, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 17/03/2022, 10:42

Ngân hàng rót 30.000 tỉ đồng cho con tôm Việt

THÙY DUNG
Năm 2021, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng tốt, đạt 8,9 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu tôm đóng góp hơn 3,8 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam vẫn giữ được vị trí trong tốp các nhà xuất khẩu thủy sản lớn của thế giới. 
Mô hình nuôi tôm theo hướng hữu cơ của Nam Miền Trung Group.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 năm qua, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng 5%/năm. Với kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tôm đang là sản phẩm chủ lực thúc đẩy xuất khẩu thủy sản cả nước.

Con “át chủ bài”

Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của tôm Việt, chiếm 28% thị phần. Thị trường lớn thứ hai là châu Âu (bao gồm cả Anh) chiếm 21,8%; thứ ba là Nhật Bản, chiếm 14,9%, Trung Quốc đứng thứ tư với 10,6%, kế tiếp là Hàn Quốc với 9,6%. Đánh giá cơ hội xuất khẩu thủy sản năm 2022, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu vẫn đang tăng khoảng 5% mỗi năm. Đặc biệt, sản phẩm tôm vẫn là “át chủ bài” của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm tới.

Về tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường, VASEP dự báo xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số trong năm nay. Xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021. Xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định dù có thể không có sự tăng trưởng đột phá.

Làm thế nào để gia tăng giá trị?

Nhìn xa hơn về triển vọng phát triển của ngành tôm, VASEP nhận định ngành hàng này còn nhiều động lực để tăng trưởng, giai đoạn 2022 - 2025 có thể tăng trưởng khoảng 9%/năm; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm có thể đạt 5,6 tỷ USD. 

Dù cơ hội thị trường rộng mở song theo các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến tôm thì ngành này đang tồn tại không ít thách thức. Là người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành tôm, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nam Miền Trung Group cho rằng với ngành tôm, hiện giá nguyên liệu đầu vào cao, giá tôm nguyên liệu cao hơn các nước trong khu vực nên khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường thế giới bị ảnh hưởng. Đáng chú ý là hoạt động sản xuất chưa ổn định, kém bền vững khiến người nuôi tôm chưa được hưởng lợi mặc dù giá tôm cao. 

Ông Nguyễn Hoàng Anh lý giải, nguyên nhân chính gây nên thực trạng này là chất lượng tôm giống thấp từ những trại ươm không đạt chuẩn; người nuôi tôm chưa có quy trình tiêu chuẩn; kỹ thuật thấp; giá thức ăn, vật tư còn cao do chưa được kiểm soát đồng bộ. “Để giải quyết vấn đề này chúng ta cần phải xây dựng chuỗi khép kín hoàn thiện, giải quyết vấn đề con giống, kỹ thuật, thức ăn, vi sinh, bao tiêu đầu ra đảm bảo giá thành cho người nuôi tôm… Từ đó nâng cao giá trị cho ngành tôm Việt Nam” - ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.

Ngân hàng vào cuộc

Trong bối cảnh con tôm Việt Nam được nhìn nhận sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh, vừa qua, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã “bắt tay” cùng với Nam Miền Trung Group để phát triển chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam. Hợp tác chiến lược giữa Nam A Bank và Nam Miền Trung Group có quy mô lên đến 30.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, Nam A Bank chính thức trở thành đối tác tài chính và hỗ trợ nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư, xây dựng hạ tầng, thanh toán của doanh nghiệp hướng đến mục tiêu gia tăng giá trị kinh doanh, phát triển bền vững chuỗi giá trị tôm Việt. Ông Trần Ngọc Tâm - Tổng Giám đốc Nam A Bank cho biết: “Đây là một trong những chương trình hướng đến lĩnh vực thủy sản lớn nhất trong năm 2022 của Nam A Bank nhằm góp phần phát triển ổn định ngành tôm trong tình hình mới, nâng cao lợi thế cạnh tranh của tôm Việt và ngành thủy sản. Qua đó giúp cho ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung gia tăng giá trị, phát triển và nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản, thúc đẩy nền kinh tế trong những năm tới đây”.

Đánh giá cao sự hợp tác giữa Nam A Bank và Nam Miền Trung Group, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng việc ký kết hợp tác của Nam A Bank và Nam Miền Trung Group rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, khi Chính phủ có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ làm nông nghiệp trong phục hồi kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra yếu tố nền tảng cho kinh tế tăng trưởng bền vững... 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng nhận định sự hợp tác này có ý nghĩa rất lớn về cơ chế chính sách, hiệu quả chính sách và công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách. Cụ thể, hợp tác này không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp để thực hiện chiến lược kinh doanh mà thông qua đó còn góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ về phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đối với việc phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Lệnh, sự hợp tác này thành công và mang lại hiệu quả nhờ việc khai thác và sử dụng vốn gắn với hoạt động tín dụng xanh; sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra sản phẩm giá trị cao và xuất khẩu… Những yếu tố trên sẽ là cơ sở nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế. 

Với sự đồng hành của Nam A Bank, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nam Miền Trung Group phấn khởi: “Tôi tin chắc rằng, sau khi hoàn thiện chuỗi hợp tác này của Nam Miền Trung và Nam A Bank, chúng ta sẽ đủ tiềm lực để giải quyết những thực trạng mà ngành tôm Việt Nam đang gặp phải; giải quyết khó khăn cho người nuôi tôm và góp phần phát triển ngành tôm Việt Nam vững mạnh hơn nữa trên thị trường thế giới”. 

Từ phía doanh nghiệp, Tập đoàn Nam Miền Trung cam kết sẽ luôn hết mình tạo ra những giá trị lớn hơn, sát cánh cùng người nuôi tôm, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, đôi bên cùng có lợi và bám sát mục tiêu vì lợi ích chung; không chỉ cho Nam Miền Trung và Ngân hàng Nam Á mà còn cho người nuôi tôm và cho ngành tôm Việt Nam nói chung. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất