng lẩn quẩn trồng cây gì hàng chục năm qua, cây dược liệu vẫn chưa trở thành hàng hóa thật sự mạnh, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng, vừa giúp người trồng (chủ yếu là đồng bào miền núi) cải thiện sinh kế.

Kiểu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giống tốt xấu lẫn lộn; công nghệ trồng trọt, phân tích, chế biến kém; chính sách không rõ ràng và đầy đủ, cho nên nguồn dược liệu trong nước chỉ chiếm 20 - 25%, còn lại là nhập khẩu trong khi mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50 - 60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu.

Chợ Ngọc Lâm (Quảng Tây - Trung Quốc), cách biên giới Việt Nam hơn nghìn kilomet, nhưng vẫn được giới buôn Việt Nam tìm tới, bởi muốn gì có nấy, phong phú chủng loại và giá cả. Người trong giới tiết lộ, như nấm Linh Chi, giá khoảng 230.000 VNĐ/kg. Rẻ. Câu trả lời là vì nấm đã bị rút hết tinh chất, dù là dược liệu quý, nhưng như thế thì không rẻ mới lạ. Táo đỏ giá 10.000 VNĐ/kg, nhân sâm 5.000 VNĐ/củ… Chất lượng các mặt hàng này ra sao, có trời mới biết. Muốn bao nhiêu có bấy nhiêu.

Lại có ý kiến rằng, không khó để lấy xác dược liệu tại các công ty dược phẩm của Trung Quốc. Cùng với chợ này là khu chợ Ái Điềm (Minh Ninh - Quảng Tây), được coi là thiên đường dược liệu, dù giá có cao hơn chợ Ngọc Lâm, nhưng sát biên, nên giới buôn Việt thường xuyên tìm tới.

Đó là chưa thống kê con số buôn lậu dược liệu mà cơ quan chức năng bắt giữ số lượng lớn trong nhiều năm qua. Lũng đoạn thị trường dược liệu trong nước do hàng lậu đã đành, mà tại “sân nhà”, việc khai thác và bán buôn dược liệu cũng góp phần làm cạn kiệt “mỏ vàng” này. Một lãnh đạo Hội Đông Y tỉnh Gia Lai từng nói: “Giới buôn từ Trung Quốc sang mua mật nhân, họ không mua thân mà mua vỏ rễ. Một cây mật nhân muốn thu hoạch thì phải trồng 30 năm. Thu mua kiểu của họ, thì không kiệt thuốc quý mới lạ. Dân ta thì ham giá cao, ít suy tính lợi trước mắt hại lâu dài”.

Thu hoạch sâm nam. Ảnh: Hoàng Thọ.

Ước tính, trong nước mỗi năm cần đến trên 50.000 tấn cây dược liệu để chế xuất thuốc. Vì thế, khi quản lý lỏng lẻo thì xảy ra khai thác tận thu. Tại Cao Bằng, 20 năm qua, gần 10 triệu tấn dược liệu khô và tươi đã được bán sang Trung Quốc, với khoảng 300.000 – 500.000 tấn/năm. Một con số kinh hoàng và thần tốc! Thất diệp nhất chi hoa, bình vôi, ba kích, hoàng đằng… đều đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Đừng thấy số lượng bán sang Trung Quốc vài năm trở lại đây giảm mà vội mừng, bởi nó cảnh báo cây thuốc chúng ta đang cạn kiệt.

Trong nước: thật giả lẫn lộn

Hàng giả trong nước vẫn là câu chuyện đau đầu. Từ năm 2017, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã tổ chức và duy trì hàng tháng phiên chợ Sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi. Đến nay huyện này đã tổ chức được 58 phiên chợ; trong đó, có 32 phiên chợ trực tiếp và 26 phiên chợ trực tuyến bằng hình thức bán hàng trực tuyến online qua các ứng dụng Facebook và Youtube. Bình quân tại mỗi phiên chợ, lượng Sâm Ngọc Linh bán được từ 20 - 25kg, các loại hàng nông sản, dược liệu, sản phẩm OCOP bán được từ 70 - 100kg với tổng số tiền dao động từ 2,5 - 3,0 tỷ đồng. Trong đó, hơn 90% doanh thu đến từ việc bán Sâm Ngọc Linh.

Đặc biệt, tại các Lễ hội Sâm Ngọc Linh (năm 2017, 2018, 2019, 2020), doanh thu từ việc bán Sâm Ngọc Linh và hàng nông sản, dược liệu, các sản phẩm OCOP đạt từ 9 - 12 tỷ đồng, tăng gấp 3 - 4 lần so với các phiên chợ hàng tháng. Tại các phiên chợ, đều có lực lượng… soi sâm giả. Họ là người địa phương, có kinh nghiệm phân biệt giả - thật nguồn bán, bởi tình trạng trà trộn sâm nơi khác cùng các loại dược liệu giống sâm, nếu không sành sõi thì xuống tay mua sẽ mất cả chì lẫn chài, lại rước bệnh vào thân nếu đem dùng.

Nhiều hộ dân ở Nam Trà My sống ổn định từ cây chè dây. Ảnh: Phú Thiện.

Cũng tại Quảng Nam, vùng Tây Giang được xem là lãnh địa cây ba kích, thế nhưng ngay trung tâm huyện, chuyện đánh tráo hàng tại chỗ bằng hàng từ Quảng Ninh vào, khiến rối cả lên, bởi nguồn hàng tại địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu do thiếu vùng quy hoạch lớn, trồng lẻ tẻ, thì lấy đâu ra ba kích bán tràn lan.

Dù có hô hào, khuyến khích bằng rất nhiều hình thức, nhưng liên kết giữa giới khoa học, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, sự vướng mắc cơ chế chính sách vẫn là chuyện “biết rồi, nói mãi”. Đó là nguyên nhân thiếu vắng các vùng chuyên canh dược liệu lớn, từ đó chuyện trồng tự phát càng phát triển. Số gia đình trồng cây thuốc và diện tích trồng cây thuốc trong làng nghề giảm dần. Bởi vậy, theo thống kê chưa đầy đủ, nguồn dược liệu từ trồng trọt trong nước chỉ chiếm chừng 26%. Một con số quá bé nhỏ với tiềm năng của một quốc gia được thế giới đưa vào danh sách 15 nước có nguồn dược liệu phong phú.

Có tới 74% dược liệu được các cơ sở đông y hay các đơn vị kinh doanh thực phẩm dược thảo sử dụng là từ nguồn nhập tiểu ngạch ở nước ngoài, mà chất lượng ở khâu kiểm tra và quản lý thì còn sơ hở. Điều này tạo tâm lý lo sợ ở người tiêu dùng, khiến họ quay lưng, hoặc tiêu dùng mà hoang mang.

Thua trắng trên sân nhà, dễ thấy câu chuyện quản lý và chính sách đã thất bại ở lĩnh vực này.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất