, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 28/09/2021, 08:55

Những bài học từ Israel

THS.LÊ TRANG

Trong các quốc gia đang nỗ lực nhiều nhất để đối phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Israel là một đất nước đã và đang cho thấy những hướng đi đúng đắn nhằm hạn chế và khắc phục những khó khăn gây ra bởi BĐKH thông qua những mô hình sáng tạo và hiệu quả.

Góc nhìn trên cao các nông trại nhà kính, nhà lưới tại thung lũng Arava, sa mạc Negev. Ảnh: Đạt Nguyễn.

 

Xuất phát điểm khó “vô cực”

Israel là một đất nước tương đối nhỏ với tổng diện tích chỉ khoảng 22.000km2, nằm ở ngã ba lục địa Á - Phi - Âu. Phía bắc Israel mang đặc trưng kiểu khí hậu Địa Trung Hải, đổ dần xuống phía nam là kiểu khí hậu bán hoang mạc và hoang mạc. Sự chênh lệch lượng mưa giữa miền bắc và miền nam là tương đối lớn, với trung bình hàng năm là từ 151,94mm đến 772,6mm. Nhiệt độ trung bình hàng năm dao động trong khoảng từ 15,920C đến 23,910C (1), càng về phía nam, khí hậu càng trở nên khô cằn và khắc nghiệt nhất - đó chính là sa mạc Negev. Có thể nói thiên nhiên không hề ưu đãi đất nước này, khi hơn 50% diện tích đất là hoang mạc và bán hoang mạc, chỉ có một số vùng đất nhỏ, phân mảnh có thể làm nông nghiệp như vùng đồng bằng ven biển Địa Trung Hải, vùng châu thổ sông Jordan.

Tất cả điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đó đã mang đến những thách thức rất lớn cho nền nông nghiệp Israel, đặc biệt là vấn đề về nước - bởi nông nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ tới 60 % lượng nước của Israel (1). Không chỉ vậy, Israel cũng là một quốc gia sẽ chịu tác động nặng nề của BĐKH như sa mạc hóa, nước biển dâng và đặc biệt là cạn kiệt nguồn nước ngọt (2).

Cuộc đối đầu ngoạn mục

Có xuất phải điểm tưởng như không thể ngước lên được, Israel đã có cuộc đối đầu ngoạn mục với BĐKH. Đất nước này có những mô hình vô cùng hiệu quả mà nhiều quốc gia khác trên thế giới không thể không quan tâm trong công cuộc ứng phó với BĐKH của họ như: Mô hình kiểm soát và phân phối nước; Mô hình ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật phù hợp với từng điều kiện tự nhiên; Mô hình thúc đẩy sáng tạo công nghệ giải quyết bài toán BĐKH.

Mô hình kiểm soát và phân phối nước

Ở Israel, nước là tài sản thuộc quyền quản lý của quốc gia. Việc sử dụng nước được quản lý nghiêm ngặt và phân biệt rõ ràng: nước ngọt dùng cho ăn uống và sinh hoạt, trong khi nước lợ và nước tái chế được sử dụng cho mục đích tưới tiêu trong nông nghiệp. Tùy vào vị trí từng khu vực và mục đích sử dụng mà mỗi nơi sẽ được giới hạn mức tiêu thụ nước, cũng như giá nước khác nhau. Ở đây, có thể nhắc đến 3 công nghệ hàng đầu thế giới của Israel về nước.

Đầu tiên, đó là công nghệ khử mặn thu nước ngọt từ nước biển. Khi được ông Oded Halamit - Giám đốc Trung tâm đào tạo Nông nghiệp và Hợp tác quốc tế Kibbutz Shefayim - giới thiệu về công nghệ này trong một buổi nói chuyện với sinh viên, tôi có hỏi: “Liệu với sự gia tăng dân số nhanh như hiện nay, thì Israel có đủ khả năng cung cấp nước cho người dân”? Ông đã không chút ngần ngại tuyên bố rằng: “Nước biển là vô hạn”! Với công nghệ của họ, chỉ cần họ muốn bao nhiêu nước là có thể đưa từ biển vào để tạo nước ngọt được . Quả là một lời tuyên bố đầy tự tin, nhưng cũng cho thấy được những suy nghĩ sáng tạo, những tham vọng và các ý tưởng là điều sẽ không bao giờ bị cạn kiệt trong tâm trí của con người Israel.

Công nghệ thứ 2 là khả năng tái chế biến nước thải thành nước sạch. Nước thải sinh hoạt của Israel được vận chuyển thông qua một đường ống xuyên quốc gia và tập kết tại hồ chứa lớn thuộc các nhà máy nước thải của Israel. Tại đó, hơn 85% lượng nước thải có thể tái sử dụng được vận chuyển thông qua đường ống riêng, phù hợp cho mục đích tưới tiêu nông nghiệp. Công nghệ này đã giúp Israel tận dụng được nguồn nước thải thỏa mãn nhu cầu lớn về nước của sản xuất nông nghiệp.

Khu thử nghiệm các giống cà chua tại trung tâm nghiên cứu và phát triển Arava (Yair R&D Center)

 

Cuối cùng, là công nghệ đã làm nên tên tuổi của đất nước Israel: công nghệ tưới nhỏ giọt. Công nghệ này đã hỗ trợ người nông dân Israel tiết kiệm tối đa lượng nước dùng cho tưới tiêu nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng cũng như mở rộng diện tích đất nông nghiệp ngay trên những thảm cát nơi sa mạc Negev.

Mô hình ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật phù hợp với từng điều kiện tự nhiên

Do những điều kiện tự nhiên của đất nước, Israel chỉ được một vài khu vực nhỏ có đất đai màu mỡ và khí hậu tương đối thuận lợi ở miền bắc - nơi có những vườn cây ăn trái được trồng xanh rì mà không cần che phủ. Với miền trung và miền nam, đặc biệt là thung lũng Arava, người nông dân Israel phải có sự lựa chọn khác biệt để có thể chống chịu với điều kiện khô hạn của tự nhiên, biến những khó khăn thành lợi thế của mình. Họ đã tận dụng điều kiện nắng quanh năm để tạo nên điều kỳ diệu: biến thung lũng Arava thành vựa rau củ lớn nhất Israel, cung cấp cho thị trường châu Âu, khi bên châu Âu vẫn còn đang trong mùa đông băng tuyết. Bên cạnh đó, luật Israel quy định trong suốt một tháng hè, toàn bộ vùng Arava sau khi làm đất phải để đất trống, không được gieo trồng bất cứ cây gì nhằm tận dụng cái nắng gay gắt của sa mạc để tiêu diệt hết mầm bệnh và cỏ dại.

Mô hình thường được thấy trong điều kiện này là việc kết hợp giữa công nghệ tưới nhỏ giọt, đầu phun tự động với công nghệ che phủ (như nhà kính, nhà lưới), cùng với việc lựa chọn giống cây trồng có khả năng chịu mặn, chịu hạn và phù hợp tối đa với điều kiện khí hậu của từng vùng (nền nhiệt trung bình, độ dài ngày - đêm…).

Mô hình thúc đẩy sáng tạo công nghệ giải quyết bài toán BĐKH

Để có được những công nghệ sáng tạo như trên, không thể không nhắc tới hệ thống thúc đẩy phát triển tiến bộ khoa học và công nghệ của Israel. Mỗi vùng trên cả nước đều có những trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp (R&D center) với nhiệm vụ làm cầu nối chuyển giao những công nghệ mới, hiệu quả cho người nông dân, đồng thời cũng là nơi lắng nghe từng vấn đề, từng khó khăn của người nông dân để tìm cách cải tiến. Chính sự kết hợp hiệu quả giữa chính sách, nguồn lực đầu tư của nhà nước thông qua các quỹ với các tổ chức nghiên cứu, học thuật và doanh nghiệp đã thúc đẩy sự phát triển không ngừng của những sáng tạo khoa học công nghệ góp phần giải quyết bài toán BĐKH trên đất nước này. Cũng từ mô hình đó mà nhiều công nghệ được ra đời, có thể kể đến như: công nghệ điện mặt trời, công nghệ thuốc sâu sinh học, sử dụng thiên địch, công nghệ giống, công nghệ IoT...

Trước những thách thức đang biến đổi không ngừng của thiên nhiên, Israel đã và đang nỗ lực để có thể biến những nghịch cảnh thành cơ hội cho mình. Chấp nhận cúi đầu trước cơn giận dữ của thiên nhiên hay sẵn sàng bắt tay vào, đương đầu với những khó khăn và biến chúng thành lợi thế? Điều đó, từ những bài học của Israel ta thấy rõ là phụ thuộc vào chính chúng ta!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất