Sau 180 ngày cao điểm dồn sức thực hiện các biện pháp nhằm nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), các cơ quan chức năng và địa phương ven biển nước ta đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt tăng cường quản lý toàn diện tàu cá đánh bắt xa bờ và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm...
Trong hơn 5 năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC và xem đây là nhiệm vụ quan trọng cũng như cơ hội để chấn chỉnh công tác quản lý ngành thủy sản của tỉnh. Nghệ An đã ban hành kế hoạch hành động về triển khai thực hiện đề án “Phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đến năm 2025” và triển khai các giải pháp chống khai thác IUU tích cực và đồng bộ.
Công tác tuyên truyền được đổi mới và triển khai sâu rộng đến từng ngư dân và chủ tàu. Các địa phương, đơn vị tổ chức đã sử dụng các hình ảnh, video minh họa sinh động và dẫn chứng cụ thể về hành vi khai thác hải sản IUU đã giúp người dân dễ hiểu, nhận thức đúng và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển.
Mới đây, tại buổi tuyên truyền về chống khai thác IUU với sự tham gia của hơn 200 chủ phương tiện tại xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu), anh Trần Hữu Thành, chủ hai tàu cá có chiều dài hơn 22m, công suất hơn 750CV, chia sẻ: “Được bộ đội biên phòng, Chi cục Thủy sản huyện Quỳnh Lưu tuyên truyền pháp luật, mình có trách nhiệm nhắc nhở thuyền trưởng và thuyền viên tuyệt đối không được vi phạm vùng biển nước ngoài để góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC, cũng là góp phần bảo đảm quyền lợi cho ngư dân cả nước”.
Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long Trần Văn Nguyện cho biết, thông qua các hội nghị, cấp phát tờ rơi cho các chủ phương tiện; phối hợp đồn biên phòng địa phương đã thông tin rộng rãi đến chủ phương tiện và ngư dân về Luật Thủy sản năm 2017, về chống khai thác IUU; vận động chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết chống khai thác IUU.
Tại tỉnh Sóc Trăng, thực hiện chiến dịch thông tin truyền thông, tỉnh triển khai đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tập huấn nhằm phổ biến kịp thời, đầy đủ các quy định về chống khai thác IUU đến ngư dân, các tổ chức, cá nhân có liên quan, phối hợp các lực lượng chức năng xử lý các hành vi vi phạm.
Mới đây, tỉnh đã phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức đợt tập huấn, tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng chống khai thác IUU, với 80 ngư dân tham dự, đồng thời tuyên truyền trực tiếp 1.494 lượt cho chủ tàu, thuyền trưởng khi làm thủ tục cập, rời cảng.
Ông Trần Văn Khởi, ở xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có đội tàu 22 chiếc khai thác đánh bắt hải sản. Từ lúc hành nghề đánh bắt thủy sản đến nay đã nhiều năm, gia đình ông luôn nghiêm túc tuân thủ đúng quy định pháp luật. “Tôi nghĩ ở đâu cũng vậy, ngư dân cần tuân thủ luật pháp quốc tế. Tôi mong các thuyền trưởng khác cũng đồng lòng thực hiện cam kết này để EC gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Có như vậy hoạt động xuất khẩu thủy sản mới thuận lợi hơn”.
Là chủ ba tàu đánh bắt xa bờ, anh Phan Văn Hải, Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), Bí thư Chi bộ Hội nghề cá trên biển đầu tiên của tỉnh Nghệ An cho biết: Thông qua các cuộc họp chi bộ thường kỳ trên biển, chúng tôi quán triệt và ra nghị quyết yêu cầu các đảng viên phải tuyệt đối chấp hành nghiêm các quy định Luật Thủy sản 2017, về chống khai thác IUU... Trên cơ sở đó, cấp ủy, các đảng viên trên từng tàu cá vận động mọi người khi đánh bắt hải sản tuyệt đối không vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài; không ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình; ghi chép nhật ký đánh bắt đầy đủ, kịp thời…
Tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa), phát huy vai trò chủ động, tích cực của ngư dân trong chấp hành các quy định pháp luật, nhiều năm qua thành phố Sầm Sơn tổ chức đa dạng các phương thức tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức cho ngư dân bằng hình thức trực tiếp, trực quan, trực tuyến, trên hệ thống phát thanh cơ sở.
UBND phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn vừa phối hợp lực lượng cảnh sát biển quán triệt, cập nhật kiến thức pháp luật cho 80 cán bộ chuyên môn, chủ phương tiện nghề cá ở các xã, phường trên địa bàn. Các tổ chức trong hệ thống chính trị, hội nghề nghiệp, cơ quan báo chí cùng tham gia tuyên truyền, trao tặng hơn 1.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân. 172 chủ phương tiện ở Sầm Sơn đã ký cam kết với cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở về chấp hành các quy định pháp luật, không khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Ban Chỉ đạo về IUU của tỉnh Kiên Giang thực hiện hành động quyết liệt để gỡ “thẻ vàng” của EC. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh tổ chức 236 đợt tuyên truyền pháp luật cho hơn 12.900 ngư dân, chủ tàu; cấp phát hơn 11.200 tờ rơi về chống khai thác IUU, hơn 1.300 lá cờ Tổ quốc.
Nhờ vậy, hầu hết các chủ tàu đã được tuyên truyền và nhận thức được các khuyến cáo của cơ quan chức năng trong đánh bắt xa bờ. Ông Trần Đắc (53 tuổi), trú xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, có năm tàu đánh bắt thủy sản trên các vùng biển của Việt Nam. Gần 30 năm qua, từ chỗ sở hữu một chiếc tàu nhỏ bé, nguồn lợi thủy sản đã giúp ông vươn lên khấm khá. Nhờ đó, liên tiếp ông đóng mới tàu cá có công suất lớn khai thác ở ngư trường xa hơn.
Ông Đắc cho biết, nghề đánh bắt thủy sản không chỉ mang lại ấm no cho gia đình ông mà còn việc làm và cuộc sống của gần 100 ngư phủ. Những năm gần đây, ngư trường đánh bắt ngày một khó khăn, lượng cá ngày một ít đi buộc các tàu của ông Đắc phải đánh bắt ngư trường xa hơn, tốn kém nhiều chi phí hơn.
Chuẩn bị chuyến ra khơi nhiều ngày vào cuối tháng 5 này, ông Đắc và hơn 120 chủ tàu ở Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành được ngành chức năng tỉnh vận động không vi phạm khai thác hải sản và cấp phát tờ rơi về vùng hoạt động khai thác thủy sản, cũng như thư kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang. “Cả năm tàu cá của tôi đã lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình cả 24 giờ. Chúng tôi cũng được tuyên truyền để bảo đảm vùng hoạt động khai thác thủy sản, ông Đắc nói.
Ông Tô Văn Long, chủ tàu cá ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết, nhờ giám sát hành trình mà ở nhà, ông vẫn biết rõ đoàn tàu đánh bắt cá của mình đi những đâu, rất tiện lợi cho việc quản lý tàu. “Qua theo dõi, khi thấy đoàn tàu do mải theo đàn cá mà nguy cơ vượt qua ranh giới biển nước khác là tôi gọi điện báo động quay về. Thiết bị giám sát hành trình đáp ứng nhu cầu liên lạc, bảo đảm an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển, có thể báo động cấp cứu về bờ khi tàu gặp sự cố. Nó còn cung cấp thông tin thời tiết tại các vị trí bất kỳ hoặc vùng biển nào, hay nhắn tin liên lạc hai chiều giữa tàu và bờ. Qua dự báo ngư trường, tôi còn có thể xác định trữ lượng khai thác” - ông Long giải thích.
Là địa phương có số lượng tàu, thuyền đánh bắt thủy hải sản lớn nhất của thành phố Đà Nẵng, quận Sơn Trà hiện có 1.205 chiếc tàu, thuyền, trong đó 450 chiếc đánh bắt xa bờ. Toàn quận đã thành lập 71 tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Đặc biệt, UBND quận phối hợp các cơ quan, đơn vị tuyên truyền về biển đảo, thông báo những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cho ngư dân, động viên ngư dân yên tâm bám biển sản xuất. Trong quá trình vươn khơi, các tàu trong mỗi tổ cùng ngành nghề khai thác có mối gắn kết chặt chẽ, vừa chia sẻ ngư trường, vừa hỗ trợ khi có thiên tai, sự cố trên biển.
Ngư dân Trương Công Tiếp, Tổ đội khai thác thủy sản phường Thọ Quang, quận Sơn Trà chia sẻ: “Tàu tôi đánh bắt vùng khơi, tàu hướng khai thác thủy sản xuất khẩu. Mỗi năm, tôi luôn dự từ hai đến ba lần các đợt tuyên truyền của chính quyền chức năng. Vùng đánh bắt của tàu luôn thuộc tọa độ được phép. Tôi và các bạn thuyền thường xuyên nhắc nhở về tọa độ đánh bắt, quyết tâm “nói không với đánh bắt trái phép, tuyệt đối chấp hành pháp luật của Nhà nước, góp sức cùng các cơ quan chức năng gỡ thẻ vàng IUU của EC”.
(Còn nữa)