Năm 2020, CLB Canh tác thông minh được thành lập do Hội Làm vườn tỉnh tham mưu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh thực hiện, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền. Đến nay, tỉnh thành lập được 6 CLB trên cây ăn trái, lúa và sinh vật cảnh tại huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Trụ và TP.Tân An; mỗi CLB có từ 30 - 40 thành viên tham gia. Mục đích thành lập các CLB là cung cấp nhu cầu về thông tin, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, nhất là thay đổi tư duy nhận thức của nông dân từ truyền thống sang hiện đại.
Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh - Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Trước đây, nông dân chỉ được tiếp cận khoa học - kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn hoặc nói chuyện chuyên đề. Tuy nhiên, điều này mang tính đứt đoạn, nông dân chưa tiếp cận sâu về khoa học - kỹ thuật và một số kiến thức liên quan. Khi tham gia, sinh hoạt CLB, nông dân tiếp cận thường xuyên các nhà khoa học, thông tin về thị trường, chất lượng nông sản một cách bài bản và đầy đủ. Thông qua đó, giúp kết nối “4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp). Đây là biện pháp giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sanh kinh tế nông nghiệp”.
Hàng năm, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ chịu ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình này, nhiều nông dân chuyển đổi từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang các loại cây ăn trái để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Song, một số nông dân chạy theo trồng các loại cây đang bán với giá cao trên thị trường nhưng lại chưa am hiểu về quy trình, kỹ thuật sản xuất, nhất là chưa tìm được đầu ra ổn định cho nông sản. Trước vấn đề này, Hội Làm vườn tỉnh tham mưu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh thành lập CLB Canh tác thông minh trên cây ăn trái tại xã Bình Trinh Đông với 30 thành viên tham gia.
Ông Đào Văn Thành (thành viên CLB, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông) chia sẻ: “Mục đích tham gia CLB là muốn tiếp cận được quy trình trồng bưởi khoa học, hiện đại và tìm được đầu ra ổn định cho nông sản. Khi có các nhà khoa học tham gia vào quy trình sản xuất, tôi cảm thấy rất an tâm; đồng thời, khi canh tác đúng theo quy trình thì sản phẩm ngày càng khẳng định được thương hiệu, uy tín và bán có giá hơn”.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, hiện nay, một số nông dân thường chạy theo trồng một số loại nông sản có giá cao trên thị trường nhưng lại thiếu kiến thức về khoa học - kỹ thuật và không tìm được đầu ra ổn định. Điều này làm cho các nhà nông thường gặp tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc ngược lại. Do đó, việc thành lập các CLB Canh tác thông minh với sự tham gia của Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp sẽ là một trong những giải pháp tích cực giải quyết những vấn đề trên.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh - Ngô Thanh Tuyền thông tin: “Dự kiến thời gian tới, Hội sẽ thành lập mỗi huyện có ít nhất 1 CLB Canh tác thông minh. Riêng trong năm 2023, Hội phấn đấu thành lập 5 CLB. Thông qua các CLB giúp nông dân làm quen với sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đồng thời là kênh bổ sung kiến thức để sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường”.