, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 04/04/2020, 15:29

Phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo MỸ HẠNH (Báo An Giang)

Để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, những năm gần đây, huyện Phú Tân (An Giang) đã khuyến khích, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình đã và đang được nhân rộng mang lại kết quả đáng khích lệ.

 

Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao mở ra hướng phát triển bền vững cho huyện thuần nông Phú Tân
Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao mở ra hướng phát triển bền vững cho huyện thuần nông Phú Tân.

Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt là một trong những mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, mở ra hướng phát triển mới cho nông dân xã Bình Thạnh Đông. Anh Nguyễn Ngọc Bằng (nông dân ấp Bình Quới 2), cho biết, hưởng ứng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng do địa phương phát động, từ 1.200m2 đất trồng lúa, anh thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Hội Nông dân đã tạo điều kiện cho anh đi tham quan, học hỏi mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở huyện Tri Tôn, An Phú và hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho mô hình.

Từ những trải nghiệm, anh Bằng đầu tư nhà lưới với chi phí gần 500 triệu đồng, thử nghiệm trồng 2.700 gốc dưa lưới. Dưa được trồng đúng quy trình theo tiêu chuẩn sạch, không sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, cho năng suất cao và bảo đảm chất lượng. Vụ thu hoạch đầu tiên sau 2,5 tháng gieo trồng, vườn dưa lưới của gia đình anh Bằng cho năng suất đạt trên 3,5 tấn, bán với giá 33.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh thu lợi nhuận trên 57 triệu đồng. Với nhà lưới này, anh có thể trồng từ 3-4 vụ/năm, cải thiện đáng kể nguồn thu nhập, đầu ra được công ty ký kết hợp đồng tiêu thụ toàn bộ.

Tuy chỉ chọn rau xanh làm sinh kế, nhưng nhờ kỹ thuật trồng trong nhà màng, kỹ thuật tuân thủ đảm bảo an toàn, đầu ra rau xanh của ông Phạm Quý Ngọc (ngụ xã Hiệp Xương) bán được giá và được người tiêu dùng ủng hộ. Ông Ngọc thực hiện mô hình từ tháng 10-2018 đến nay trên diện tích 1.000m2, chuyên trồng các loại rau ăn lá, như: cải xanh, cải ngọt, mồng tơi…

Ông Ngọc cho biết, rau được trồng khoảng 20 ngày, bắt đầu cho thu hoạch 1 vụ, đầu ra của sản phẩm được bao tiêu với giá 10.000 đồng/kg, năng suất mỗi vụ thu được khoảng 1 tấn. Ưu điểm rau được trồng trong nhà lưới hạn chế côn trùng gây hại, kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vào mùa mưa thì hạn chế dập nát lá, riêng đối với mùa nắng thì sử dụng hệ thống tưới phun bán tự động, giúp làm mát, giảm nhiệt độ bên trong nhà lưới, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tối ưu.

Khởi đầu, mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của ông Ngọc có tổng kinh phí trên 180 triệu đồng, trong đó UBND xã Hiệp Xương hỗ trợ 90 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, phần còn lại do gia đình đối ứng. Hiệu quả của mô hình đã được nhiều nông dân học hỏi và nhân rộng.

Còn chị Nguyễn Thị Thảo (ngụ xã Phú Hưng), sau thời gian phát triển vườn dâu tằm chủ yếu thu trái làm sản phẩm giải khát phục vụ khách tại chỗ, nay đã được hỗ trợ đầu tư công nghệ phun tưới nhằm sản xuất theo hướng bền vững chuẩn VietGAP. Từ 3 công đất trồng nếp kém hiệu quả được gia đình chị cải tạo để trồng giống dâu tằm Đà Lạt, gia đình chị đã mở rộng hơn 1ha, kết hợp xen canh cây atiso hoa đỏ chế biến nước siro, nước cốt, mứt…

Ngay từ giai đoạn đầu, chị Thảo đã rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm nhằm tạo uy tín cho thương hiệu “Dâu tằm Ngọc Thái”. Các sản phẩm được chị gửi mẫu kiểm định chất lượng ở trung tâm chuyên môn của tỉnh, TP. Hồ Chí Minh và công khai cho khách hàng biết.

Chị Thảo thông tin, vừa được tỉnh hỗ trợ thiết bị tưới phun, gia đình đầu tư thêm máy móc hiện đại để sản xuất nước uống chất lượng cao. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ trong quá trình canh tác, vườn dâu tằm Ngọc Thái cho trái quanh năm, hiệu quả kinh tế đáng kể và ổn định lâu dài. Ngoài các sản phẩm chế biến dâu tươi, thời gian gần đây chị đã phát triển thêm rượu dâu, nước ép dâu, dâu sấy dẻo… được khách hàng ủng hộ, thị trường tiêu thụ rộng hơn.

Thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn huyện Phú Tân hiện có 15 nhà lưới với tổng diện tích 14.500m2, chủ yếu trồng các loại rau; mô hình trồng nấm rơm, nấm bào ngư trong nhà kín ở 13 hộ; 2 nhà màng trồng dưa lưới; 2 nhà trồng rau thủy canh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh, huyện còn hỗ trợ vốn, vật tư cho các hộ dân mở vườn cây ăn trái áp dụng kỹ thuật phun tưới nhỏ giọt, giúp tiết kiệm chi phí và nước tưới, giảm công lao động.

 

Theo MỸ HẠNH (Báo An Giang)

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất