
Theo số liệu thống kê chính thức của chính phủ, những trận mưa gió kỷ lục và tình trạng sông băng tan chảy ở vùng núi phía bắc của Pakistan đã gây ra lũ lụt khiến 33 triệu người bị ảnh hưởng và ít nhất 1.314 người thiệt mạng.
Các nhà vận động cứu trợ cho biết, cần có thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế khi thời tiết khắc nghiệt không ngừng tiếp diễn khiến các gia đình dễ bị tổn thương phải di tản.
“Thông tin hôm nay là một lời nhắc nhở rằng, trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang ngày càng trở nên nguy hiểm do khủng hoảng khí hậu. Chúng tôi lo sợ những ngày sắp tới, chúng tôi thậm chí có thể sẽ phải nghe thông tin còn tồi tệ hơn, đặc biệt là nếu chúng tôi không thể nhận được viện trợ cứu sinh cho mọi người một cách kịp thời", ông Khuram Gondal - Giám đốc tổ chức Save the Children tại Pakistan nói.

Theo ước tính của chính phủ Pakistan, kể từ tháng 6 đến nay, lũ lụt đã gây ra thiệt hại 10 tỷ USD. Các tỉnh Punjab, Sindh, Baluchistan và Khyber Pakhtunkhwa là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phần lớn những người thiệt mạng ở đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Những người tị nạn Afghanistan sống ở Pakistan cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Ước tính hơn 420.000 người tị nạn Afghanistan nằm trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tuần trước, Mỹ đã công bố khoản viện trợ 30 triệu USD cho các nạn nhân lũ lụt ở Pakistan. Trong khi đó Vương quốc Anh cũng công bố khoản viện trợ 15 triệu Bảng và Liên minh châu Âu (EU) 1,8 triệu Euro.

Theo ông Khuram Gondal, hậu quả của lũ lụt sẽ mang lại nhiều rủi ro hơn cho trẻ em, bao gồm bệnh tật, đói kém, thiếu chăm sóc sức khỏe và các nguy cơ về an toàn tính mạng.
“Nhiều trẻ em lâm vào cảnh lang thang cơ nhỡ, mất nhà cửa, mất gia đình, dễ bị rơi vào các đường dây buôn người. Chúng tôi cần thêm sự hỗ trợ khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế, đồng thời thế giới cũng cần phải cảnh giác với tình trạng biến đổi khí hậu cũng như mối đe dọa chết chóc của nó đối với trẻ em”, ông Gondal nhấn mạnh.