, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 20/04/2022, 06:03

Nuôi ong đô thị ở Đức

NGUYỆT ÁNH
Những chú ong ở thành phố được cho là khỏe mạnh và có năng suất cao hơn so với những chú ong ở các vùng nông thôn lân cận.
Nuôi ong trên các sân thượng của các tòa nhà ở Berlin.

Nuôi ong đô thị là việc nuôi giữ các đàn ong ở khu vực đô thị theo sở thích hoặc như một nguồn thu nhập phụ của người dân. Hoạt động này trở thành xu hướng ở Đức và lan rộng tại châu Âu.

Những chú ong di cư

Đức là “nhà” của khoảng 580 loài ong hoang dã, trong đó, một nửa có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bên bờ vực tuyệt chủng. Một nghiên cứu năm 2017 của Hiệp hội Côn trùng học Krefeld cho thấy từ năm 1989, sự sụt giảm sinh khối côn trùng bay trong các khu bảo tồn ở Đức lên đến 75%. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do thuốc diệt côn trùng, khói thải độc hại và quan trọng nhất là môi trường sống đa dạng dần không còn nữa.

Các chuyên gia ở Đại học Würzburg (miền nam nước Đức) cho rằng, ong mật thụ phấn cho hơn 80% số cây có hoa của họ. Số lượng ong giảm đồng nghĩa với việc số lượng và chất lượng của một số loài cây ăn trái và cây nông nghiệp giảm. Nhiều loài thực vật hoang dã khác cũng không thể phát triển hiệu quả nếu không có côn trùng thụ phấn hằng năm.

Trong những năm gần đây, có khoảng 300 loài ong đã được tìm thấy ở Berlin. Một cuộc “di cư” ong đã diễn ra nhằm tìm kiếm môi trường sinh sống phù hợp hơn, nhất là đối với các loài ong mật. Thành phố trở thành nơi lý tưởng cho loài ong phát triển bởi ấm hơn và có sẵn môi trường sống đa dạng hơn (nhiều loài hoa và hoa nở liên tục) giúp đàn ong có thể dễ dàng lựa chọn thức ăn cho mình.

Nuôi ong trên các mái nhà ở đô thị.

Tại Berlin, giáp với hệ thống giao thông một chiều là thiên đường rộng đến 1.720m2 đầy màu sắc hoa cỏ với ngô xanh, anh túc đỏ, mùi tây, cỏ dại… Thành phố này đã dành 1,5 triệu euro để gieo hạt và nuôi dưỡng hơn 50 khu vườn hoa cỏ trong khoảng 5 năm qua. Munich xây dựng khoảng 30 đồng cỏ kể từ năm 2018. Tương tự là Stuttgart, Leipzig, Braunschweig. Hamburg cũng bắt đầu từ năm 2015 và công bố công trình bồn hoa thân thiện với ong trên đỉnh nhà chờ xe buýt. Trong những năm qua, Đức đã trồng hơn 100 đồng hoa cỏ dại ở khắp các thành phố lớn của mình.

Sau mùa hè, những cơn mưa lớn giúp các khu vườn hoa dại rực rỡ sắc hoa. Những người làm dự án đã cố tình trộn lẫn nhiều loài hoa có nguy cơ tuyệt chủng để chúng có cơ hội phát triển ở các đô thị. Dẫu thời gian để những loài hoa này lớn lên và nở rộ cũng mất 2 - 3 năm, nhưng hiện nay, thành quả đã phủ khắp các đô thị. Môi trường đa dạng đó nằm trong dự án chung tái phát triển đàn ong ở Đức.

Nuôi ong ở đô thị đã trở thành một giải pháp nhằm cứu loài ong và những vườn cây ăn quả, cây nông nghiệp đang từng bước chuyển thành chuyên canh ở các vùng nông thôn. Mô hình nuôi ong ở thành phố, bắt đầu từ “ngôi nhà ong mật” trên sân thượng của các tòa nhà cao tầng, đã ra đời ở Berlin.

Những chú ong đô thị.

“Ngôi nhà ong mật”

Năm 2010, một dự án mang tên Berlin is Buzzing - lấy cảm hứng từ mô hình nuôi trên mái của nhà hát opera ở Pari của một người nuôi ong nghiệp dư - được khởi động ở Đức bởi nhà sinh học Corinna Hoelzer và chồng của cô. Quy tụ được nhiều nhà nuôi ong giàu kinh nghiệm, Berlin is Buzzing nhân rộng các tổ ong mật trên nóc các toà nhà của Berlin. Trong số đó, có cả Nhà thờ lớn Berlin, Hạ viện Berlin (the Berlin House of Representatives - trụ sở của Quốc hội Tiểu bang Berlin) và Haus der Kulturen der Welt (Trung tâm văn hóa quốc gia Đức, nơi trưng bày và triển lãm nghệ thuật đương đại).

Không chỉ “cứu” đàn ong ở Đức, Berlin is Buzzzing còn góp phần nâng cao nhận thức của xã hội trước tình trạng số lượng ong mật toàn cầu đang suy giảm. Thông qua dự án, những người nuôi ong chuyên nghiệp đang giới thiệu, hướng dẫn và dần nhân rộng nghề đặc biệt này đến các công dân trẻ của thành phố. Những “ngôi nhà ong mật” thân thiện với môi trường cũng trở thành điểm đặc biệt thú vị trong các hoạt động tham quan, trải nghiệm của du khách khi đến Berlin.

Trong vài năm, dự án đã mở rộng từ thủ đô sang các thành phố khác của Đức, từ Berlin is Buzzing đã thành Germany is Buzzing. Đàn ong hàng trăm nghìn con phát triển khắp các thành phố như Hamburg, Frankfurt và Munich… Không chỉ vậy, ong mật cũng xuất hiện với số lượng lớn ở các thành phố khác tại châu Âu như Paris hay London (trên mái nhà của Ngân hàng Anh).

Xu hướng mới là nuôi ong trên cơ sở thử nghiệm. Những người nuôi ong có kinh nghiệm sẽ cho những người mới nuôi ong thuê các đàn ong trong một năm và hướng dẫn, hỗ trợ xuyên suốt cho họ. Vào cuối năm thử nghiệm, người nuôi mới có thể tiếp tục hoặc trả lại đàn ong. Các Câu lạc bộ Nuôi ong ở Berlin được thành lập, hình thành một cộng đồng nuôi ong chuyên nghiệp. Họ thường xuyên có các buổi trao đổi thông tin về nghề nuôi ong ở đô thị; tổ chức nhiều buổi hội thảo, hướng dẫn cách nuôi ong trên ban công, sân thượng; cách thu hoạch mật ong cũng như các phương pháp giúp đàn ong tạo mật...

 
Ngôi nhà ong mật ở một số công viên của Đức.
 

Năm 2018, Liên Hợp Quốc tuyên bố ngày 20/05 là Ngày Ong Thế giới nhằm khuyến khích mọi người suy nghĩ nhiều hơn về đa dạng sinh học.

Việc ghi nhớ và có những hoạt động liên quan đến ngày Ong Thế giới mang ý nghĩa lớn vì ong mật là lực lượng đảm bảo cho các loại rau và trái cây được thụ phấn mỗi năm. Nếu không có ong, chế độ ăn của chúng ta có thể sẽ ít lựa chọn hơn rất nhiều. Ngày Ong Thế giới cũng là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ “những người bạn thụ phấn” của chúng ta.

So với 40% của ong ở nông thôn, ong ở thành thị có tỷ lệ sống sót vào mùa đông là 62,5% và trung bình trong năm đầu tiên, ong thành thị cho ra 26,25 pound (khoảng 12kg) mật ong, trong khi năng suất của ong nông thôn chỉ là 16,75 pound.

Theo một số nghiên cứu, mật ong ở các vùng nông thôn có thể chứa một lượng glyphosate (một dạng thuốc diệt cỏ) nguy hiểm trong khi ở thành thị, mật ong ít bị ảnh hưởng này. Hương vị của mật ong ở thành phố cũng đặc biệt hơn do có thành phần hoa đa dạng hơn so với mật ong ở nông thôn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất