, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 14/07/2023, 17:30

Nông dân Sơn La làm giàu nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất

THANH THỦY
(vov.vn)
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có nhiều nội dung mới, riêng lĩnh vực nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc.

Sau quá trình thực hiện thành công chủ trương đưa cây ăn quả lên đất dốc, cả hệ thống chính trị ở Sơn La đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện ở địa phương để thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững.

Mấy năm nay, vườn mận của gia đình anh Vì Văn Việt, dân tộc Sinh Mun ở bản Bon Cằm, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đều cho thu hái vụ sớm và vụ muộn. Kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 nên mận được giá hơn, giao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg lúc đầu vụ, cuối vụ. Đây là kết quả của việc áp dụng khoa học vào sản xuất và chăm sóc đúng quy trình.

Anh Việt chia sẻ: "Trước đây diện tích đất của gia đình chủ yếu trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế kém. Qua quá trình nghiên cứu và đi học hỏi các vườn mận của các mô hình đẹp về tôi đã đầu tư trồng mận. Những năm trước ít thì cũng được 200 triệu đồng một vụ".

Trung ương cũng rất mong muốn Sơn La trong thời gian tới sẽ là trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc.
Trung ương cũng rất mong muốn Sơn La trong thời gian tới sẽ là trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc.

Ở xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu bây giờ, mận đã “leo đồi” thay cây ngô. Cả xã hiện có hơn 400 hộ trồng mận và chăm sóc gần 200 héc ta cho quả chín sớm, bà con đã đầu tư 45 - 50 triệu đồng/héc ta cho hệ thống tưới nước tự động. Với tiêu chí đề cao chất lượng của từng trái mận, người nông dân Phiêng Khoài sẵn sàng hy sinh đến 30% sản lượng, tỉa cành, tỉa trái để giữ lại những trái ngon nhất.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, xã Phiêng Khoài cho biết, hiện đơn vị đang có 60ha mận hậu được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, được cắm biển, khoanh vùng sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và theo dõi trực tiếp quá trình sản xuất thông qua hệ thống camera.

"Hợp tác xã cũng có nhiều đơn hàng, như ở trong nước thì các đơn hàng luôn ổn định nhiều năm. Thị trường của chúng tôi thì đa dạng từ truyền thống tới thương mại điện tử rồi mạng xã hội. Khi có đầy đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu thì thị trường quả mận của chúng tôi sẽ ký hợp đồng sang các nước" - ông Toàn chia sẻ. 

Mô hình chắn mưa đá cho cây mận hậu của Mộc Châu.
Mô hình chắn mưa đá cho cây mận hậu của Mộc Châu.

Hợp tác xã Mé Lếch, huyện Mai Sơn có 20 hộ gia đình chuyên trồng na, gồm na dai truyền thống, na Thái và na sầu riêng, với diện tích hơn 150 héc ta. Để chăm sóc cây na, các thành viên đã đầu tư máy móc hỗ trợ cho việc bừa đất, phun nước và phun thuốc bằng máy.

Ông Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc hợp tác xã cho biết: "Cây na là cây khó tính nên hợp tác xã đã áp dụng công nghệ cao, đặc biệt là sản xuất hữu cơ và đưa hệ thống tưới ẩm vào vườn cây. Với hệ thống tưới ẩm trên 1 ha là hợp tác xã đầu tư tầm từ 110 - 120 triệu đồng. Hợp tác xã cũng kết nối với các công ty, các siêu thị để bán sản phẩm cho bà con".

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La đã có gần 22.500ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; 281 mã số vùng trồng với diện tích hơn 4.600 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu.

Đến nay, tỉnh đã có 17 nhà máy và hơn 500 cơ sở chế biến nông sản. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, năm 2021 tăng 7,04%. Năm 2022 mặc dù chịu tác động lớn của dịch Covid 19 và của sự suy thoái kinh tế toàn cầu, giá trị nông sản toàn tỉnh vẫn tăng 2,23%, ước 6 tháng đầu năm nay tăng 5,74%... 

Vùng trồng na tập trung của xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Vùng trồng na tập trung của xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, để có những thành quả trên, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Sơn La đã ban hành 2 đề án, nghị quyết phát triển nông nghiệp, gồm Nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao và Nghị quyết về phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Quan trọng nhất là cả hệ thống chính trị đều vào cuộc và người đứng đầu mỗi địa phương, đơn vị đều chịu trách nhiệm trong từng phần việc cụ thể.

Theo ông Đông: "Trung ương cũng rất mong muốn Sơn La trong thời gian tới sẽ là trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc. Thực hiện theo đúng kết luận của Bộ Chính trị chúng tôi sẽ cố gắng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và sẽ phát triển công nghiệp chế biến nông sản và là lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm".

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, Sơn La luôn có quyết tâm, khát vọng phải đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, tập trung khắc phục hạn chế, khó khăn để xây dựng địa phương phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc, ngày càng mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc, nơi phên dậu của Tổ quốc.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất